Báo Đồng Nai điện tử
En

Hài hòa giữa nhu cầu phát triển và bảo vệ môi trường

04:06, 18/06/2021

Việc quy hoạch thêm các mỏ vật liệu để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là đối với các dự án hạ tầng lớn sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn là tất yếu.

Việc quy hoạch thêm các mỏ vật liệu để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là đối với các dự án hạ tầng lớn sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn là tất yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh các mỏ khai thác vật liệu thường để lại nhiều hệ lụy đến môi trường và đời sống người dân, việc tính toán quy hoạch và quản lý khai thác một cách hợp lý để đảm bảo tính hài hòa giữa đáp ứng nhu cầu và bảo vệ môi trường cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sẽ cần nguồn cung vật liệu rất lớn trong thời gian tới
Dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sẽ cần nguồn cung vật liệu rất lớn trong thời gian tới

* Người dân... sợ khi nghe quy hoạch mỏ vật liệu

Nhiều năm nay, các khu vực mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh là những “điểm nóng” gây nhiều bức xúc đối với người dân. Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông trong khai thác, vận chuyển tại các mỏ đá đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân tại các khu vực này. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều lần người dân do quá bức xúc đã lập hàng rào, chặn đường đối với các xe tải chở đá mà điểm “nóng nhất” chính là tại cụm mỏ đá Tân Cang, TP.Biên Hòa.

Theo Sở TN-MT, thủ tục đề xuất khai thác vật liệu san lấp rất phức tạp, qua nhiều bước. Do đó, để đẩy nhanh việc hoàn thành các thủ tục cấp phép, đưa các mỏ vật liệu vào khai thác để đáp ứng nhu cầu, Sở TN-MT kiến nghị các sở, ngành có liên quan như KH-ĐT, Xây dựng phối hợp để có các hồ sơ mẫu về đề án thăm dò, báo cáo thăm dò, báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở những hồ sơ mẫu này, chủ đầu tư căn cứ để thực hiện nhằm rút ngắn thời gian cấp phép.

Không chỉ các mỏ khai thác đá, mà đó cũng là tình trạng chung đối với các mỏ khai thác đất san lấp, cát các loại trên địa bàn tỉnh.

Với hàng loạt dự án hạ tầng lớn đã và sẽ được triển khai, việc quy hoạch thêm các mỏ vật liệu để đáp ứng nhu cầu là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng, hiện nay khi nghe đến quy hoạch mỏ vật liệu thì người dân rất… sợ. Bởi ngoài những hệ lụy về môi trường, mất an toàn giao thông, những khu vực quy hoạch mỏ vật liệu sau khi khai thác rất khó để phục hồi. “Đất nông nghiệp nếu quy hoạch mỏ khai thác đất hay đá thì khi khai thác xong rất khó phục hồi. Phần lớn không thể trở lại sản xuất nông nghiệp được. Minh chứng là nhiều khu vực khai thác đất ở H.Định Quán sau khai thác không còn trồng trọt gì được. Các khu vực vùng sâu, vùng xa, nếu không sản xuất nông nghiệp được thì người dân không biết làm gì, nên họ phải chuyển đi khu vực khác để sinh sống” - ông Nguyễn Ngọc Hưng cho hay.

Thực tế trên đòi hỏi phải có những giải pháp quản lý chặt chẽ, đặc biệt là đối với các đơn vị khai thác để đảm bảo vừa có được nguồn cung vật liệu phục vụ các dự án, vừa bảo vệ được môi trường. “Các doanh nghiệp khai thác thường chỉ chú trọng đến việc khai thác được bao nhiêu, ít quan tâm các quy định bảo vệ môi trường. Dự án Cấp bách xử lý sạt lở đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn (H.Tân Phú) là một ví dụ. Doanh nghiệp chỉ chú trọng khai thác đất để bán mà không chú ý đến các quy định an toàn và bảo vệ môi trường” - ông Nguyễn Ngọc Hưng dẫn chứng.

* Tính toán kỹ việc tiêu thụ vật liệu

Đồng Nai hiện có 32 mỏ khai thác đá đang hoạt động với sản lượng khai thác hàng năm khoảng 22 triệu m3. Một khối lượng rất lớn trong sản lượng khai thác hằng năm hiện được tiêu thụ ở thị trường ngoại tỉnh.

Trên thực tế, nhu cầu về nguồn vật liệu xây dựng, trong đó có đá xây dựng, trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng tăng cao do nhu cầu từ các dự án hạ tầng lớn đã và sẽ được triển khai thực hiện. Trong bối cảnh thời hạn các mỏ khai thác đá ngày càng rút ngắn, việc tính toán sản lượng khai thác và tiêu thụ để đảm bảo cho nhu cầu lâu dài là điều cần được tính toán kỹ.

“Hiện nay, khu vực mỏ đá Hóa An đã đóng cửa khai thác; cụm mỏ đá Tân Cang cũng chỉ có thời hạn khai thác từ 5-10 năm nữa nên cần phải tính toán sản lượng khai thác cũng như việc tiêu thụ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu lâu dài trên địa bàn tỉnh. Bởi, trữ lượng đá hiện nay trên địa bàn tỉnh không còn nhiều, trong khi nhu cầu những năm tới sẽ rất lớn” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Không chỉ đá xây dựng mà cát xây dựng các loại hay đất san lấp cũng đều đang đối mặt với thực trạng “cầu vượt cung” trong thời gian tới. Đơn cử như nhu cầu về cát xây dựng, sau khi thực hiện việc hạn chế khai thác cát trên sông Đồng Nai, nguồn cung cát xây dựng chính trên địa bàn tỉnh là khai thác từ mỏ cát trên hồ Trị An. Tuy nhiên, so với nhu cầu hiện nay, nguồn cung cát xây dựng đã rơi vào tình trạng thiếu hụt.

Bên cạnh sản lượng, chất lượng các loại vật liệu như: đất san lấp, cát và đá xây dựng các loại cũng đang là “nút thắt” trong việc đáp ứng nhu cầu của các công trình dự án hạ tầng đang được triển khai. Bởi với các dự án xây dựng sân bay, đường cao tốc, yêu cầu về chất lượng vật liệu cũng khắt khe hơn.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều