Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân phối nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử

11:09, 27/09/2021

Vài năm trở lại đây, kênh phân phối nông sản qua sàn thương mại điện tử không ngừng mở rộng...

Vài năm trở lại đây, kênh phân phối nông sản qua sàn thương mại điện tử không ngừng mở rộng. Đây cũng là giải pháp được Bộ NN-PTNT tập trung triển khai trong mục tiêu đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Người tiêu dùng đang dần hình thành thói quen mua nông sản trên mạng Trong ảnh: Shipper giao hàng tận nhà cho khách (ở TP.Biên Hòa) đặt mua lương thực, thực phẩm trên các trang mạng. Ảnh: B.Nguyên
Người tiêu dùng đang dần hình thành thói quen mua nông sản trên mạng Trong ảnh: Shipper giao hàng tận nhà cho khách (ở TP.Biên Hòa) đặt mua lương thực, thực phẩm trên các trang mạng. Ảnh: B.Nguyên

Thời điểm dịch bệnh bùng phát, các kênh bán hàng online được cho là giải pháp bán hàng hiệu quả, an toàn. Tuy nhiên, nông dân, thương lái cần được hỗ trợ, tập huấn để tham gia tốt kênh phân phối nông sản còn khá mới mẻ này.

* Cơ hội cho kênh bán hàng online

Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch ảnh hưởng rất lớn đến các kênh phân phối truyền thống. Đây là cơ hội để thúc đẩy hình thức phân phối, kinh doanh nông sản trên các sàn thương mại điện tử.

Ông Lê Quân, chủ vựa trái cây tại xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) cho biết, cơ sở của ông đã tham gia hoạt động bán hàng online từ vài năm nay. Thời gian trước, sản lượng phân phối qua kênh tiêu thụ này rất hạn chế. Nhưng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách nên lượng khách đặt hàng qua mạng tăng lên gấp nhiều lần so với trước đó. Cao điểm có ngày vựa trái cây của ông tiêu thụ được cả chục tấn hàng qua kênh bán hàng này.

Hiện ngày càng nhiều sàn thương mại, chợ online bán các mặt hàng nông sản được mở ra. Ban quản lý các sàn thương mại này hỗ trợ rất nhiều cho người tham gia kinh doanh mà chi phí để quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội là 0 đồng, có chạy quảng cáo chi phí cũng rất rẻ.

“Hoạt động kinh doanh nông sản trên các sàn thương mại điện tử chưa bao giờ sôi nổi như hiện nay. Kênh phân phối nông sản này đang có nhiều lợi thế cạnh tranh vì người mua, người bán đều trực tiếp giao dịch mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian với các khoản chi phí cho nhân công, điểm tập kết hàng như các kênh phân phối truyền thống” - ông Quân nói

Cùng quan điểm, ông Vũ Văn Chuyên, Giám đốc HTX Rau sạch Trường An (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) chia sẻ, từ vài năm trước, HTX đã tổ chức bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm qua kênh online, tập trung vào mặt hàng rau tươi, trái cây sạch và thu hút được nhiều khách hàng ủng hộ. Hiện nay, nhiều chợ đầu mối, chợ bán lẻ tạm ngưng hoạt động, các kênh phân phối truyền thống bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, bán hàng online có nhiều cơ hội để phát triển mạnh.

* Cần tổ chức chuyên nghiệp

Góp ý về việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, ông Vũ Văn Chuyên nhận xét, thời gian gần đây, lượng tiểu thương đặt hàng nông sản để bán online tăng nhanh. Tuy nhiên, HTX buộc phải từ chối nhiều khách hàng do tổ chức chưa tốt khâu phân phối nên sản lượng đặt hàng quá ít, đơn hàng không đều.

Theo ông Chuyên: “Cần có những chương trình tập huấn, đào tạo cho nông dân, HTX lẫn tiểu thương về kỹ năng kinh doanh qua kênh phân phối còn khá mới mẻ này. Vì nếu không tổ chức chuyên nghiệp thì những chợ thương mại khó phát triển, hiệu quả”.

Với mục tiêu chung là hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Quan điểm là đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản phải gắn với quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, nội dung chính trong đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản là kế thừa những điểm mạnh của các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản hiện có nhưng theo xu hướng sẽ giảm lượng nông sản tiêu thụ thông qua kênh tiêu thụ nông sản truyền thống (không liên kết) và tăng lượng nông sản tiêu thụ qua kênh liên kết và kênh hợp nhất gắn với việc ứng dụng thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc nông sản.

Thời gian qua, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động hội nghị, chương trình mua sắm trực tuyến như: Ngày mua sắm trực tuyến; Gian hàng Việt trực tuyến; livestream bán hàng trực tuyến… Kết nối các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho HTX, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp tham gia kinh doanh nông sản trên sàn thương mại điện tử như: sendo.vn, voso.vn, sàn OCOP, Postmart…

Lê Quyên

 

 

Tin xem nhiều