Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị tình huống ''bình thường mới'' cho nông sản

08:02, 03/02/2021

Năm 2020 và những ngày đầu của năm 2021 tiếp tục là những ngày đặc biệt khi dịch Covid-19 tái xuất hiện và lan nhanh trong cộng đồng. Cả một năm đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đi theo chu kỳ khởi phát - tạm lui - tái phát trong cộng đồng đem lại rất nhiều thách thức cho nền kinh tế.

Năm 2020 và những ngày đầu của năm 2021 tiếp tục là những ngày đặc biệt khi dịch Covid-19 tái xuất hiện và lan nhanh trong cộng đồng. Cả một năm đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đi theo chu kỳ khởi phát - tạm lui - tái phát trong cộng đồng đem lại rất nhiều thách thức cho nền kinh tế. Nhìn chung, rất ít lĩnh vực tìm thấy cơ hội phát triển, trái lại lĩnh vực nào hầu như cũng đều gặp khó khăn, trong đó có sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Những ngày cuối cùng của năm âm lịch, khi nông dân đang tất bật thu hoạch nông sản các loại để phục vụ cho mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm thì dịch Covid-19 lại xuất hiện và nhanh chóng lan ra nhiều tỉnh, thành. Doanh nghiệp và nông dân như “ngồi trên lửa”. Tại một số địa phương xuất hiện nhiều ca bệnh và buộc phải hạn chế giao tiếp xã hội, Chính phủ đã phải tính toán đến các phương án “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân nếu cần bởi không thể để nông sản ùn ứ, nông dân thua lỗ trong bối cảnh khó khăn như hiện tại.

Với Đồng Nai, hiện tại chưa có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, song “sát sườn” với tỉnh là tỉnh Bình Dương đã xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng. Lãnh đạo tỉnh, các địa phương, ban, ngành cũng đang ráo riết “căng mình” phòng dịch. Trong bối cảnh đó, nỗi lo nông sản “ế hàng” đang đè nặng lên tâm lý nông dân, doanh nghiệp khi bao nhiêu vốn liếng đầu tư đã đổ ra để mong tiêu thụ tốt trong mùa Tết. Nỗi lo này đang dần hiện hữu khi nhiều mặt hàng nông sản bán Tết thừa cung, giá giảm, tiêu thụ khó khăn. Ngay cả mặt hàng sốt giá suốt một thời gian dài và được dự đoán sẽ đem lại lợi nhuận cao cho nông dân, doanh nghiệp như thịt heo cũng vừa đảo chiều, giảm giá ngay trong mùa tiêu thụ lớn nhất năm. Nguyên nhân là do nguồn cung dồi dào, “đường” xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn vì ảnh hưởng từ dịch bệnh. Nhiều mặt hàng khác cũng đang ngóng chờ sức mua tăng ở thị trường nội địa trong những ngày cận tết, song sức mua có tăng hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào việc cả nước có đẩy lùi được dịch bệnh sớm hay không.

Đối phó với nhứng thách thức này, hiện tại các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh bán hàng qua nhiều kênh phân phối, khuyến khích người dân trong nước ủng hộ nông sản nội địa, tìm đường xuất khẩu nông sản bền vững… tiếp tục được triển khai. Về ngắn hạn, điều này giúp nông dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh đem lại, tạo một môi trường “bình thường mới” cho tiêu thụ hàng hóa nông sản nói riêng và sản xuất, kinh doanh nói chung. Trong dài hạn, còn cần bổ sung nhiều giải pháp căn cơ để xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp thực sự, tránh tình trạng lúc thì thiếu cung, lúc lại thừa cung do nông dân chạy theo phong trào mà “quên đi” các tín hiệu thực sự từ phía thị trường. Chưa thể biết khi nào dịch bệnh thực sự “thoái lui”, do đó, việc chuẩn bị cả tâm thế lẫn giải pháp cụ thể cho việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản trong bối cảnh “bình thường mới” là điều vô cùng cần thiết.            

Vi Lâm

Tin xem nhiều