Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giải pháp cho những năm sau

11:12, 07/12/2020

Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Phạm Minh Thành cho hay, với dự toán hơn 2,4 ngàn tỷ đồng được giao trong năm 2020, bình quân mỗi ngày các cơ sở y tế trong tỉnh sử dụng khoảng 7 tỷ đồng sẽ không bị vượt dự toán.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Phạm Minh Thành cho hay, với dự toán hơn 2,4 ngàn tỷ đồng được giao trong năm 2020, bình quân mỗi ngày các cơ sở y tế trong tỉnh sử dụng khoảng 7 tỷ đồng sẽ không bị vượt dự toán.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm y tế tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: An Yên
Người dân thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm y tế tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: An Yên

[links()]Tuy nhiên thời gian qua, bình quân chi phí mỗi ngày các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh sử dụng từ 9-13 tỷ đồng. Nếu không sớm có giải pháp kiềm chế, có khả năng năm nay Đồng Nai sẽ vượt dự toán trên 10%”.

* Tìm mọi cách để đảm bảo hoạt động

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, để hạn chế việc vượt dự toán bảo hiểm y tế (BHYT), lãnh đạo bệnh viện thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền để các bác sĩ, nhân viên thực hiện đúng quy định của Luật BHYT, không để xảy ra tình trạng lạm dụng, tránh bị BHXH xuất toán gây khó khăn đến hoạt động của bệnh viện.

Còn Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên bộc bạch: “Bệnh viện đã tìm đủ mọi cách, từ việc bán nước đóng chai, triển khai dịch vụ gội đầu, giặt đồ cho bệnh nhân, khám bệnh tại nhà đến giao thuốc tận nhà cho bệnh nhân, triển khai khu khám bệnh theo yêu cầu… để kiếm thêm nhằm đảm bảo thu nhập cho cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể kéo dài mãi được. Căn cứ vào tình hình thực tế, bệnh viện sẽ gửi tờ trình nhờ Sở Y tế can thiệp để đến năm 2021 sẽ được giao dự toán BHYT phù hợp hơn”.

Nhằm hạn chế tình trạng một bệnh nhân đi khám bệnh quá nhiều lần trong tháng, trong năm, lãnh đạo Sở Y tế cho biết sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt hơn nữa khâu đưa dữ liệu khám, chữa bệnh lên hệ thống. Đồng thời, sẽ phối hợp với BHXH để đi kiểm tra, chấn chỉnh vấn đề này. Đơn vị nào làm sai sẽ xử lý nghiêm.

* Sẽ có phương thức giao dự toán BHYT mới

Tính đến hết tháng 10-2020, Phòng Thanh tra BHXH tỉnh đã thực hiện kiểm tra 28 cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh, trong đó kiểm tra trực tiếp 8 cơ sở, rà soát trên phần mềm giám định BHYT 20 cơ sở. Qua kiểm tra đã thu hồi về quỹ BHYT số tiền hơn 783 triệu đồng với các sai phạm: thanh toán dịch vụ kỹ thuật không đúng theo Thông tư 35/2016/TT-BYT; dịch vụ kỹ thuật thanh toán không đúng điều kiện thanh toán, thực hiện lặp lại khi chưa đủ thời gian quy định; thanh toán dịch vụ kỹ thuật không đúng quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế; chỉ định dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết; sử dụng chứng chỉ hành nghề giả tại cơ sở y tế để thực hiện khám, chữa bệnh; bác sĩ khám, chữa bệnh không đúng chuyên khoa theo quy định trong chứng chỉ hành nghề; bệnh nhân nội trú không có mặt tại cơ sở y tế - dấu hiệu đăng ký tên bệnh nhân nội trú để hưởng tiền giường.

Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh cho hay, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT; thông báo đến các cơ sở khám, chữa bệnh có chi phí tăng cao bất thường để có những chấn chỉnh, điều chỉnh phù hợp; thông báo đến các cơ sở khám, chữa bệnh có tỷ lệ sử dụng biệt dược giá cao, các cơ sở khám, chữa bệnh chậm chuyển dữ liệu lên hệ thống giám định. Hằng quý, BHXH tỉnh thực hiện báo cáo sử dụng dự toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho UBND tỉnh và cho các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường phân tích dữ liệu, nghiên cứu các chuyên đề để định hướng giám định; tập trung giám định tại các cơ sở khám, chữa bệnh có chi phí tăng cao.

BHXH tỉnh sẽ phối hợp, tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi, các đơn vị có chi phí tăng cao bất thường và thành lập tổ kiểm tra đột xuất các cơ sở này. Kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí bất hợp lý như thuốc không đúng theo Thông tư số 30 của Bộ Y tế, các thuốc, dịch vụ kỹ thuật chống chỉ định; áp giá thanh toán không đúng theo quy định, các trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh có chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện chặt chẽ công tác chuyên môn, kiểm soát khám, chữa bệnh nhằm kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh, phù hợp với nguồn kinh phí được giao.

Để giải quyết và hạn chế việc vượt dự toán BHYT của năm 2021, lãnh đạo BHXH tỉnh cho hay, năm 2018 là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao dự toán BHYT cho các địa phương. Rút kinh nghiệm của 3 năm từ 2018-2020, năm 2021, Trung ương sẽ có phương thức giao dự toán BHYT mới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Khi nào có hướng dẫn của Trung ương, BHXH tỉnh và Sở Y tế sẽ phối hợp để triển khai.       

 

“BHXH Việt Nam từ chối thanh toán 118,5 tỷ đồng vượt dự toán BHYT năm 2018 của tỉnh Đồng Nai do các cơ sở chi không đúng, không thuyết minh, giải trình được lý do vượt dự toán. Số tiền vượt dự toán năm 2019 của các cơ sở hiện đang chờ thông tri hướng dẫn nhưng dự kiến số tiền bị từ chối thanh toán khoảng 17-18 tỷ đồng. Riêng 9 tháng của năm 2020, cơ quan BHXH từ chối thanh toán BHYT của các đơn vị trong tỉnh hơn 34,8 tỷ đồng” - ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh cho hay.

An Yên

Tin xem nhiều