Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đi của doanh nghiệp Việt

11:05, 12/05/2021

Từ đầu năm đến nay, doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước tăng khá cao do xuất khẩu thuận lợi.

Từ đầu năm đến nay, doanh thu của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước tăng khá cao do xuất khẩu thuận lợi. Mặc dù vậy, các DN vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19 như: tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng cao… Bối cảnh đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cân nhắc, đưa ra những định hướng phát triển phù hợp để không bị “bỏ lại phía sau”.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cung cấp sản phẩm đầu vào cho một số doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc. Ảnh: K.Minh
Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cung cấp sản phẩm đầu vào cho một số doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc. Ảnh: K.Minh

* Tìm hướng đi phù hợp

Theo đánh giá, hiện nay nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, khả năng đến cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, chuỗi sản xuất của nhiều ngành hàng mới trở lại bình thường như thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Ở Việt Nam mức độ phục hồi của nền kinh tế diễn ra nhanh, nhưng các DN có vốn đầu tư trong nước vẫn phải căng mình tìm cách để ổn định sản xuất, tăng doanh thu và đảm bảo tăng trưởng. Bên cạnh việc đảm bảo sản xuất, khơi thông đầu ra, DN Việt cũng chú trọng nhiều hơn đến ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm tăng cả số lượng lẫn chất lượng và xây dựng thương hiệu để vươn xa hơn.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2021, DN có vốn đầu tư trong nước xuất khẩu hơn 1,42 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước đó. Còn DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất được hơn 6 tỷ USD, tăng 28%. Bên cạnh đó, các DN có vốn đầu tư trong nước cũng mở rộng thị phần trong nước.                                                      

Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải cho rằng, muốn giành được ưu thế ở thị trường nội địa, nước ngoài thì chất lượng sản phẩm phải tốt, giá cả phải cạnh tranh. Trường Hải thành công và trở thành thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến là nhờ có sự cải tiến trong sản xuất kinh doanh, thay đổi về công nghệ, quy trình quản lý thống nhất từ trên xuống dưới.

Các DN nhỏ và vừa ở Đồng Nai ngày càng chú trọng đến chất lượng, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của DN. Bên cạnh đó, DN có vốn đầu tư trong nước cùng ngành nghề cần sự liên kết chặt chẽ, hỗ trợ, chia sẻ đơn hàng lớn cho kịp tiến độ, thống nhất với nhau về giá cả hàng hóa để tránh một vài DN bán phá giá làm ảnh hưởng chung đến toàn ngành. 

Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở Gỗ mỹ nghệ Thành Nhân ở xã Bình Minh (H.Trảng Bom) cho hay: “Từ đầu năm đến nay, cơ sở nhận được rất nhiều đơn hàng lớn từ các khách hàng ở Hoa Kỳ, châu Âu nhưng phải từ chối vì không đủ khả năng đáp ứng. Nếu các DN, cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh có thể liên kết hỗ trợ nhau cùng thực hiện đơn hàng thì tất cả đều có lợi. Tuy nhiên, việc liên kết còn yếu, một số DN quá trình sản xuất còn chạy theo số lượng chưa bảo đảm chất lượng nên đành bỏ qua nhiều cơ hội để mở rộng sản xuất, xuất khẩu”.

* Thách thức đi kèm cơ hội

Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại nhiều thách thức đi kèm cơ hội. Do đó, nếu DN có vốn đầu tư trong nước nắm bắt kịp thời sẽ tạo được bước chuyển mình ngoạn mục. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về ký kết các FTA, trong đó, cả 3 FTA lớn nhất thế giới đều có Việt Nam tham gia là CPTPP, EVFTA, RCEP.  Các FTA giúp cho các DN Việt mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang các nước với giá cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ những quốc gia khác. Bên cạnh đó, các DN FDI đầu tư vào Đồng Nai ngày một nhiều và để có thể hưởng các ưu đãi về thuế quan buộc phải đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Chính vì vậy, DN có vốn đầu tư trong nước nếu sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, giá cả cạnh tranh rất dễ bán hàng cho DN FDI.

Tuy nhiên, để bán được hàng cho DN FDI các DN Việt buộc phải đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ. Để làm được những việc trên, DN phải có nguồn vốn lớn. Song, thực tế, đa số các DN nhỏ và vừa đều thiếu và yếu về vốn.

Ông Lê Trí Minh, Chi hội trưởng Chi hội DN hàng công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại Á Thành cho hay: “DN nhỏ thường tồn tại 2 khó khăn lớn là thiếu mặt bằng sản xuất và vốn đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại. Nếu hai khó khăn trên được tháo gỡ, DN sẽ hoạt động hiệu quả và từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm”.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Việt Nam đã thu hút 136 nền kinh tế đầu tư vào với tổng vốn đăng ký trên 400 tỷ USD. Nhiều DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam đã tìm nguồn cung nguyên liệu ở trong nước. Đây là cơ hội để DN có vốn đầu tư trong nước nắm bắt, trở thành đối tác với khu vực FDI, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và đưa hàng hóa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.               

Khánh Minh

Tin xem nhiều