Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi để cạnh tranh và phát triển

11:12, 11/12/2020

Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi và thói quen mua sắm của người tiêu dùng bao gồm: chất lượng và hiệu quả, sản phẩm có nguồn gốc địa phương, công nghệ…

Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, nhất là sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi và thói quen mua sắm của người tiêu dùng bao gồm: chất lượng và hiệu quả, sản phẩm có nguồn gốc địa phương, công nghệ…

Khách hàng chọn mua sản phẩm sữa của Việt Nam trong một chương trình khuyến mại vào tháng 11 vừa qua tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương
Khách hàng chọn mua sản phẩm sữa của Việt Nam trong một chương trình khuyến mại vào tháng 11 vừa qua tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương

* Hướng tới sản xuất xanh, bền vững

Hiện nay, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cao hơn cho những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên địa phương sạch - lành, đảm bảo các yêu cầu về quy trình sản xuất, thành phần nguyên liệu, chất lượng sản phẩm cũng như độ tin cậy thương hiệu cũng phải ngày càng cải thiện, bắt kịp các xu thế của thị trường…

Đặc biệt, khi nền kinh tế ngày càng hội nhập, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)…, các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, sử dụng các nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, nguồn gốc xuất xứ… ngày càng phải được chú trọng, nâng cao.

Bà Hoàng Ngọc Oanh, Thạc sĩ Kinh tế quốc tế, chuyên gia của Hiệp hội Thông tin, tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam chia sẻ, khi tham gia các hiệp định lớn như EVFTA thì yếu tố về chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã sản phẩm là những yếu tố tiên quyết, cần phải có. Do đó, để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, hàng hóa trong nước cần chú trọng hơn đến các yếu tố liên quan tới phát triển bền vững gồm: yếu tố về bảo vệ môi trường, nhãn sinh thái, đảm bảo các quy định về lao động, tính xã hội trong sản xuất, kinh doanh…

Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh nhận định, nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường của người tiêu dùng ngày càng cao. Điều này đã trở thành động lực để nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh chuyển hướng sản xuất xanh, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường để đón đầu xu hướng tiêu dùng mới.

* Chú trọng câu chuyện về thương hiệu

Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, câu chuyện xây dựng thương hiệu được DN trong nước chú ý nhiều hơn, bởi đây là vấn đề quan trọng để củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong nước với hàng Việt trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường.

Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại, hàng Việt nói chung và hàng hóa địa phương nói riêng cần đổi mới để cạnh tranh, ứng dụng khoa học - công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đi đôi với việc làm thương hiệu, xây dựng chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường và đến tay người tiêu dùng.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai nhận định, các DN địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa cần chú trọng xây dựng chiến lược phát triển dài hơi trong hoạt động kinh doanh, trong đó có kế hoạch đầu tư để phát triển thương hiệu. Song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ các DN địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa trong mạng lưới phân phối, quảng bá sản phẩm để các DN có thêm các kênh giao thương, giới thiệu và phân phối sản phẩm...

Tại Đồng Nai, trong những năm qua, nhiều giải pháp để hỗ trợ DN nâng cao chất lượng cạnh tranh, sức mạnh DN nói chung và xây dựng thương hiệu nói riêng từng bước được đẩy mạnh. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành chương trình Phát triển thương mại điện tử của Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 và chương trình phát triển thương mại điện tử hằng năm nhằm hỗ trợ DN sử dụng rộng rãi các mô hình giao dịch thương mại điện tử; hướng tới hoàn thiện Cổng thương mại điện tử Đồng Nai, kết nối người tiêu dùng với các sản phẩm do những DN trong tỉnh sản xuất...

TS Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ chia sẻ, Viện đã phối hợp với các sở KH-CN ở địa phương, trong đó có Đồng Nai thiết lập các Trạm Khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp (Trạm IPPlatform) nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn khai thác và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp cho DN trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho DN về các vấn đề liên quan đến quản trị, khai thác thương mại đối với tài sản sở hữu trí tuệ…

Lam Phương

Tin xem nhiều