Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có đề án tổng thể về nước sạch giai đoạn 2021-2025

04:03, 15/03/2021

Liên quan đến vấn đề nước sạch, hiện có nhiều đơn vị cùng quản lý, trong đó có Sở Tài nguyên - môi trường; Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn; Sở Xây dựng...

Liên quan đến vấn đề nước sạch hiện có nhiều đơn vị cùng quản lý. Trong đó, Sở TN-MT quản lý tài nguyên nước, cấp phép khai thác, giám sát xả thải; Sở NN-PTNT kêu gọi đầu tư, quản lý, khai thác các công trình nước sạch nông thôn; Sở Xây dựng quản lý cấp nước đô thị, các khu và công nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo tham quan Nhà máy Nước sạch Thanh Sơn (H.Tân Phú)
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo tham quan Nhà máy Nước sạch Thanh Sơn (H.Tân Phú). Ảnh: H.LỘC

Do đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu lập đề án tổng thể về nước sạch cho giai đoạn 2021-2025, giảm bớt thủ tục, đầu mối và có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư nước.

* Nhu cầu nước sạch sẽ tăng mạnh

Vấn đề nước sạch nông thôn đang và tiếp tục là vấn đề bức thiết. Bởi lẽ, các công trình hiện hữu đa phần xuống cấp, hơn 50% công trình đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 còn nằm trên giấy, việc kêu gọi xã hội hóa nước sạch nông thôn trong giai đoạn 2021-2025 còn khó khăn. Bên cạnh đó, nhu cầu nước sạch cho các đô thị mới, khu và cụm công nghiệp mới, vùng sân bay Long Thành và phụ cận cũng tăng. 

Ông Lê Nguyễn Công Nguyên, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, Sở Xây dựng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 đơn vị đang cung cấp nước sạch cho các đô thị, vùng ven đô, khu và cụm công nghiệp với công suất thiết kế của các nhà máy khoảng 658 ngàn m3/ngày đêm, công suất khai thác thực tế đạt hơn 90%. Trong đó, lớn nhất là Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đang vận hành hệ thống cấp nước sạch công suất 418,8 ngàn m3/ngày đêm.

Hiện các đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đủ nước sạch. Riêng xã Long Giao (H.Cẩm Mỹ) vừa có đô thị, vừa có quy hoạch công nghiệp nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư nước sạch. Theo ông Nguyên, tới đây, nhu cầu nước sạch đô thị và khu công nghiệp sẽ tăng mạnh bởi sân bay Long Thành, khu vực tái định cư và phụ cận đang triển khai xây dựng hạ tầng; hàng loạt các khu, cụm công nghiệp xây mới, mở rộng. Kéo theo đó là các đô thị mới, vùng phụ cận đô thị. Do đó, các nhà đầu tư phải lên kế hoạch đầu tư công trình nước sạch theo kiểu “đón đầu”.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, Đồng Nai mới được phê duyệt thêm hơn 6 ngàn ha đất công nghiệp, dự kiến từ nay đến năm 2025 tỉnh cũng quy hoạch thêm khoảng 3-4 ngàn ha đất công nghiệp nữa nên nhu cầu nước sạch cho sản xuất công nghiệp là rất lớn. Các dự án nước sạch nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư.

Theo ông Hà, các công trình nước sạch phải song hành cùng hạ tầng giao thông, hạ tầng điện. “Nước sạch không thể thiếu, cũng không thể chậm. Trong điều kiện nước ngầm ngày càng suy kiện, nước hồ phụ thuộc nhiều vào thời tiết thì nguồn nước sông Đồng Nai là phù hợp nhất. Nguồn nước dồi dào, chất lượng nước sông ngày càng tốt” - ông Hà chia sẻ.

* Có đề án tổng thể về nước sạch

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, cần phải có đề án tổng thể về nước sạch cho giai đoạn 2021-2025. Đề án này phải hệ thống được nhu cầu nước sạch của các địa phương, khu vực, đặc biệt là các khu vực mới được phê duyệt đất công nghiệp, khu vực sân bay Long Thành. Về nguồn nước, hạn chế tối đa khai thác nước ngầm, khai thác nước ở hồ điều tiết nước sản xuất nông nghiệp, tận dụng nguồn sông Đồng Nai. Cùng với đó, phải đưa các công trình cấp nước, hệ thống đường ống chính vào quy hoạch sử dụng đất tạo điều kiện quá trình triển khai các dự án.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chỉ đạo Sở NN-PTNT và các sở, ban, ngành nhanh chóng thống nhất đề án nước sạch giai đoạn 2021-2025 của tỉnh trong tháng 4 này. Ngay sau khi tỉnh phê duyệt đề án, có kế hoạch triển khai đến các địa phương, nhà đầu tư. Bên cạnh nước sạch, ngành Nông nghiệp cũng tính toán kêu gọi xã hội hóa đầu tư các công trình khai thác nước sông phục vụ sản xuất nông nghiệp để bảo vệ tài nguyên nước ngầm.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Bình Dương, đơn vị đang đề xuất chủ trương đầu tư xa lộ nước Long Thành công suất 600 ngàn m3/ngày đêm (cao hơn công suất thiết kế của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai) cho rằng, việc ban hành đề án tổng thể về nước sạch giai đoạn 2021-2025 là cần thiết, giúp cho nhà đầu tư nắm được nhu cầu, chủ trương và chính sách liên quan đến nước sạch của tỉnh từ đó có kế hoạch đầu tư công trình, dự án phù hợp. Theo ông Thiền, các dự án nước sạch có vốn đầu tư lớn, tuổi thọ kéo dài, thời gian thu hồi vốn chậm nên các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ nguồn nước, vị trí xây dựng nhà máy, quy mô công suất, công nghệ xử lý…

Chia sẻ thêm về dự án Xa lộ nước Long Thành, ông Nguyễn Văn Thiền cho rằng, một phần khu vực TP.Biên Hòa, khu vực sân bay Long Thành và phụ cận, 3 khu công nghiệp mới được Thủ tướng phê duyệt trong năm 2020, đô thị mới Nhơn Trạch là những vùng cần rất nhiều nước sạch trong tương lai. Các đơn vị đang phát triển hạ tầng nước ở phía Nam của tỉnh trong 5 năm tới cũng chỉ nâng công suất tối đa lên hơn 100 ngàn m3/ngày đêm. “Chúng tôi không đầu tư độc lập mà phối hợp với Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đầu tư trạm bơm, nhà máy xử lý, hệ thống đường ống đảm bảo cung ứng đủ nước sạch cho các huyện, thị, khu công nghiệp phía Nam của tỉnh và sân bay Long Thành. Chúng tôi có đủ kinh nghiệm, vốn, công nghệ để thực hiện dự án này” - ông Thiền cho hay.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích