Báo Đồng Nai điện tử
En

Thông đường, đón thời cơ

04:12, 25/12/2020

Dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 cùng với đó là hàng loạt khu công nghiệp (KCN) mới sẽ được mở thêm chính là động lực phát triển của Đồng Nai trong thời gian tới.

Dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 cùng với đó là hàng loạt khu công nghiệp (KCN) mới sẽ được mở thêm chính là động lực phát triển của Đồng Nai trong thời gian tới.

Nhiều khu công nghiệp mới sẽ được mở thêm trong thời gian tới nên việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối sẽ giúp thu hút thêm nguồn vốn đầu tư Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, H.Long Thành
Nhiều khu công nghiệp mới sẽ được mở thêm trong thời gian tới nên việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối sẽ giúp thu hút thêm nguồn vốn đầu tư Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, H.Long Thành. Ảnh:Q.Nhi

Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng mạng lưới giao thông kết nối là yêu cầu cấp bách để hướng đến mục tiêu “thông đường, đón thời cơ”.

* Đón đầu “siêu sân bay” Long Thành

Theo đề xuất điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, có thể thấy phần lớn các tuyến đường được đề xuất mở mới, mở rộng và nâng cấp đều hướng đến mục tiêu kết nối với sân bay Long Thành. Phó giám đốc Sở
GT-VT Nguyễn Bôn cho biết, sân bay Long Thành chính là trung tâm để xây dựng hệ thống giao thông kết nối với các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, thông tin mới nhất từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hạng mục đầu tiên của dự án Xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến sẽ được khởi công thực hiện vào ngày 5-1-2021. 

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho biết, theo tính toán của đơn vị tư vấn, sân bay Long Thành giai đoạn 1 khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đóng góp gần 1% vào GDP cả nước. Đồng thời, “siêu sân bay” này cũng sẽ thúc đẩy các lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phát triển.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, ngay trong quá trình đầu tư xây dựng, Đồng Nai đã hưởng lợi từ dự án Sân bay Long Thành khi nguồn vốn đầu tư cho phần xây dựng cũng đã đổ dồn về địa phương. Tuy nhiên, để có thể phát huy tối đa lợi thế do sân bay Long Thành mang lại, vấn đề kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là rất quan trọng. “Không có hạ tầng thì cũng không thể phát huy được lợi thế của sân bay. Bởi vì cứ đi ra là kẹt, đi vào là kẹt thì rất khó để phát triển” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Do đó, thời gian qua, Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện các dự án giao thông đã được quy hoạch để đưa về phục vụ cho khu vực sân bay Long Thành. Đối với các dự án đường cao tốc, đường vành đai do trung ương đầu tư, địa phương đã nỗ lực để thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng.

Về phía địa phương, Đồng Nai cũng đã quy hoạch hệ thống giao thông đáp ứng liên kết với các tuyến đường cao tốc, đường vành đai do Trung ương đầu tư. Đồng thời, tỉnh quy hoạch một số trục đường lớn để kết nối với sân bay Long Thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, khi đã xây sân bay thì đồng thời phải xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối. Khi có hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phát triển thì xã hội cũng phát triển theo. Đối với Đồng Nai, ngoài sân bay Long Thành do Trung ương đầu tư xây dựng thì tỉnh cũng đang triển khai đầu tư xây dựng cảng Phước An. Do đó, để tận dụng thời cơ khi vừa có sân bay, vừa có cảng biển thì đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chính là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá để phát triển.

* Phát triển hạ tầng giao thông để đón nhận nguồn vốn đầu tư

Ngoài dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1, thời gian tới Đồng Nai cũng sẽ mở thêm các KCN mới. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Đồng Nai bổ sung vào quy hoạch (giai đoạn 2015-2020) thêm 6,5 ngàn ha đất để phát triển công nghiệp. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh cũng quy hoạch mở thêm một số KCN ở các địa phương như: Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất và Long Khánh. “Mục tiêu mở thêm các KCN mới là để đón nhận động lực phát triển từ các dự án hạ tầng mà Trung ương sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.

Do đó, việc đầu tư xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông cấp tỉnh, kết nối với các dự án hạ tầng giao thông do Trung ương đầu tư cũng hướng đến mục tiêu chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận nguồn vốn đầu tư vào các KCN mở mới.

Với mục tiêu đó, các tuyến đường được đề xuất mở mới, mở rộng và nâng cấp còn hướng đến mục đích kết nối các KCN với sân bay Long Thành, cảng Phước An.

Đơn cử như đường tỉnh 769, không chỉ là tuyến đường kết nối quốc lộ 1 với quốc lộ 51 mà còn đóng vai trò kết nối quan trọng trong hệ thống giao thông kết nối với sân bay Long Thành. Ngoài ra, trên tuyến đường này còn kết nối 2 KCN là Dầu Giây và Lộc An - Bình Sơn với sân bay Long Thành trong tương lai.

Hay như tuyến đường tỉnh 770B được đề xuất mở mới ngoài việc sẽ kết nối các huyện Định Quán, Thống Nhất đến khu vực sân bay Long Thành còn hình thành trục kết nối giữa KCN Xuân Quế - Sông Nhạn với KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải trong tương lai.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều