Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp đối mặt với ''bão giá'' đầu vào

03:11, 02/11/2021

Triển vọng hồi phục sản xuất, kinh doanh ngày càng sáng hơn khi các doanh nghiệp (DN) quay trở lại hoạt động, cùng với đó là nhu cầu hàng hóa trong nước, quốc tế tăng cao trong những tháng cuối năm 2021...

[links()]Triển vọng hồi phục sản xuất, kinh doanh ngày càng sáng hơn khi các doanh nghiệp (DN) quay trở lại hoạt động, cùng với đó là nhu cầu hàng hóa trong nước, quốc tế tăng cao trong những tháng cuối năm.

Đồ họa thể hiện số lần điều chỉnh giá xăng, gas bán lẻ từ đầu năm 2021 đến nay và tổng mức giá xăng, gas bán lẻ tăng so với thời điểm đầu năm 2021. (Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện số lần điều chỉnh giá xăng, gas bán lẻ từ đầu năm 2021 đến nay và tổng mức giá xăng, gas bán lẻ tăng so với thời điểm đầu năm 2021. (Đồ họa: Hải Quân)

Bên cạnh những lạc quan về triển vọng kinh tế thì hiện nay, các DN vẫn còn phải đối mặt với nhiều nỗi lo, trong số đó việc khan hiếm nguồn cung nguyên, vật liệu và giá cả hàng hóa đầu vào gia tăng đang làm đau đầu các nhà sản xuất.

* Vừa thiếu nguồn cung, vừa lo tăng giá

Một trong những lĩnh vực đang đối mặt với bài toán giá cả gia tăng chóng mặt gần đây là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cũng như các nhà thầu xây dựng.

Đối với các nhà sản xuất xi măng, hiện nay, do tình hình giá nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất như: điện, than, dầu, thạch cao… trên thị trường thế giới tăng cao dẫn đến giá thành sản xuất cũng đội lên. Mặc dù, các DN sản xuất xi măng đã đưa ra nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, nhưng vẫn không thể bù đắp được tỷ lệ tăng giá.

Những yếu tố này dẫn đến giá xi măng trên thị trường tăng theo, những ngày cuối tháng 10, giá xi măng đã tăng rất mạnh, trung bình từ 80-100 ngàn đồng/tấn và đang gây sốc cho thị trường. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều DN sản xuất thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán. Đợt đầu năm, giá thép cũng có thời gian tăng giá chóng mặt khiến cho nhiều DN, nhà thầu xây dựng điêu đứng và phải “cầu cứu” Chính phủ. Đó là chưa kể giá của hàng loạt sản phẩm vật liệu xây dựng khác như: cát sỏi, gạch… cũng nhiều phen “nhảy múa”.

Giá xăng dầu tiếp tục “nhảy múa”. Ảnh minh họa: HUY ANH
Giá xăng dầu tiếp tục “nhảy múa”. Ảnh minh họa: HUY ANH

“Thiếu lao động, thiếu vật liệu để thi công và nguồn cung cấp trang thiết bị, vật tư bị gián đoạn do phải thực hiện giãn cách xã hội chưa phục hồi được. Điều lo lắng là giá vật liệu xây dựng các loại đều tăng khiến cho chi phí thi công công trình cũng đội lên theo. So với năm ngoái, chi phí hiện tại tăng cao lên tới 40% nên các DN cũng rất khó tính toán” - ông Hán Vinh Đạt, Giám đốc Công ty Sản xuất thương mại và dịch vụ xây dựng Vĩnh Phát (TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Cùng đối mặt với nguồn cung nguyên liệu gián đoạn và giá cả tăng là nhiều DN trong các ngành sản xuất khác. Đại diện một DN chuyên sản xuất thức ăn gia súc ở TP.Biên Hòa cho biết, giá các loại cám thời gian gần đây vẫn cao hơn khoảng 40-50% so với thời điểm cuối tháng 10-2020. Dự báo giá cám đầu ra từ nay đến cuối năm khó hạ nhiệt do chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19, chi phí vận tải tăng cao… Nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu và giá ở mức cao khiến cho giá sản phẩm đầu ra tăng theo tùy vào loại thức ăn của từng vật nuôi. Ngoài ra, nguồn cung vẫn chưa dồi dào nên nhiều công ty sản xuất cám đang phải “ăn đong”, ký hợp đồng cung ứng với đối tác theo tháng chứ không ký hợp đồng dài hạn theo quý như trước đây.

Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai, qua khảo sát các DN thành viên trong hiệp hội, giá nguyên vật liệu hàng hóa cho sản xuất đang là vấn đề nhức nhối. “Có DN ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) chia sẻ rằng giá đã cao gấp đôi, gấp ba nhưng cũng không dễ dàng để mua. Thậm chí nếu có hàng, họ sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường để có đầu vào, đảm bảo sản xuất, cung ứng cho đối tác, nhưng muốn cũng không có” - ông Nguyện cho biết thêm.

Không chỉ lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu mà các ngành dịch vụ - thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp khó khăn. Không ít DN, HTX, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh lo lắng trong việc đảm bảo nguồn lợi nhuận, cân đối chi phí sản xuất, kinh doanh… Họ “gồng mình” giữ giá đầu ra để giữ mối tiêu thụ, thu hút khách hàng; từng bước khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh khi mở cửa trở lại sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh.

Ông Nguyễn Anh Vũ, quản lý chuỗi quán ăn Nhà Đôi tại TP.Biên Hòa chia sẻ, trong thời gian qua, vật giá đầu vào liên tục tăng cao, có những lúc đã tăng khoảng 30% so với thời trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Tuy nhiên, ngay sau khi được mở cửa trở lại, các chi nhánh của chuỗi vẫn cố gắng giữ giá đầu ra ổn định để thu hút khách hàng, thay đổi phương thức marketing, chạy quảng cáo trên fanpage của chuỗi, áp dụng các chương trình khuyến mại, kết nối với các ứng dụng đặt, giao hàng trực tuyến…

* Cước vận tải làm tăng thêm khó khăn cho DN xuất khẩu

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ, giá nguyên vật liệu nhập về phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhiều ngành hàng xuất khẩu trong thời gian tăng một phần do giá cước vận tải biển tăng cao, trong đó tăng mạnh nhất đối với thị trường Hoa Kỳ và các nước châu Âu.

Giá cước vận tải quốc tế tăng cao là “dư âm” của những tác động từ dịch bệnh Covid-19 từ nhiều tháng trước. Bên cạnh đó, trước đây, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều DN phải dừng hoạt động hoặc sản xuất gián đoạn nên tỷ lệ lưu hàng nguyên liệu tại cảng tăng cao. Hiện nay, khi hoạt động trở lại, nhiều DN sẽ phải chấp nhận “gánh” thêm các khoản chi phí về lưu kho, bãi, vận chuyển nguồn nguyên liệu còn tồn để kịp thời chuẩn bị cho mùa cao điểm sản xuất cuối năm, giải quyết các đơn hàng bị dồn ứ…

Việc khan hiếm nguồn cung nguyên, vật liệu và giá cả hàng hóa đầu vào gia tăng đang làm đau đầu các nhà sản xuất Ảnh minh họa: Cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất, kinh doanh đều gặp khó khi thời gian qua giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: MẠNH QUÂN
Việc khan hiếm nguồn cung nguyên, vật liệu và giá cả hàng hóa đầu vào gia tăng đang làm đau đầu các nhà sản xuất. Ảnh minh họa: Cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất, kinh doanh đều gặp khó khi thời gian qua giá xăng dầu tăng cao. Ảnh: MẠNH QUÂN

Cục Thống kê Đồng Nai nhận định, điều này có thể dẫn đến tình trạng giá trị sản phẩm xuất khẩu trong 1 container không bằng chi phí thuê và vận chuyển container (giá cước vận tải tới cảng bờ Đông nước Mỹ trong tháng 9 đã lên tới 18-20 ngàn USD/container), từ đó, sản phẩm đội giá thành, mất đi sự cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế; đồng thời, cũng kéo theo sự tăng giá của vận tải trong nước.

Theo dự báo của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), giá cước vận tải biển trong quý IV-2021 vẫn chưa thể hạ nhiệt do nhu cầu tăng cao. Đây là quý cao điểm xuất hàng đi các nước bán trong dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch. Cước vận tải quá cao và vận chuyển vẫn chưa thông suốt đang là một trong những thách thức lớn của các DN xuất khẩu trong quý IV, nhất là các DN chịu áp lực tăng tốc để bù lại cho giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua. Giá cước vẫn cao do khan hiếm nguồn cung container rỗng và thiếu hụt nhân công làm việc tại các cảng khiến tắc nghẽn tiếp nhận tàu vào cảng. Dù giá cước một số cảng trong nước có hạ nhiệt ở mức độ nhất định nhưng với cước container đi biển, xuất hàng ra quốc tế vẫn cao.

Một vấn đề nữa, theo nhiều DN có hoạt động xuất, nhập khẩu ở Đồng Nai, họ lo lắng thời gian tới sẽ phải cộng thêm chi phí do việc TP.HCM áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển. Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM sẽ áp dụng mức thu 250 ngàn đồng/cont đối với container 20ft, 500 ngàn đồng/cont với container 40ft và 15 ngàn đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Trong khi hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM sẽ áp dụng mức 500 ngàn đồng/cont đối với container 20ft, 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30 ngàn đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Như vậy, DN ở Đồng Nai và các địa phương khác không mở tờ khai ở TP.HCM sẽ chịu chi phí gấp đôi khi tiến hành thu phí, làm giảm đi sức cạnh tranh của DN. Mặc dù hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc thu phí chưa tiến hành, song về lâu dài sẽ tác động và làm gia tăng chi phí sản xuất của DN. Do vậy, các DN mong muốn tỉnh có trao đổi với phía TP.HCM để có thể có được giải pháp hài hòa hơn.

Giá xăng tăng cao nhất trong vòng 7 năm nay

Theo đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu mới đây vào cuối tháng 10-2021 của Liên bộ Công thương - Tài chính, giá xăng E5 RON92 tăng 1.427 đồng/lít, xăng RON95 tăng 1.459 đồng/lít. Sau khi điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON92 là 23.110 đồng/lít và xăng RON95 là 24.338 đồng/lít. Đây là lần tăng giá xăng thứ 4 liên tiếp trong khoảng 2 tháng trở lại đây và tiếp tục lập kỷ lục mới khi giá bán lẻ xăng đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Tương tự, giá dầu diesel tăng 1.171 đồng/lít, dầu hỏa tăng 1.015 đồng/lít và dầu mazut tăng 113 đồng/kg. Sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ tối đa đối với dầu diesel là 18.716 đồng/lít; dầu hỏa là 17.637 đồng/lít và dầu mazut là 17.210 đồng/kg.         

Lam Phương

Vương Thế - Hải Quân

Tin xem nhiều