Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đi nào cho chăn nuôi nông hộ?

03:06, 19/06/2021

Trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2020, chăn nuôi nông hộ, nhất là gắn với chăn nuôi các loài đặc sản, du lịch sinh thái vẫn được quan tâm phát triển...

Trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2020, chăn nuôi nông hộ, nhất là gắn với chăn nuôi các loài đặc sản, du lịch sinh thái vẫn được quan tâm phát triển song song với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

Đồ họa thể hiện tỷ lệ chăn nuôi nông hộ so với tổng đàn của một số loại vật nuôi trong tỉnh giai đoạn 2016-2020. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tỷ lệ chăn nuôi nông hộ so với tổng đàn của một số loại vật nuôi trong tỉnh giai đoạn 2016-2020. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, người chăn nuôi nhỏ lẻ phải thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc và phải có thương hiệu vì đây là điều kiện để nâng cao giá trị gia tăng.

* Nhiều thách thức với chăn nuôi nhỏ lẻ

Giai đoạn hội nhập đòi hỏi ngành Chăn nuôi phải cạnh tranh bằng lợi thế sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Chăn nuôi nhỏ lẻ đang mất dần vị trí, nhất là giai đoạn hiện nay, ngành chăn nuôi đang bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh Covid-19, nhất là chăn nuôi heo vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau thiệt hại bởi dịch tả heo châu Phi.

Bà Nguyễn Thị Thảo, hộ chăn nuôi tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) lo lắng, từ đầu năm 2021 đến nay, chăn nuôi liên tiếp gặp khó khăn, hết gà, vịt, trứng rớt giá, hiện heo hơi đang trên đà giảm giá. Tuy giá heo hơi hiện nay cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung mọi năm nhưng người chăn nuôi vẫn thua lỗ do rủi ro dịch bệnh lớn, chi phí chăn nuôi đội lên quá cao do giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi đến thuốc thú y không ngừng tăng lên sau dịch tả heo châu Phi. Hiện bà Thảo rất e ngại đầu tư lứa nuôi mới vì càng nuôi càng lỗ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ chăn nuôi heo, gà, vịt trên địa bàn tỉnh bỏ chăn nuôi.

Nhiều hộ nông dân tại H.Xuân Lộc phát triển chăn nuôi bò mang lại thu nhập tốt. Ảnh: B.Nguyên
Nhiều hộ nông dân tại H.Xuân Lộc phát triển chăn nuôi bò mang lại thu nhập tốt. Ảnh: B.Nguyên

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất nhận xét, chưa bao giờ người chăn nuôi trong nước gặp khó khăn như hiện nay. Người nuôi gia cầm thua lỗ vì giá thấp, thịt heo ngoài chợ bán giá cao nhưng các hộ chăn nuôi heo đang đối mặt với đợt khủng hoảng mới vì giá thành chăn nuôi heo đội lên rất nhiều so với trước.

Ông Tùng so sánh, hiện H.Thống Nhất chỉ còn hơn 1 ngàn hộ chăn nuôi, bằng khoảng 30% tổng số hộ chăn nuôi so với vài năm trước và với tình hình chăn nuôi còn khó khăn như hiện nay, số hộ chăn nuôi có thể sẽ tiếp tục giảm. Tổng đàn heo trên địa bàn huyện còn khoảng 170 ngàn con và chăn nuôi nông hộ chiếm chưa đến 10% tổng đàn, còn lại là các trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Tùng, thời gian qua, heo hơi bán ra với giá cao, các tập đoàn nước ngoài đạt lợi nhuận khủng nhưng chăn nuôi nông hộ và cả các trang trại do người dân đầu tư ngày càng yếu thế trong cạnh tranh. Hiện nay, giá thành chăn nuôi bị đội lên rất cao vì từ con giống đến thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… đều lên mặt bằng giá mới và hoàn toàn do các doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài chi phối. Đây là nguyên nhân khiến giá thành sản xuất đội lên rất nhiều so với trước và ngày càng cách biệt với mặt bằng chăn nuôi chung trên thế giới.

Đánh giá về vai trò của chăn nuôi nông hộ và hiệu quả của chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong 6 năm qua, đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ như: hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho các giống vật nuôi; hỗ trợ mua con giống gia súc, gia cầm; trong xử lý chất thải; thực hiện đệm lót sinh học… Các chương trình, chính sách đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi, góp phần quan trọng nâng cao tỉ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp; tăng giá trị các sản phẩm chủ lực; từng bước chuyển đổi hướng sản xuất từ chú trọng năng suất, sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị, an toàn thực phẩm; góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, thay đổi diện mạo nông thôn, cải tạo môi trường chăn nuôi, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chính sách này đã tác động tích cực đến cuộc sống hàng triệu hộ chăn nuôi ở nông thôn; thu nhập của các hộ chăn nuôi tăng 5-10% so với trước.

* Chăn nuôi nông hộ vẫn có vai trò quan trọng

Trong giai đoạn mới, tuy định hướng của ngành Chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn nhưng chăn nuôi nông hộ vẫn có vai trò quan trọng. Điều này được khẳng định bởi các cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia trong ngành Chăn nuôi tại hội nghị tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 được tổ chức ngày 11-6.

Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, không thể bỏ chăn nuôi nông hộ vì ngoài ý nghĩa dân sinh còn ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người Việt, góp phần điều tiết giữa chăn nuôi tập trung, chăn nuôi đặc sản phục vụ nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, để tồn tại, chăn nuôi nông hộ phải thay đổi cho phù hợp, đáp ứng thị trường, chăn nuôi an toàn, có sự liên kết với nhau… Việt Nam đã và sẽ ký các hiệp định thương mại tự do với các khu vực và nhiều nước trên thế giới, các hiệp định này đều tác động đến ngành chăn nuôi, trong đó chăn nuôi nông hộ gặp nhiều áp lực cạnh tranh nhất. “Tôi mong Chính phủ tiếp tục có thêm những chính sách, chương trình hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trong giai đoạn hội nhập. Mặt khác, việc hỗ trợ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển đổi sang nghề khác cũng cần được quan tâm” - ông Trúc nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cũng chỉ ra, tính riêng trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm hiện cả nước có hơn 8 ngàn hộ. Chăn nuôi nông hộ vẫn là chủ thể chính trong nền sản xuất nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng trong thời gian tới. Chính phủ nên tiếp tục có chính sách mới hỗ trợ chăn nuôi nông hộ vì ngoài vấn đề phát triển kinh tế, đây còn là quyết định mang tính nhân văn vì hướng tới đối tượng yếu thế nhất, thiệt thòi nhất trong ngành Chăn nuôi hiện nay. Theo ông Sơn: “Chính phủ cần có chính sách riêng phát triển ngành Chăn nuôi vì chăn nuôi đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Trong đó, cần chú trọng đến các vấn đề như: chính sách đẩy mạnh xuất khẩu về chăn nuôi; chính sách phát triển ngành thức ăn chăn nuôi cũng như các loại thức ăn bổ sung vì thực tế hiện nay ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam chủ yếu vẫn đang gia công và hiệu quả không cao...”.

Chỉ ra sự yếu thế của chăn nuôi nông hộ cần sự hỗ trợ, TS. Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi nhấn mạnh, chăn nuôi nông hộ cần được hỗ trợ vì họ thiếu vốn, thiếu kiến thức chăn nuôi, không có đầu ra… Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn mới phải có sự thay đổi theo hướng phân vùng, tùy vào đặc trưng của mỗi địa phương mà có chương trình hỗ trợ phù hợp.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, hiện lượng sản phẩm thịt, sữa, trứng của các doanh nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng 47-48%, còn lại thuộc về các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi hộ gia đình và đây vẫn là sinh kế của hàng triệu hộ dân. Theo đó, trong chính sách mới về chăn nuôi, chăn nuôi nông hộ vẫn được khuyến khích, hỗ trợ phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả. Trong đó, các hộ chăn nuôi phải phát triển theo hướng chuyên môn hóa, ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc và phải có thương hiệu vì đây là điều kiện để nâng cao giá trị gia tăng.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều