Báo Đồng Nai điện tử
En

Bức thiết nhu cầu nước sạch nông thôn

04:03, 15/03/2021

Vấn đề nước sạch ở các đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai cơ bản ổn định, nhưng tại các vùng nông thôn lại đang bức thiết. Nguyên nhân là do các công trình cũ đã xuống cấp, thiếu nước hoạt động vào mùa khô.

Vấn đề nước sạch ở các đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai cơ bản ổn định, nhưng tại các vùng nông thôn lại đang bức thiết. Nguyên nhân là do các công trình cũ đã xuống cấp, thiếu nước hoạt động vào mùa khô. Việc triển khai đầu tư các công trình mới trong gặp nhiều khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn, nguồn nước.

Công trình Nhà máy Nước Nhơn Trạch của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai. Ảnh: Lê An
Công trình Nhà máy Nước Nhơn Trạch của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai. Ảnh: Lê An

Hiện toàn tỉnh có hơn 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch nhưng tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, công trình cấp nước sạch đô thị, thiết bị lọc nước chỉ hơn 30%.

* Nhiều công trình gặp khó

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, nước sạch nông thôn là nhu cầu bức thiết từ nhiều năm nay nhưng hiện trạng còn nhiều bất cập. Theo đó, toàn tỉnh có 82 công trình cấp nước sạch nông thôn đang hoạt động với tổng công suất thiết kế  55,2 ngàn m3/ngày đêm, nhưng công suất cấp nước thực tế chỉ đạt 51%, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 205 ngàn người.

 Giai đoạn 2021-2025, Sở NN-PTNT kêu gọi vốn xã hội hóa thực hiện 33 công trình, dự án nước sạch nông thôn. Trong đó, có 10 công trình đầu tư xây mới và 23 công trình đấu nối, mở rộng phạm vi cấp nước từ công trình hiện hữu. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,9 ngàn tỷ đồng.

Nguyên nhân là do nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn đã xuống cấp. Một số công trình không đủ nước hoạt động vào mùa khô. Ngay sau khi Quyết định số 42/2015/QĐ-UBND ngày 31-11-2015 của UBND tỉnh về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước nông thôn (Quyết định 42) được ban hành, đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị tham gia đầu tư hệ thống cấp nước nhưng gặp khó khăn do “vướng” quy hoạch sử dụng đất, quy định khai thác nước ngầm, thói quen sử dụng nước giếng của người dân. Do đó đến nay, mới có 6/15 dự án đăng ký đầu tư hoàn thành, 1 dự án đang triển khai, 8 dự án còn lại đang nằm trên giấy.

Ông Đào Quý Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Sơn Tính (TP.Long Khánh) cho biết, từ năm 2016 đến nay, doanh nghiệp đăng ký thực hiện 4 công trình nước sạch theo hình thức xã hội hóa nhưng đến nay đều chưa hoàn thành. Theo ông Tính, thiếu quỹ đất để xây dựng nhà máy, thiếu nguồn nước, chậm trễ trong giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư là những nguyên nhân khiến các công trình này chưa thể hoàn thành.

Cụ thể, công trình cấp nước P.Xuân Lập, TP.Long Khánh được phê duyệt lấy nguồn nước thô từ hồ Suối Tre, nhưng đến nay, hồ chưa hoàn thành xây dựng, chưa tích nước. Công trình cấp nước xã Bàu Sen (TP.Long Khánh) không đủ quỹ đất để triển khai, doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Tương tự, công trình cấp nước P.Suối Tre (TP.Long Khánh) được UBND tỉnh phê duyệt diện tích 0,38ha nhưng đến nay diện tích này chưa được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Dự án Nhà máy Nước Cẩm Mỹ mới được phê duyệt, công ty đang kiến nghị được sử dụng phần đất khoảng 3 ngàn m2 tại khu vực hồ Cầu Dầu xây dựng nhà máy.

Nhân viên Công ty CP Cấp nước Đồng Nai kiểm tra áp lực bơm mạng ra
Nhân viên Công ty CP Cấp nước Đồng Nai kiểm tra áp lực bơm mạng ra. Ảnh: Lê An

Ông Vương Đình Minh, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư và thương mại 407 phụ trách địa bàn Đồng Nai cho biết, năm 2018 công ty đầu tư Nhà máy Cấp nước sạch Thanh Sơn (H.Tân Phú) bằng nguồn vốn xã hội hóa 100%. Thuận lợi của dự án là nằm trong chương trình đưa nước sạch về nông thôn UBND H.Tân Phú, nguồn nước hồ Đa Tôn dồi dào, người dân có nhu cầu thực sự về nước sạch. Dự án đi vào hoạt động giai đoạn 1 cuối năm 2020 và nhận được phản hồi tích cực của người dân. Hiện doanh nghiệp đề xuất nâng công suất từ 10 ngàn m3/ngày đêm lên 20 ngàn m3/ ngày đêm, nhưng một phần diện tích mở rộng bị vướng quy hoạch du lịch hồ Đa Tôn; chính sách ưu đãi của tỉnh theo Quyết định 42 hết hiệu lực.

* Kêu gọi đầu tư 33 dự án nước

Đến cuối năm 2020, Đồng Nai có hơn 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế, tuy nhiên, chỉ có hơn 10% dân số được sử dụng nước cấp từ hệ thông cấp nước tập trung, gần 13% đấu nối từ hệ thống cấp nước đô thị, khoảng 15% sử dụng thiết bị lọc nước hộ gia đình. Còn hơn 42% sử dụng nước hợp vệ sinh nhưng không được kiểm định chất lượng.

Người dân xã Sông Trầu, H.Trảng Bom mua nước sinh hoạt của Trung tâm Dịch vụ công ích huyện vì hệ thống cấp nước sạch tập trung hết nước
Người dân xã Sông Trầu, H.Trảng Bom mua nước sinh hoạt của Trung tâm Dịch vụ công ích huyện vì hệ thống cấp nước sạch tập trung hết nước. Ảnh: Lê An

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, Sở NN-PTNT kêu gọi đầu tư 33 công trình, dự án nước sạch nông thôn. Trong đó, có 10 công trình đầu tư mới và 23 công trình đấu nối, mở rộng phạm vi cấp nước từ công trình hiện hữu. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,9 ngàn tỷ đồng, trong đó đề xuất ngân sách hỗ trợ gần 800 tỷ đồng, còn lại vốn kêu gọi xã hội hóa.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh cho rằng, để khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, ngoài các chính sách ưu đãi như giai đoạn 2016-2020, tỉnh cần sớm ban hành quy định về mức hỗ trợ từng loại hạng mục, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; có quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt thay thế cho Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế; các địa phương có dự án, công trình cấp nước sạch rà soát quỹ đất, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình.

Bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đồng Nai cho rằng, đồng hành với tỉnh trong chương trình nước sạch nông thôn, thời gian qua công ty đã thực hiện mở rộng mạng lưới cấp nước sạch từ đô thị về nông thôn trên địa bàn H.Xuân Lộc. Dự án này được chính quyền, nhân dân ủng hộ, H.Xuân Lộc cơ bản được phủ nước sạch nông thôn (chỉ trừ một số xã vùng cao). Tuy nhiên, cũng dự án tương tự trên địa bàn H.Long Thành không hiệu quả. Công ty bỏ tiền kéo đường ống nước từ TT.Long Thành, qua xã Bình Sơn đến sát H.Cẩm Mỹ, lắp đồng hồ nước cho các hộ gia đình nhưng người dân không sử dụng.

“Doanh nghiệp rất muốn mở rộng phạm vi cấp nước về nông thôn, tuy nhiên vốn đầu tư nặng và người dân chưa có thói quen trả tiền nước sinh hoạt là những hạn chế. Mặc dù vậy, trong 5 năm tới, chúng tôi vẫn có kế hoạch đầu tư gần 700 tỷ đồng mở rộng mạng lưới cấp nước ở các huyện, nâng công suất lên khoảng 100 ngàn m3/ngày đêm so với hiện tại” - bà Hồng chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, để thực hiện chỉ tiêu 85% dân số sử dụng nước sạch theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, kiểm soát được chất lượng nước sạch nông thôn, Sở NN-PTNT cần rà lại các dự án nước sạch giai đoạn 2016-2020, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng tháo gỡ cho nhà đầu tư. Ông Võ Văn Phi yêu cầu Sở NN-PTNT hệ thống lại các công trình nước sạch nông thôn Sở đang quản lý, công trình nào hoạt động không hiệu quả, nguồn nước giếng khoan không đủ hoạt động ổn định đề xuất ngưng để giảm chi phí vận hành, thay vào đó phát triển dự án có nguồn nước thô đảm bảo, kiểm soát chất lượng nước đầu ra. Đề xuất cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư công trình nước sạch nông thôn trong giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, trong giai đoạn 2016-2020, các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thực hiện 15 dự án cấp nước sạch nông thôn với tổng vốn đầu tư hơn 2,1 ngàn tỷ đồng (vốn xã hội hóa khoảng 1,9 ngàn tỷ đồng). Đến nay có 6 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, 1 công trình đang triển khai, 8 công trình chưa triển khai. Hiện toàn tỉnh có 82 công trình cấp nước sạch nông thôn đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 55,2 ngàn m3/ngày đêm, nhưng công suất cấp nước thực tế chỉ 51%, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 205 ngàn người.

  Lê An

Tin xem nhiều