Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính chuyện căn cơ

08:04, 09/04/2021

Đại dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới trong gần 2 năm nay đã giáng một đòn mạnh lên nền kinh tế thế giới. Nhiều chuỗi liên kết giao thương đứt gãy, hàng hóa không còn xuất - nhập dễ dàng và trôi chảy như trước.

Đại dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới trong gần 2 năm nay đã giáng một đòn mạnh lên nền kinh tế thế giới. Nhiều chuỗi liên kết giao thương đứt gãy, hàng hóa không còn xuất - nhập dễ dàng và trôi chảy như trước. Với ngành Nông nghiệp cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng, hệ quả có thể thấy ngay: nông sản nông dân làm ra khó tiêu thụ hoặc nhiều giai đoạn bị chặn đứng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hiện tại, đầu ra của nhiều loại sản phẩm nông nghiệp vẫn đang rất khó khăn, trong khi đó, do bị tác động bởi dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục tăng mạnh với lý do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng mạnh, gây nên tình trạng “khó chồng khó” cho nông dân.

Điều này không mới bởi nhiều năm nay, sự lệ thuộc vào nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vẫn chưa được tháo gỡ, do đó chỉ cần giá cả thế giới biến động một chút là giá bán thức ăn chăn nuôi trong nước lại tăng cao.

Theo số liệu của Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê (Bộ KH- ĐT), trong tháng đầu năm 2021, nhập khẩu nhóm hàng thuộc lĩnh vực nông sản cũng tăng rất mạnh. Cụ thể, lúa mì đạt 100 triệu USD, tăng 23,4%; nhập khẩu ngô tăng kỷ lục 93,2%, trị giá 283 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 400 triệu USD, tăng 80%... Nghịch lý kéo dài hàng chục năm qua là Việt Nam dù sản xuất và xuất khẩu lương thực thuộc nhóm đầu thế giới, nhưng ngành Sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu từ nước ngoài. Nguyên nhân do các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn như: ngũ cốc, đậu tương, khô dầu các loại, phụ gia... dùng để chế biến, sản xuất thức ăn chăn nuôi cho đến lúc này, trong nước vẫn sản xuất không đủ hoặc có giá thành quá cao so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Do đó, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 2,8 tỷ USD song lại cần nhập tới trên 15 triệu tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (nguồn: Bộ Công thương).

Thực tế, để “thoát” khỏi sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nhằm chủ động hơn về giá thức ăn chăn nuôi trong nước là bài toán mà Việt Nam đã đặt ra trong nhiều năm qua. “Cách giải” cũng đã có: phát triển ngành Chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước, xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, đẩy mạnh các chuỗi liên kết, đầu tư công nghệ để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi… Tuy nhiên, có lẽ sự phát triển của ngành Sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn chưa theo kịp nhu cầu, hoặc do trong bài toán chi phí, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn ưu tiên các loại nguyên liệu nhập khẩu hơn do có nhiều ưu điểm hơn, vậy nên nhiều năm đã qua, sự lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn đó, chưa thể giải quyết một cách căn cơ.

Nói như vậy không có nghĩa Việt Nam “buông xuôi” với sự lệ thuộc đó, mà trái lại, sau những “cú sốc” lớn như dịch Covid-19, có lẽ động lực sắp xếp, tái cơ cấu của mọi ngành kinh tế đều sẽ lớn hơn với phương châm càng chủ động được đến đâu càng tốt đến đó. Và kể cả sau khi dịch bệnh thoái lui, đây vẫn phải là một phương hướng cần đầu tư lâu dài, bài bản.

Vi Lâm

Tin xem nhiều