Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch phát triển cửa ngõ phía Bắc

02:03, 04/03/2021

Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, các huyện Định Quán, Tân Phú đã đưa vào quy hoạch những khu vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái.

Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, các huyện Định Quán, Tân Phú đã đưa vào quy hoạch những khu vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái. Đây là khu vực đất đai rộng, còn nhiều tiềm năng đang đợi khai thác.

Đồ họa thể hiện tổng diện tích, tỷ lệ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp của các huyện Tân Phú và Định Quán theo kết quả thống kê của UBND tỉnh về kế hoạch sử dụng đất đầu năm 2020. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tổng diện tích, tỷ lệ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp của các huyện Tân Phú và Định Quán theo kết quả thống kê của UBND tỉnh về kế hoạch sử dụng đất đầu năm 2020. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

[links()]Trong giai đoạn 5-10 năm tới, các huyện Định Quán, Tân Phú đều xác định sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, liên kết tạo thành chuỗi chế biến sâu để nâng giá trị cho nông sản, tăng doanh thu trên một ha đất nông nghiệp. Tiếp đến là phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ thương mại đi kèm. Công nghiệp cũng được chú trọng nhưng chỉ chọn những dự án thân thiện với môi trường.

* Đột phá bằng hạ tầng kỹ thuật

Vấn đề được hai huyện ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh quan tâm nhiều là vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là xây dựng hạ tầng giao thông, mở rộng, nâng cấp làm mới nhiều tuyến đường để giúp người dân vận chuyển nông sản, vật tư phục vụ cho sản xuất được thuận lợi. Tiếp đến, có giao thông kết nối hoàn chỉnh, các huyện sẽ dễ dàng hơn trong thu hút các doanh nghiệp (DN) liên kết với trang trại, CLB, tổ hợp tác, HTX hình thành chuỗi khép kín trong sản xuất nông nghiệp và chế biến, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Các DN cũng mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

“Trong giai đoạn 5 năm tới, huyện tập trung phát triển nông nghiệp, khai thác du lịch sinh thái rừng để tăng nguồn thu cho ngân sách và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Dự tính đến năm 2025, giá trị trồng trọt của H.Tân Phú sẽ đạt 220 triệu đồng/ha/năm, tăng 40 triệu đồng/ha/năm so với năm 2020. Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/năm. Có 17/17 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 1-3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu” - ông Nguyễn Hữu Ký, Chủ tịch UBND H.Tân Phú chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Tú, Chủ tịch UBND H.Định Quán cho biết: “Huyện cần nguồn vốn ngân sách rất lớn để đầu tư các tuyến đường, công trình thủy lợi tạo đột phá cho phát triển kinh tế giai đoạn tới. Các công trình huyện đề xuất nếu sớm hoàn thành hồ sơ và khởi công xây dựng, đưa vào khai thác sẽ giúp địa phương có bước phát triển vượt bậc trong những năm tới”. Cũng theo ông Tú, người dân trong huyện mong muốn có thêm các dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng như: đường, công trình cấp nước sinh hoạt, trạm bơm tưới nước, hồ chứa nước cho hàng ngàn ha cây trồng ở nhiều xã trong huyện...

Trong giai đoạn tới, trên địa bàn H.Định Quán sẽ triển khai một số tuyến đường giao thông quan trọng cấp quốc gia, cấp tỉnh là đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, tuyến đường tỉnh 770B và 78 tuyến đường kết nối trong huyện, các xã và thị trấn. Đường tỉnh 770B mang tính chiến lược, hình thành trục giao thông quan trọng kết nối các địa bàn H.Định Quán, H.Thống Nhất, TP.Long Khánh, H.Cẩm Mỹ với khu vực phía Đông của cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cảng Cái Mép - Thị Vải, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của H.Định Quán và của tỉnh.

H.Tân Phú cũng chọn giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế từ xây dựng kết cấu hạ tầng. Giai đoạn 2016-2020, huyện đầu tư gần 39km đường huyện ngoài đô thị, nâng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa từ 62% lên 100%. Nhiều tuyến đường thôn, xóm, nội đồng được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản. Giao thông thuận lợi, giá bán các loại nông sản cũng tăng cao.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (giữa) cùng đoàn giám sát tại Khu du lịch Thác Mai. Ảnh: H.GIANG
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (giữa) cùng đoàn giám sát tại Khu du lịch Thác Mai. Ảnh: H.GIANG

Ông Nguyễn Hữu Ký, Chủ tịch UBND H.Tân Phú cho biết: “Ngoài xây dựng hạ tầng giao thông, H.Tân Phú rất chú trọng đầu tư đường điện trung thế, hạ thế cho những khu vực sản xuất tập trung. Đến nay, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99,9%. Bên cạnh đó, nhiều công trình thủy lợi cũng được đầu tư xây dựng góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân như: Trạm bơm ấp 8 xã Đắc Lua, trạm bơm Giang Điền xã Phú Thanh, trạm bơm bến thuyền xã Phú Bình...”.

* Tập trung cho nông nghiệp, du lịch sinh thái

Dự tính, trong giai đoạn 5 năm tới (2021-2025) khu vực cửa ngõ phía Bắc của tỉnh sẽ tập trung cho phát triển nông nghiệp an toàn, tạo thành vùng chuyên canh, kết nối với các DN tạo thành chuỗi cung ứng khép kín, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Trong 5-10 năm tới, tuy H.Định Quán, H.Tân Phú sẽ mở rộng thêm đất công nghiệp, nhưng diện tích đất không nhiều. Cụ thể, H.Tân Phú mở rộng Khu công nghiệp Tân Phú thêm hơn 130ha, H.Định Quán mở rộng diện tích Khu công nghiệp Định Quán và quy hoạch mới một số cụm công nghiệp để di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp vào. Diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp của hai địa phương trên trong những năm tới cũng chỉ hơn 800ha, rất nhỏ so với diện tích đất nông nghiệp.

Kết quả thống kê của UBND tỉnh về kế hoạch sử dụng đất vào đầu năm 2020, H.Định Quán có tổng diện tích 97.288ha, đất nông nghiệp chiếm 77,48% trong tổng diện tích đất, đất phi nông nghiệp khoảng 22,52%. Tại H.Tân Phú diện tích đất tự nhiên 77.492ha, đất nông nghiệp chiếm hơn 93%, còn lại là đất phi nông nghiệp gần 7%. Đất nông nghiệp của khu vực H.Tân Phú, H.Định Quán chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng, nuôi trồng thủy sản.

Tại H.Định Quán, đến năm 2020, doanh thu từ trồng trọt, chăn nuôi gần 172 triệu đồng/ha, dự tính đến năm 2025 đạt 203 triệu đồng/ha và trở thành huyện nông thôn mới nâng cao.

Khu vực cửa ngõ phía Bắc của tỉnh dự tính sẽ ưu tiên cho phát triển nông nghiệp sạch nên trong thời gian tới sẽ tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật, thông qua các chương trình thực hành nông nghiệp tốt, áp dụng rộng rãi hệ thống tưới nước tiết kiệm, xây dựng các dự án, mô hình phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng. Trong chăn nuôi giảm dần nhỏ lẻ, chuyển qua nuôi tập trung ứng dụng mô hình khép kín đảm bảo an toàn dịch bệnh. Vì thế, doanh thu, lợi nhuận trên từng diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng dần qua từng năm. Sản xuất nông nghiệp ở khu vực này cũng hình thành các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện tại hai huyện cũng đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh. Các công trình thủy lợi được đầu tư và sử dụng hiệu quả, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm (H.Tân Phú) cho hay: “Xã hình thành được vùng chuyên canh rau an toàn gắn kết với hệ thống siêu thị, đầu ra ổn định, thu nhập của người dân tăng cao. Những hộ trồng rau an toàn trên địa bàn xã kết nối với các DN tiêu thụ sản phẩm sẽ cho thu lợi nhuận 450-500 triệu đồng/ha/năm”. Trên địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán có một số HTX, CLB, tổ hợp tác cây ăn trái, ca cao gắn kết với DN, tạo thành chuỗi, thu nhập nông dân trong chuỗi cao hơn các hộ không tham gia từ 20-30%.

Hiện nay, H.Tân Phú còn 46,6 ngàn ha đất rừng và H.Định Quán khoảng 35,3 ngàn ha đất rừng. Khu vực này có nhiều rừng tự nhiên đi kèm với sông, hồ, suối, thác rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Vùng cửa ngõ phía Bắc đã đưa vào quy hoạch phát triển du lịch sinh thái nhiều khu vực như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Suối Mơ, thác Hòa Bình, hồ Đa Tôn (H.Tân Phú); thác Mai, thác Trời, thác Ba Giọt, danh thắng Đá Chồng, Bàu nước nóng, quần thể Hang Dơi, một số đảo trên hồ Trị An... kết hợp với các khu rừng tự nhiên. Cả hai huyện đã quy hoạch đất đai cho phát triển thương mại dịch vụ để khi các khu du lịch có nhà đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác có những dịch vụ đi kèm đáp ứng nhu cầu của du khách. Cửa ngõ phía Bắc phát triển được du lịch sinh thái, kéo theo ngành thương mại dịch vụ phát triển, như vậy nguồn thu cho ngân sách sẽ tăng cao và đời sống, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều