Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung cho các ngành chủ lực

04:04, 14/04/2021

Với khả năng phục hồi của doanh nghiệp như hiện nay, đến cuối năm 2021, dự kiến sẽ có 6/6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có kim ngạch vượt trên 1 tỷ USD.

Dự kiến đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai sẽ đạt khoảng 27,5 tỷ USD. Ngoài những ngành hàng xuất khẩu chủ lực là Giày dép, Dệt may, Sản phẩm gỗ, Máy tính điện tử và linh kiện, Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, Xơ sợi dệt, tỉnh tập trung mở rộng ngành Chế biến nông sản thực phẩm.

Sản phẩm gỗ là ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Trong ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2
Sản phẩm gỗ là ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Trong ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Asy Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: UYỂN NHI

Theo Sở Công thương, công nghiệp của Đồng Nai đang chuyển dịch theo hướng nâng dần tỉ trọng các ngành công nghiệp mũi nhọn có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giúp cho nhiều ngành có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD/năm và xuất siêu tăng cao.

* Nhiều mặt hàng xuất khẩu tỷ USD

Đại dịch Covid-19 dẫn đến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong năm 2020 bị giảm mạnh là giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, phương tiện vận tải và phụ tùng. Tuy nhiên, trong năm 2020, vẫn có 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Cụ thể, giày dép đạt hơn 4 tỷ USD, dệt may hơn 1,68 tỷ USD, sản phẩm gỗ trên 1,68 tỷ USD, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng hơn 1,8 tỷ USD, xơ sợi dệt trên 1,1 tỷ USD. Từ quý IV-2020, các doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng không kịp bù đắp cho 3-4 tháng liên tiếp bị giảm sản xuất, xuất khẩu do thiếu nguyên liệu đầu vào, đầu ra. Từ đầu năm 2021 đến nay, các DN đã có sự hồi phục khá tốt, nhiều đơn hàng lớn từ các nước đang dần dịch chuyển về Đồng Nai giúp sản xuất dần khôi phục nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho hay: “Mặc dù sản xuất đã được khôi phục nhưng DN vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Hiện các DN đều phải thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa sản xuất. Sản phẩm xuất khẩu vẫn chưa được thuận lợi như trước khi xảy ra dịch, vì một số nước vẫn hạn chế giao thương”.

Nếu trong năm 2020, 3/6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng âm là giày dép, dệt may, xơ sợi dệt thì trong quý I-2021, đã có 5/6 mặt hàng tăng trưởng khá (chỉ dệt may vẫn tăng trưởng âm).  Với khả năng phục hồi của DN như hiện nay, cuối năm 2021, dự kiến sẽ có 6/6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch vượt trên 1 tỷ USD.

* Tìm kiếm các đơn hàng mới

Giao thương với nhiều nước trên thế giới vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn, việc gặp gỡ đàm phán, vận chuyển các đơn hàng gặp không ít vướng mắc khiến DN vẫn đối mặt với hàng loạt khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu. Do đó, các DN vừa tìm kiếm đơn hàng, vừa giải quyết những vướng mắc trên để duy trì sản xuất. Tại Đồng Nai, có những DN đã nhận được đơn hàng đến cuối quý II, III và IV-2021, nhưng đơn hàng vẫn chưa dồi dào.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên các đợt xúc tiến thương mại ra nước ngoài không thực hiện được. Tỉnh phối hợp với Bộ Công thương, các hiệp hội hỗ trợ DN giao thương trực tuyến với các đối tác nước ngoài. Qua đó, nhiều DN cũng tìm được khách hàng ký kết hợp đồng xuất khẩu”.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đang chiếm khoảng 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nên chỉ cần 1-2 mặt hàng xuất khẩu trên giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh. Vì thế, tỉnh yêu cầu phát triển mạnh thương mại điện tử để giúp DN giao thương trực tuyến với khách hàng. Đây cũng là yêu cầu cấp bách của Chính phủ trong năm 2021, để thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành tăng cường công tác dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, EU, Trung Quốc... kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu, giúp DN chuẩn bị điều kiện cần thiết, chủ động phòng vệ thương mại, vượt qua các rào cản thương mại.

Ông Trần Bá Tuấn, Quản lý sản xuất kinh doanh Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 chia sẻ: “Do dịch bệnh Covid-19, các khách hàng nước ngoài rất khó khăn khi đến Việt Nam để đàm phán ký kết các đơn hàng. Công ty phải chủ động liên hệ trao đổi trực tuyến với đối tác, giới thiệu các sản phẩm thiết bị máy móc đang sản xuất và tư vấn cho khách hàng lựa chọn. Qua đó, nhiều khách hàng nước ngoài đã đặt hàng nhưng đơn hàng vẫn chưa được dồi dào, vì nhiều khách hàng mới rất cẩn trọng họ thường đến trực tiếp để tìm hiểu nhà xưởng, máy móc, lao động, môi trường”.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều