Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính nguồn cung vật liệu cho các đại dự án

05:06, 18/06/2021

Với hàng loạt dự án lớn đang và sẽ được triển khai xây dựng, nhu cầu về nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ rất lớn. Do đó, việc quy hoạch các mỏ vật liệu mới để đáp ứng nhu cầu này cần được thực hiện trước một bước.

Với hàng loạt dự án lớn đang và sẽ được triển khai xây dựng, nhu cầu về nguồn vật liệu như: đất san lấp, cát, đá xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ rất lớn. Do đó, để tránh tình trạng “khan hiếm” gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, việc quy hoạch các mỏ vật liệu mới để đáp ứng nhu cầu này cần được thực hiện trước một bước.

Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hiện đang gặp khó khăn do thiếu nguồn đất phục vụ đắp nền đường. Ảnh: P.Tùng
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hiện đang gặp khó khăn do thiếu nguồn đất phục vụ đắp nền đường. Ảnh: P.Tùng

* Nhu cầu vật liệu tăng cao

Dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong 2 dự án trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Dự án có tổng chiều dài 99km đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, trong đó đoạn đi qua Đồng Nai có chiều dài 51,3km.

Ông Nguyễn Công Hợp, Phó trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT, chủ đầu tư dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) cho biết, về nhu cầu vật liệu, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai cần khoảng 2,9 triệu m3 đất nguyên thổ để phục vụ đắp nền đường. Đây là khối lượng đất chưa bao gồm khối lượng đã được tận dụng trong quá trình xây dựng, điều phối trong tuyến. Ngoài đất san lấp, dự án cũng cần khoảng 0,25 triệu m3 cát và khoảng 2,04 triệu m3 đá các loại.  

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, đối với nguồn vật liệu phục vụ dự án Sân bay Long Thành thì hiện nay chỉ có các địa phương phía Bắc của tỉnh như: Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú là có chất lượng đáp ứng yêu cầu. Do đó, các địa phương này cần nghiên cứu bổ sung thêm các điểm khai thác mới.

Dự án Đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đã chính thức khởi công vào đầu năm 2021. Hiện nay, các đơn vị chức năng đang triển khai thực hiện các hạng mục rà phá bom mìn và xây dựng hàng rào. Theo dự kiến, cuối năm 2021, đầu năm 2022, các hạng mục chính như: san nền, xây dựng móng nhà ga hành khách sẽ được khởi công xây dựng. Theo đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, chủ đầu tư dự án thành phần 3 thuộc dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, trong quá trình thi công, dự án sẽ sử dụng khối lượng rất lớn các loại vật liệu như: đất san lấp, cát và đá các loại. 

Những năm qua, với hàng loạt dự án lớn được triển khai trên địa bàn, Đồng Nai vẫn được xem là một “đại công trường” của cả nước. Kéo theo đó, nhu cầu về nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án như: đất san lấp, cát, đá các loại cũng tăng cao. Đà tăng về nhu cầu vật liệu xây dựng được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi hàng loạt đại dự án mới cũng sẽ được tiếp tục khởi công thực hiện như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, đường vành đai 3, 4.

Tại cuộc họp nghe báo cáo đánh giá nhu cầu và giải pháp khai thác vật liệu san lấp phục vụ thi công dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngày 3-6, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá, nhu cầu về nguồn vật liệu trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cao khi các dự án mới được triển khai thực hiện. Đồng thời, sau khi một số dự án lớn hoàn thành và đưa vào khai thác sau năm 2025 như dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, sân bay Long Thành giai đoạn 1 thì nhu cầu về nguồn vật liệu có khả năng còn tăng cao hơn nữa. Bởi, các dự án hạ tầng lớn khi đưa vào khai thác sẽ tạo sức hút các nhà đầu tư triển khai nhiều dự án khu dân cư, dịch vụ trên địa bàn.

“Những năm vừa qua, nhu cầu về nguồn vật liệu trên địa bàn có tăng nhưng cũng chỉ ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, khi các dự án hạ tầng lớn như: sân bay Long Thành giai đoạn 1, cảng Phước An… đưa vào khai thác thì nhu cầu vật liệu phục vụ các dự án của các nhà đầu tư sẽ còn tăng rất cao. Cùng với đó, nhu cầu vật liệu phục vụ xây dựng nhà cửa của người dân cũng sẽ tăng cao trong thời gian tới”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

* Quy hoạch sớm để tránh khan hiếm

Với nhu cầu dự báo rất lớn về nguồn vật liệu phục vụ các dự án trọng điểm đã và đang được triển khai trên địa bàn, việc rà soát, đưa vào quy hoạch thêm các mỏ vật liệu gồm: đất san lấp, cát, đá xây dựng là rất cấp bách.

Khai thác đá tại cụm mỏ đá Tân Cang, một trong những cụm mỏ khai thác đá lớn nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay
Khai thác đá tại cụm mỏ đá Tân Cang, một trong những cụm mỏ khai thác đá lớn nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay

Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất cho biết, ngoài khu mỏ đá Soklu hiện đang khai thác, để đáp ứng nhu cầu vật liệu cho các dự án sẽ triển khai thời gian tới, địa phương khảo sát thêm các mỏ vật liệu mới trên địa bàn, nhất là các mỏ đất san lấp. Hiện nay, H.Thống Nhất cũng đã quy hoạch thêm các mỏ đá, đất với diện tích gần 80ha trên địa bàn các xã: Hưng Lộc, Gia Kiệm, Quang Trung. “Các mỏ vật liệu này được quy hoạch để phục vụ các công trình triển khai trên địa bàn như dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đường song hành phía Tây quốc lộ 20” - ông Nguyễn Đình Cương chia sẻ.

Để phục vụ cho các dự án sẽ được đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là dự án Xây dựng đường 770B, TP.Long Khánh đã rà soát, đánh giá lại trữ lượng đất phục vụ san lấp tại khu vực mỏ đá Núi Nứa. Ngoài ra, khu vực các đồi cô đơn ở P.Suối Tre và xã Hàng Gòn cũng có thể được quy hoạch để khai thác đất làm vật liệu san lấp.

Theo định hướng, những khu vực này chỉ có thể khai thác theo phương án hạ độ cao đồi chứ khó có thể quy hoạch thành mỏ khai thác. “Khai thác theo hướng hạ độ cao đồi sẽ tạo ra mặt bằng để khai thác dịch vụ du lịch; còn nếu quy hoạch thành mỏ khai thác thì không khả thi vì ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan” - Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Phạm Việt Phương cho biết.

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng cho hay, để đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ các dự án, đặc biệt là dự án Sân bay Long Thành, thời gian qua, đơn vị đã 3 lần gửi văn bản đề nghị các địa phương thực hiện tìm kiếm, quy hoạch thêm các điểm khai thác vật liệu. Tuy nhiên, đến nay, kết quả đề xuất thêm của các địa phương còn khá ít. “Chúng tôi mong các huyện rà soát thêm để đưa vào quy hoạch sớm, bởi chỉ khi đưa vào quy hoạch thì các mỏ này mới có thể triển khai các thủ tục tiếp theo để khai thác trong thời gian tới” - ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, với hàng loạt dự án sẽ được triển khai, mỗi địa phương cần chủ động rà soát, tính toán và đưa vào quy hoạch các mỏ vật liệu để đáp ứng nhu cầu, tránh tình trạng “khan hiếm” nguồn cung khi các dự án thi công.

Cụ thể, đối với một số dự án sắp “khởi động”, các địa phương cần bắt tay tính toán về nguồn cung vật liệu ngay từ thời điểm hiện nay. “Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đi qua địa bàn 3 huyện: Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú; đường vành đai 3 đi qua địa bàn H.Nhơn Trạch. Cùng với đó, các tuyến đường tỉnh sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới như: 770B, 773, 772. Do đó, các địa phương có các dự án đi qua phải rà soát, tính toán nhu cầu về nguồn vật liệu để có sự chuẩn bị từ trước. Cần rà soát để cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sắp tới” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Riêng với dự án Sân bay Long Thành, với diện tích quy hoạch đầu tư xây dựng lên đến 5 ngàn ha thì nhu cầu về các loại vật liệu, nhất là đất san lấp là rất lớn. Trong khi đó, khu vực H.Long Thành, nguồn cung về đất san lấp cũng như chất lượng đất khó có thể đáp ứng các yêu cầu của dự án. Do đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, khi nguồn đất trên địa bàn không đủ đáp ứng nhu cầu thì các cơ quan chức năng cũng phải tính đến chuyện sử dụng nguồn đất san lấp từ bên ngoài. “Khi lấy đất bên ngoài thì phải tính trước sẽ lấy từ vùng nào để quy hoạch sớm”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị. 

Phạm Tùng    

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích