Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo nhiều đột phá cho nông nghiệp trong giai đoạn mới

04:01, 20/01/2021

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM)...

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn đạt nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). Cụ thể, vượt qua nhiều khó khăn về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, biến động về thị trường, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh năm 2020 vẫn đạt trên 43,7 ngàn tỷ đồng, tăng gần 3,7% so với năm 2019, vượt mục tiêu kế hoạch được giao và cao hơn hẳn so với mức bình quân chung của cả nước là 3%/năm.

Đặc sản trái cây Đồng Nai được quảng bá tại Khu trưng bày nông sản của Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: B.nguyên
Đặc sản trái cây Đồng Nai được quảng bá tại Khu trưng bày nông sản của Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: B.nguyên

Bước vào nhiệm kỳ mới 2021-2025, Đồng Nai đặt ra nhiều mục tiêu đột phá trong phát triển nông nghiệp giai đoạn mới gồm nhiều nội dung như: tạo sự đột phá trong trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

* Vẫn giữ mức tăng trưởng cao

Đánh giá kết quả nhiệm kỳ 2015-2020, ngành Nông nghiệp đã được cơ cấu lại, từng bước vươn lên phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Đồng Nai là một trong hai địa phương của cả nước được công nhận hoàn thành trước Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2019. Hiện toàn tỉnh có 43 xã đạt NTM nâng cao, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra. Ấn tượng nhất là đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,19%.

Năm 2020, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, đặc biệt là thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu đều gặp khó; thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất... Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động ứng phó và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 vẫn vượt mục tiêu kế hoạch được giao và cao hơn hẳn so với mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hiệu quả, tăng diện tích cây ăn trái, giảm diện tích cây công nghiệp lâu năm. Tuy vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi nhưng ngành Chăn nuôi đang trên đà hồi phục tốt. Dự ước, giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2020 đạt 22,6 ngàn tỷ đồng, tăng 5,34% so với năm 2019, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đã khôi phục đạt gần 2,2 triệu con, tăng hơn 3,8% so với. Công tác tái đàn heo đã có nhiều chuyển biến tích cực, có 545 cơ sở tái đàn với trên 243 ngàn con heo.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với Sở TN-MT trường thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển đổi đất lúa; gỡ khó cho các địa phương trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, góp phần thực hiện được tiêu chí rất quan trọng của NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là nông dân có thu nhập cao.

Ấn tượng nhất là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản không ngừng được nâng cao về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nhiều dự án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ được hình thành. Trong năm, toàn tỉnh thành lập mới được 28 HTX nông nghiệp. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 177 HTX nông nghiệp, hiệu quả hoạt động có nhiều chuyển biến, tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt đạt gần 78%, nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Hoạt động giám sát chất lượng và lấy mẫu sản phẩm đã thực hiện lấy 704 mẫu sản phẩm, qua phân tích 100% mẫu đạt yêu cầu đối với các chỉ tiêu quy định.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Đồng Nai nhận xét, qua nhiều chương trình tập huấn, tuyên truyền, điều đạt được lớn nhất là đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, HTX về ý nghĩa của việc xây dựng chuỗi liên kết. Đến nay, toàn tỉnh có 18 dự án cánh đồng lớn. Nhiều dự án đạt hiệu quả tốt như: dự án cánh đồng lớn ca cao tại H.Định Quán; dự án cánh đồng lớn hồ tiêu ở
H.Cẩm Mỹ...

Toàn tỉnh cũng có 132 chuỗi liên kết với 58 doanh nghiệp tham gia. Trong đó, chuỗi thịt heo, thịt gà trên địa bàn Đồng Nai cơ bản đều đạt chuẩn. Sản phẩm thịt cung cấp vào các chợ, siêu thị được kiểm soát tốt cả đầu vào và đầu ra; đặc biệt các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực chăn nuôi đã xây dựng được chuỗi khép kín. “Định hướng trong giai đoạn tới cần quan tâm đến việc triển khai các chương trình hỗ trợ thiết thực hơn cho chuỗi sản xuất. Trong thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cần quan tâm đến việc nâng cấp, khơi dậy được khả năng của những vùng nông thôn bằng cách khai thác những đặc sản, sử dụng nguyên liệu, nhân lực của địa phương để tạo ra sản phẩm OCOP chất lượng, mang tính độc đáo, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

* Tiếp tục dẫn đầu về NTM

Trong năm 2020, toàn tỉnh có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Riêng 4 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2020 đến nay đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu NTM kiểu mẫu; đã được các sở, ngành của tỉnh khảo sát thực tế, đang hoàn thiện hồ sơ chờ xét công nhận. Kết quả thực hiện Đề án xây dựng H.Xuân Lộc đạt NTM kiểu mẫu theo hướng Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025 hiện cũng đã hoàn thành 19/29 chỉ tiêu của 6 nhóm tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu.

Đóng gói xuất khẩu chuối ở H.Cẩm Mỹ
Đóng gói xuất khẩu chuối ở H.Cẩm Mỹ

Trong đó, đặc trưng của các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là luôn đặt tiêu chí không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân lên hàng đầu. Điều này được thể hiện rõ ở tiêu chí về thu nhập và phát triển sản xuất của các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tăng đều qua mỗi năm. Cụ thể, mục tiêu về thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020 đạt 66 triệu đồng/người, cao hơn 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2019 và tăng 5 triệu đồng/người so với năm 2018. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản tăng đều qua các năm từ mức 150 triệu đồng/ha vào năm 2018, tăng lên 160 triệu đồng vào năm 2019 và tăng lên 170 triệu đồng vào năm 2020.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh Lê Văn Gọi, mục tiêu của Đồng Nai đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có ít nhất 5 huyện hoàn thành NTM nâng cao; 25% số xã hoàn thành NTM kiểu mẫu và H.Xuân Lộc hoàn thành huyện NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ khá nặng nề. Việc quan trọng là phải củng cố, kiện toàn lại ban chỉ đạo NTM các cấp, Ban chỉ đạo văn phòng điều phối cấp tỉnh phải tổ chức họp để bàn những vấn đề lớn mang tính chất định hướng cho giai đoạn 2021-2025.  

* Đặt mục tiêu cao

Mục tiêu ngành Nông nghiệp đặt ra vào năm 2021 là tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt từ 3-3,5%/năm. Về xây dựng NTM có thêm ít nhất 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2-3 xã NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn quốc gia đạt 81,5%. Toàn tỉnh có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Sản phẩm OCOP của Đồng Nai
Sản phẩm OCOP của Đồng Nai

Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng định hướng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn chất lượng; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến sâu.

Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ nhấn mạnh, mục tiêu đột phá trong phát triển nông nghiệp giai đoạn mới gồm nhiều nội dung như: tạo sự đột phá trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ; áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng các chuỗi giá trị chế biến nâng cao giá trị cho nông sản… nhằm xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Theo đó, các địa phương cần xác định đâu là điểm đột phá, đổi mới, nguồn lực, lợi thế mà Đồng Nai đang có trong phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn tới và ngay trong năm đầu tiên phải định hình được những điểm đột phá làm cơ sở cho công tác điều hành. Sở NN-PTNT sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành và các địa phương trong việc đề ra giải pháp thực hiện gắn với những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong phát triển ngành Nông nghiệp giai đoạn mới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, dân số của Đồng Nai hiện đạt 3,2 triệu dân, diện tích đất nông nghiệp đạt gần 300 ngàn ha. Với lợi thế có diện tích đất sản xuất nông nghiệp và gần với những thị trường tiêu thụ nội địa, xuất khẩu lớn, Đồng Nai còn rất giàu tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm của ngành Nông nghiệp trong nhiệm kỳ mới 2020-2025 đã có và khá nặng nề. Sở NN-PTNT cần làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp; nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch, chỉ thị, đề án, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều