Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

10:09, 28/09/2021

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc khởi động lại và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công được xem là giải pháp trọng tâm...

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc khởi động lại và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, từ đó thúc đẩy giải ngân nguồn vốn được xem là giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thi công dự án Cải tạo, nâng cấp vỉa hè đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa
Thi công dự án Cải tạo, nâng cấp vỉa hè đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, thời gian qua, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng, trong đó có một nguyên nhân khách quan là tác động của đại dịch Covid-19. Cụ thể, ngay từ thời điểm tháng 3-4 của năm 2021, dịch bệnh Covid-19 với biến thể Delta bùng phát và kéo dài đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án đầu tư công, từ đó cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC đã thống nhất thành lập tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong năm 2021. Trong đó, Sở KH-ĐT làm tổ trưởng, Sở Tài chính làm tổ phó, thành viên có các sở và UBND các huyện, thành phố và chủ đầu tư. Sở KH-ĐT có trách nhiệm cùng với Sở Nội vụ tham mưu quyết định thành lập tổ, xây dựng kế hoạch và cơ chế làm việc của tổ để trình UBND tỉnh phê duyệt và đi vào hoạt động ngay trong đầu tháng 10-2021.

Trong điều kiện và hoàn cảnh đại dịch khó khăn như hiện nay, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần to lớn thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch. Chính vì vậy, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, tập trung cho công tác giải ngân vốn đầu tư công được xem là công việc trọng tâm mang tính chất quyết định trong thực hiện các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau khi hết giãn cách xã hội.

Do đó, các chủ đầu tư phải chủ động xây dựng lại đường gantt giải ngân cụ thể của từng dự án, xác định chi tiết của từng hạng mục từ khâu lập hồ sơ dự án đến tư vấn thiết kế dự toán, thi công xây dựng nghiệm thu khối lượng và giải ngân. Từ đó chủ đầu tư phải xác định từng tháng, từ nay đến cuối năm 2021 sẽ giải ngân từng dự án được bao nhiêu, tổng số giải ngân cuối năm là bao nhiêu? Đặc biệt, các dự án chủ đầu tư chưa giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp thì phải giải thích rõ nguyên nhân chậm, xác định rõ trách nhiệm, rút kinh nghiệm và có giải pháp đẩy nhanh công tác giải ngân. “Trong quá trình xây dựng đường gantt phải xác định được tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất và sát nhất với tình hình thực tế để tổng hợp báo cáo Sở KH-ĐT ngay trong cuối tháng 9. Đồng thời, chủ đầu tư định kỳ hằng tuần phải làm việc với đơn vị tư vấn, đơn vị thi công về công tác lập hồ sơ thủ tục dự án các đơn vị thi công các hạng mục công trình để nắm tiến độ những khó khăn, vướng mắc từng khâu, từng bước để có giải pháp tháo gỡ” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng cần xem xét, rà soát kỹ các điều khoản hợp đồng đã ký kết để xử lý nghiêm các nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn làm chậm, làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân để từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị tư vấn cũng như các nhà thầu thi công.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều