Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính toán nguồn vốn cho 4 dự án giao thông ngàn tỷ

10:05, 20/05/2021

4 dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Việc tính toán, tìm nguồn vốn đầu tư hiện đang được các cơ quan chức năng và các địa phương gấp rút triển khai.

[links()]4 dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Do đó, việc tính toán, tìm nguồn vốn đầu tư hiện đang được các cơ quan chức năng và các địa phương gấp rút triển khai.

Đường tỉnh 769 (bên trái) là tuyến đường đóng vai trò giải tỏa áp lực giao thông khi sân bay Long Thành đi vào khai thác cũng như kết nối các khu công nghiệp Dầu Giây, Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: Phạm Tùng
Đường tỉnh 769 (bên trái) là tuyến đường đóng vai trò giải tỏa áp lực giao thông khi sân bay Long Thành đi vào khai thác cũng như kết nối các khu công nghiệp Dầu Giây, Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: Phạm Tùng

* Cần hơn 7 ngàn tỷ đồng cho 4 tuyến giao thông trọng điểm

Hiện nay, cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đã được khởi công xây dựng. Cùng với đó, 2 khu công nghiệp (KCN) Xuân Quế - Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) và Bàu Cạn - Tân Hiệp (H.Long Thành) hiện đang được triển khai đầu tư. Do đó, yêu cầu về kết nối giao thông trong khu vực đòi hỏi phải được thực hiện nhanh để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, hiện nay, giao thông kết nối giữa Đồng Nai với các địa phương khác tương đối tốt nhờ nhiều dự án giao thông do Trung ương đầu tư đã được triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giao thông kết nối giữa các địa phương trong tỉnh còn khá hạn chế. Do đó, các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh khi hoàn thành đầu tư xây dựng sẽ góp phần tạo ra hệ thống giao thông kết nối thuận tiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đó, mới đây, UBND tỉnh đã chấp thuận đề xuất của Sở KH-ĐT về chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh gồm: dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường tỉnh 773; dự án đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc); dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 và dự án đường tỉnh 770B (đoạn từ giao với đường tỉnh 763 đến quốc lộ 51).

Trên thực tế, trước đó, Sở GT-VT đã có kiến nghị đầu tư 8 tuyến đường với mục tiêu kết nối các địa phương với sân bay Long Thành và hình thành các trục giao thông kết nối các KCN sẽ được mở mới trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo Sở KH-ĐT, để đảm bảo hiệu quả trong việc đầu tư các dự án cũng như giải quyết những khó khăn về ách tắc giao thông của các địa phương, cùng với đó là khả năng cân đối nguồn vốn, việc khai thác quỹ đất hai bên đường để tái định cư và bán đấu giá, các sở, ngành và địa phương liên quan đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh xem xét ưu tiên đầu tư đối với 4 dự án nói trên trong giai đoạn 2021-2025.

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, việc đề xuất ưu tiên đối với 4 dự án giao thông trọng điểm xuất phát từ mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông đường bộ đi trước, đón đầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Trong đó, lấy sân bay Long Thành làm trung tâm, xây dựng hệ thống giao thông kết nối các địa phương với sân bay Long Thành. Đồng thời, phát triển, hình thành các trục giao thông tạo động lực phát triển cho các địa phương, đặc biệt là các huyện còn khó khăn như: Xuân Lộc, Định Quán, Cẩm Mỹ và Thống Nhất.

Trong số 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án đường tỉnh 770B (từ giao với đường tỉnh 763, H.Định Quán đến quốc lộ 51, H.Long Thành) là tuyến đường được mở mới hoàn toàn. Đây là tuyến đường mang tính chiến lược hình thành trục giao thông quan trọng kết nối địa bàn các huyện Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh đến khu vực sân bay Long Thành.

Trong khi đó, đối với 3 dự án còn lại, khi được đầu tư đồng bộ theo phương án đề xuất sẽ vừa đóng vai trò kết nối giao thông vừa giúp giảm tải áp lực giao thông cho quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh hiện đang trở nên quá tải. Cụ thể, dự án đường tỉnh 773 là tuyến đi song song, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông cho tuyến quốc lộ 1, đồng thời là trục giao thông quan trọng kết nối H.Xuân Lộc, H.Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh với sân bay Long Thành. Tương tự, tuyến đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc) cũng là tuyến đường song song chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông cho quốc lộ 1 và đóng vai trò kết nối các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất với sân bay Long Thành. Riêng dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 sẽ đóng vai trò giải tỏa áp lực giao thông khi sân bay Long Thành đi vào khai thác cũng như kết nối các KCN Dầu Giây, Lộc An - Bình Sơn. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương Long Thành, Thống Nhất nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Theo Sở KH-ĐT, tổng vốn đầu tư thực hiện 4 dự án giao thông trọng điểm được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư là khoảng 7,1 ngàn tỷ đồng, chưa tính chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

* Xây dựng phương án khai thác quỹ đất tạo vốn

Cùng với việc chấp thuận đề xuất của Sở KH-ĐT về chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông trọng điểm, UBND tỉnh đã giao Sở GT-VT chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn cùng các đơn vị liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án trên theo quy định.

Đồ họa thể hiện tổng mức đầu tư dự kiến của 4 dự án giao thông trọng điểm (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tổng mức đầu tư dự kiến của 4 dự án giao thông trọng điểm (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)

Cùng với đó, UBND tỉnh giao Sở TN-MT, UBND các huyện, thành phố có dự án đi qua rà soát nhu cầu sử dụng đất và tính toán sơ bộ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tổng mức vốn đầu tư của các dự án để Sở KH-ĐT tổng hợp trình UBND tỉnh ban hành chỉ thị về đầu tư công trình giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, để có nguồn vốn thực hiện các dự án nói trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện có tuyến đường đi qua xác định vị trí, quy mô, dự kiến điều chỉnh quy hoạch các khu đất lợi thế, tiến độ thực hiện thu hồi, đấu giá và phải thể hiện trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư khi lập hồ sơ. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã yêu cầu UBND cấp huyện có tuyến đường đi qua chủ trì, phối hợp với Sở GT-VT cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án khai thác quỹ đất dọc theo các dự án đi qua địa bàn, khẩn trương điều chỉnh các quy hoạch liên quan để thực hiện đồng thời cùng việc triển khai dự án nhằm tránh tình trạng giá đất tăng cao sau khi dự án hoàn thành, gây khó khăn trong việc thu hồi đấu giá các khu đất lợi thế”.

Trên thực tế, để thực hiện 4 dự án nói trên cần một nguồn vốn rất lớn. Bởi nguồn vốn hơn 7 ngàn tỷ đồng theo tính toán mới chỉ là nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản mà chưa có chi phí giải phóng mặt bằng.

Theo phương án được đề xuất, nguồn vốn để thực hiện đầu tư đối với 4 dự án giao thông trọng điểm sẽ có hai nguồn gồm nguồn vốn ngân sách và khai thác quỹ đất dọc hai bên các tuyến đường. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách khá eo hẹp, việc khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường để bán đấu giá được xem là “kênh” quan trọng để tạo vốn, đầu tư các dự án. Chính vì vậy, hiện nay các địa phương có các dự án đi qua đang thực hiện rà soát để điều chỉnh quy hoạch và lên phương án khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường.

Ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất cho biết, trong 4 dự án giao thông trọng điểm được UBND chấp thuận chủ trương đầu tư, có 2 dự án đi qua địa bàn huyện là các dự án đường tỉnh 773 và đường tỉnh 770B. Hiện nay, các dự án này đã được huyện cập nhật vào quy hoạch phát triển vùng H.Thống Nhất cũng như quy hoạch sử dụng đất của huyện.

Về phương án khai thác quỹ đất tạo vốn, đối với các dự án này, theo ông Mai Văn Hiền là khá thuận lợi bởi phần lớn quỹ đất được rà soát để thực hiện là đất công. “Đối với quỹ đất hai bên các tuyến đường hiện huyện đã hoàn thành quy hoạch và có đề nghị với UBND tỉnh về danh mục đầu tư. Chủ yếu, quỹ đất này được quy hoạch bán đấu giá để thực hiện các dự án khu dân cư” - ông Mai Văn Hiền cho biết.

Cũng là địa phương có 2 tuyến đường trong 4 dự án giao thông trọng điểm đi qua, UBND H.Long Thành đã thực hiện rà soát quy hoạch, xác định các vị trí đất để thực hiện đấu giá, tạo vốn.

Ông Nguyễn Phong An, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành cho hay, đối với dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769, hiện nay huyện đã xác định được các vị trí để thực hiện khai thác quỹ đất. Đối với dự án này, các vị trí quy hoạch khai thác quỹ đất đều là đất công, đất cao su và đã được quy hoạch trong việc phát triển đô thị Bình Sơn. Do đó, việc thực hiện thu hồi đất, đấu giá để tạo vốn rất thuận lợi.

Trong khi đó, đối với dự án đường tỉnh 770B, việc thực hiện khai thác quỹ đất gặp khó khăn hơn. Cụ thể, đối với các vị trí đất công, đất cao su dọc tuyến đường này hiện đã được Chính phủ quy hoạch phát triển KCN (văn bản số 1005/TTg-NN ngày 3-7-2020 về việc điều chỉnh tăng khoảng 6,5 ngàn ha chỉ tiêu sử dụng, đất KCN đối với tỉnh Đồng Nai). Phần diện tích còn lại chủ yếu thuộc diện tích đất trồng cây lâu năm, hằng năm của người dân. Chính vì vậy, việc xác định quỹ đất cũng như xây dựng phương án đấu giá quỹ đất tạo vốn đối với dự án này tương đối khó khăn. “Hiện huyện đang tiếp tục xây dựng phương án, xác định các vị trí để khai thác quỹ đất. Sắp tới, huyện sẽ chính thức có văn bản về phương án cụ thể để trình UBND tỉnh xem xét” - ông Nguyễn Phong An cho biết.

UBND tỉnh yêu cầu Sở KH-ĐT dựa trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các địa phương và Sở GT-VT, phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về đầu tư công trình giao thông trọng điểm có tính liên kết vùng giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở triển khai thực hiện gắn với trách nhiệm của từng đơn vị để đánh giá công vụ đối với các dự án trên.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều