Báo Đồng Nai điện tử
En

Thị trường bất động sản phía Đông TP.HCM sau dịch Covid-19

03:10, 26/10/2021

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho thị trường bất động sản (BĐS) phía Đông TP.HCM gồm: TP.Thủ Đức, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trầm lắng trong một thời gian dài. Hiện các tỉnh, thành đã trở lại trạng thái "bình thường mới", các doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch phục hồi thị trường BĐS, khả năng phải sau 1,5-2 năm nữa mới qua được khó khăn.

[links()]Đại dịch Covid-19 đã khiến cho thị trường bất động sản (BĐS) phía Đông TP.HCM gồm: TP.Thủ Đức, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trầm lắng trong một thời gian dài. Hiện các tỉnh, thành đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch phục hồi thị trường BĐS, khả năng phải sau 1,5-2 năm nữa mới qua được khó khăn.

3 khu vực bất động sản được chú ý nhất ở Đồng Nai. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
3 khu vực bất động sản được chú ý nhất ở Đồng Nai. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, khu vực phía Đông TP.HCM sẽ tiếp tục là nơi có nhiều tiềm năng và thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 khiến cho kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng BĐS khu vực phía Đông TP.HCM vẫn được các nhà đầu tư chú ý và tìm cách sở hữu nhiều khu đất “vàng” để đầu tư.

* Thời điểm tốt để chuẩn bị sản phẩm

Hiện nay, Đồng Nai và các tỉnh, thành phía Nam đã tiến hành mở cửa trở lại trạng thái “bình thường mới”. Các DN trên lĩnh vực BĐS cũng bắt đầu khôi phục hoạt động. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của lĩnh vực này tùy thuộc rất lớn vào tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 ngoài cộng đồng và khống chế dịch bệnh. Nếu tốc độ tiêm vaccine nhanh, các tỉnh, thành sớm trở thành vùng xanh (nguy cơ thấp) thì sau 1,5-2 năm, ngành BĐS sẽ phục hồi và sau đó có thể trở lại giai đoạn hoàng kim như các năm 2018, 2019.

Ông Phạm Linh, Phó chủ tịch CLB BĐS TP.HCM, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á, chuyên gia về tài chính và BĐS nhận xét, dịch Covid-19 khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, chính sách mở cửa nới lỏng các quy định sẽ giúp các lĩnh vực sớm khôi phục hoạt động. Chính phủ hiện đang tập trung triển khai các dự án đầu tư công về hạ tầng kỹ thuật và điều này sẽ giúp cho BĐS hồi phục tốt hơn. Trong những năm tới, BĐS phía Đông TP.HCM, đặc biệt là Đồng Nai sẽ tiếp tục là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư vì có lợi thế về hạ tầng giao thông. Hiện nhiều dự án lớn như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, đường vành đai 3 đang triển khai và sắp tới đây sẽ có đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, cầu Cát Lái…

“Từ nay tới năm 2023 là thời điểm cho các DN đầu tư triển khai nhanh các dự án BĐS ở khu vực phía Đông, để sau đó có sản phẩm đưa ra thị trường đón đầu làn sóng tăng trưởng mới. Tuy dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng trong 9 tháng qua, kiều hối về Việt Nam vẫn tăng 5%, dự tính sẽ đạt trên 17 tỷ USD trong năm nay. Kiều hối về Việt Nam đa số đổ vào lĩnh vực BĐS” - ông Linh chia sẻ.

Đầu tư chung cư cao tầng tại Trung tâm H.Nhơn Trạch. Ảnh: Hương Giang
Đầu tư chung cư cao tầng tại Trung tâm H.Nhơn Trạch. Ảnh: Hương Giang

BĐS phát triển sẽ kéo theo các ngành: vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, vận tải… nhanh chóng phục hồi. Theo một số chuyên gia tài chính, các DN BĐS đa số vay vốn trung hạn, dài hạn để đầu tư các dự án nên xảy ra dịch bệnh ít bị ảnh hưởng đến dòng vốn hơn các DN sản xuất thường vay vốn ngắn hạn. Do đó, đây là khoảng thời gian tốt cho DN tăng tốc đầu tư hoàn thiện các dự án BĐS.

Bà Phan Thị Bích Trâm, Chủ tịch Công ty CP BĐS Hưng Hưng Thịnh (TP.HCM) đánh giá: “Ngành BĐS gặp khó khăn về dịch bệnh nhưng không nặng nề như giai đoạn 2009-2013. Gần 2 năm qua, BĐS phía Đông TP.HCM vẫn giữ được mức lợi nhuận cao, có dự án lợi nhuận lên đến 100%. Vì thế, các DN có dự án ở Thủ Đức, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nên nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, tiến hành xây dựng, chuẩn bị sản phẩm cho thời điểm sau dịch. Những khu vực trên đang được nhiều khách hàng quan tâm nên các DN ít lo lắng hơn về đầu ra”.     

*  “Cuộc đua” nắm giữ quỹ đất dự án

Đại dịch Covid-19 cũng không ngăn cản được các tập đoàn, DN trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án BĐS ở Đồng Nai. Trong gần 2 năm qua, nhiều thương vụ mua bán, chuyển nhượng cổ phần để làm chủ các dự án BĐS vẫn diễn ra tương đối sôi động trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nhiều DN còn thông qua đấu giá đất, hợp tác đầu tư để tham gia thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị tại Đồng Nai. Gần đây, BĐS ở Đồng Nai thu hút một số tập đoàn nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Nhiều tập đoàn lớn trong ngành BĐS đã đầu tư vào Đồng Nai với những dự án lớn từ vài đến hàng trăm ha như: Novaland, Daewoo E&C, Amata, Vinacapital, Taekwang, Hưng Thịnh, Nam Long, Đất Xanh, Kim Oanh, Sun Group, FLC, DIC… Trong các dự án, sản phẩm khá đa dạng gồm: biệt thự, nhà liên kế, chung cư cao tầng có giá từ 1,5-30 tỷ đồng/căn, tùy theo từng loại hình, vị trí.

Gần 2 năm qua, đã có hàng chục thương vụ mua bán, chuyển nhượng liên quan đến các dự án khu dân cư, khu đô thị tại Đồng Nai. Đơn cử, đầu tháng 9-2021, Tập đoàn Nam Long đã công bố chuyển nhượng một phần sở hữu của mình tại 2 dự án BĐS lớn là khu đô thị Nam Long Đại Phước với tổng diện tích 45,5ha (xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch) và dự án Đồng Nai Waterfront 170ha (xã Long Hưng, TP.Biên Hòa) thông qua hình thức bán cổ phần tại các công ty đang nắm giữ 2 dự án trên cho Tập đoàn Hankyu Hanshin Properties Corporation và Niship Nippon Railroad của Nhật Bản. Cũng trong tháng 9-2021, Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ dự án Angel Island ở cù lao Ông Cồn (xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch) bằng cách mua lại hơn 60% cổ phần của chủ dự án là Công ty CP Phát triển địa ốc Sông Tiên.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết: “Hưng Thịnh đang triển khai 3 dự án BĐS tại Đồng Nai vì đây là thị trường có nhiều tiềm năng và khả năng sẽ phục hồi nhanh hơn các khu vực khác. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang tìm thêm các quỹ đất khác để tiếp tục mở rộng đầu tư vào tỉnh”. Cũng theo ông Hiền, BĐS của Đồng Nai sẽ phân theo hai hướng đầu tư là dọc theo tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 51. Trong đó, các dự án gần tuyến quốc lộ 1 đầu tư theo xu hướng đón đầu, còn khu vực quốc lộ 51 nhu cầu ở rất cao nên sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư và nhiều khách hàng mua sản phẩm hơn.

Từ năm 2019 đến nay, các khu đất lớn của Đồng Nai đưa ra đấu giá được rất nhiều DN quan tâm và sẵn sàng chi cả ngàn tỷ đồng để sở hữu 20-30ha đất (từ 40-69 tỷ đồng/ha). Đơn cử, cuối năm 2020, khu đất khoảng 21,3ha ở P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) đưa ra đấu giá được Công ty CP BĐS Mỹ (Hà Nội) mua với giá hơn 1,2 ngàn tỷ đồng. Khu đất 23,4ha thuộc xã Bình Sơn (H.Long Thành) có 6 DN tham gia đấu giá, nhưng Công ty CP BĐS STC Golden Land (Hà Nội) đã trả giá cao nhất là hơn 1,6 ngàn tỷ đồng để trở thành chủ đầu tư dự án. Cả hai khu đất trên đều được UBND tỉnh quy hoạch làm khu dân cư.

Đặc biệt, trong hơn 9 tháng của năm 2021, có hơn 10 vụ chuyển nhượng, bán cổ phần, góp vốn các dự án khu dân cư giữa các DN. Ông Yu Il, Quản lý bộ phận phát triển dự án của Công ty TNHH Daewoo Engineering & Construction Việt Nam (thuộc Tập đoàn Daewoo E&C của Hàn Quốc) cho hay: “Daewoo hợp tác với Tập đoàn Taekwang Vina để triển khai khu dân cư Long Tân - Phú Hội ở H.Nhơn Trạch. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 216 triệu USD, khi hoàn thành sẽ tạo thành điểm nhấn cho đô thị Nhơn Trạch. DN chọn đầu tư vào lĩnh vực BĐS ở Đồng Nai vì đây là khu vực hấp dẫn nhất Đông Nam bộ”.

Hiện nay, quỹ đất để đầu tư các dự án BĐS tại TP.HCM còn rất ít. Do đó, các DN sẽ mở rộng ra các tỉnh, thành lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Trong đó, Đồng Nai sẽ được các nhà đầu tư lựa chọn nhiều nhất vì hội tụ đủ một số yếu tố để DN có thể thành công là vị trí và khả năng kết nối hạ tầng giao thông liên vùng.

Hương Giang


Ông NGUYỄN QUỐC BẢO, Chủ tịch CLB BĐS Việt Nam:

Sau dịch Covid-19, BĐS vùng ven, nghỉ dưỡng, công nghiệp khu vực phía Đông TP.HCM sẽ được nhà đầu tư chú ý nhiều hơn. Với 3 lực đẩy lớn sẽ giúp cho thị trường BĐS phục hồi nhanh là Chính phủ ưu tiên đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông để kết nối vùng, tạo ra đột phá trong khôi phục và phát triển kinh tế; lãi suất hạ; kiều hối về Việt Nam vẫn tăng và đa số đầu tư vào BĐS. Bên cạnh đó, sự sụp đổ của Tập đoàn Evergrande (một tập đoàn lớn về BĐS của Trung Quốc), có thể làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyển dịch dòng tiền vào Việt Nam để đầu tư. Về phía Việt Nam, đã có bài học lớn để kiểm soát thị trường BĐS tốt hơn. Các DN chú ý đến giá trị đầu tư, tính toán kỹ hơn trong việc thực hiện dự án và đưa sản phẩm ra thị trường.

Ông LÊ VĂN KIỂM, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành:

Sau dịch Covid-19, công nghiệp Đồng Nai sẽ tiếp tục phát triển mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đến thuê đất làm nhà xưởng để sản xuất. Hiện đất công nghiệp ở Đồng Nai cho thuê không còn nhiều nên công ty đã đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết hồ sơ, thủ tục nhanh để có thể sớm đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp tại Đồng Nai. Thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn, công ty sớm hoàn thành hạ tầng khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh và cả nước. BĐS công nghiệp ở Đồng Nai được rất nhiều DN trong nước, nước ngoài chú ý và muốn đầu tư vào, vì đây là khu vực cửa ngõ giao thông của vùng.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT):

Mấy năm gần đây, đất đai Đồng Nai ngày càng có giá trị, được nhiều DN quan tâm. Theo đó, các khu đất có lợi thế đưa ra đấu giá có rất nhiều DN tham gia, trả giá rất cao để sở hữu và triển khai các dự án. Các khu đất đấu giá đa số được quy hoạch để thực hiện các khu dân cư, khu đô thị. Tới đây, Đồng Nai tiếp tục đưa ra đấu giá nhiều khu đất lợi thế để có vốn đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật khác góp phần phát triển kinh tế.

 


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích