Báo Đồng Nai điện tử
En

Không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh

11:01, 18/01/2021

Vừa trải qua một năm đầy "sóng gió" dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá là một điều đáng mừng song nhìn nhận một cách thực tế, môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta vẫn cần phải cải thiện nhiều.

Vừa trải qua một năm đầy “sóng gió” dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá là một điều đáng mừng song nhìn nhận một cách thực tế, môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta vẫn cần phải cải thiện nhiều.

Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sản xuất quần áo xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Hoa Kỳ. Ảnh: H.Giang
Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sản xuất quần áo xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Hoa Kỳ. Ảnh: H.Giang

Đã thành thông lệ, ngay từ đầu năm, Chính phủ ban hành nghị quyết nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). Cùng với cả nước, để giữ vững vị trí là một trong những địa phương có sức thu hút lớn, Đồng Nai cũng có những nỗ lực của mình.

* “Sức nóng” cải cách ngày càng tăng

Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, Chính phủ ban hành cùng lúc 2 nghị quyết để triển khai công việc trong năm một cách sớm nhất. Nếu như Nghị quyết số 01 đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách thì Nghị quyết số 02 là để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc làm thường xuyên này trong những năm gần đây đã góp phần dỡ bỏ hàng ngàn rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh, giúp DN thuận lợi hơn trong hoạt động của mình. Từ đó, thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế đều được cải thiện.

Đối với năm 2021, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quỵết số 02/NQ-CP của các năm trước (2019 và 2020). Trong đó, tập trung cải thiện trong các lĩnh vực cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản DN, chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nghề, kỹ năng của sinh viên, đăng ký phát minh sáng chế, kiểm soát tham nhũng, mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, môi trường sinh thái bền vững…

Đồng thời, chú trọng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với quốc tế thì “sức nóng” cải cách ngày càng gia tăng.

Trong buổi họp Nghị quyết 02 vào ngày 4-1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định Chính phủ coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi trong một thế giới phát triển nhanh, nếu chúng ta đứng yên hoặc cải cách chậm hơn thì tức là thụt lùi và sẽ bị bỏ lại phía sau.

* Tạo sức hút đối với cộng đồng DN

Năm 2021 được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng. Kỳ vọng về sự hồi phục kinh tế, bứt phá mạnh mẽ và chuyển đổi mô hình phát triển sau đại dịch Covid-19 càng trở nên bức thiết hơn. Đây cũng là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Kết quả của năm nay sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo, do vậy, vấn đề cốt yếu là phải tạo sức hút để thúc đẩy sự thành lập, tham gia vào thị trường của cộng đồng DN cũng như nâng cao sức cạnh tranh, nội lực của nền kinh tế.

Trong nhiệm vụ nâng cao hiệu quả, chất lượng của cộng đồng DN, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 Việt Nam có khoảng 1,3-1,5 triệu DN hoạt động. Phấn đấu có khoảng 15-20 DN khu vực tư nhân có vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD. Tốc độ gia tăng số DN trung bình 12-14%/năm giai đoạn 2021-2025. Số DN quy mô vừa và lớn trong nền kinh tế đạt khoảng 60-70 ngàn DN. Đối với Đồng Nai, hiện đã có khoảng 40 ngàn DN được thành lập, là một trong những địa phương có số lượng DN lớn nên việc quan tâm, hỗ trợ là rất quan trọng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, phương châm xuyên suốt của Đồng Nai những năm qua là chính quyền đồng hành cùng DN, sẵn sàng lắng nghe, trao đổi thẳng thắn để cơ quan nhà nước và DN tìm phương án tốt nhất tháo gỡ khó khăn. Một giải pháp mà lâu nay Đồng Nai thực hiện rất tốt là tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành với cộng đồng DN cả trong nước lẫn ngoài nước, từ đó tạo thêm sự tin tưởng của DN vào chính quyền.

“Có một điều rất đáng ghi nhận là thời gian gần đây khi tiếp xúc với DN, chúng tôi ít gặp phải những ý kiến về thái độ không tốt của người thực thi công vụ. Các vấn đề như: kiểm tra thuế, môi trường, hải quan, phòng cháy chữa cháy… cũng được DN đánh giá tốt hơn nhiều so với trước đây” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều