Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm áp lực cho học sinh khi kiểm tra online

03:11, 09/11/2021

Theo kế hoạch năm học, đến các tuần học thứ 9, 10, 11, học sinh các khối từ lớp 4 trở lên sẽ kiểm tra giữa học kỳ 1. Đây là lần đầu tiên học sinh phải làm bài kiểm tra online. Do đó, bản thân học sinh, giáo viên, phụ huynh không tránh khỏi áp lực.

[links()]Theo kế hoạch năm học, đến các tuần học thứ 9, 10, 11, học sinh các khối từ lớp 4 trở lên sẽ kiểm tra giữa học kỳ 1. Đây là lần đầu tiên học sinh phải làm bài kiểm tra online. Do đó, bản thân học sinh, giáo viên, phụ huynh không tránh khỏi áp lực.

Một học sinh lớp 6 ở TP.Biên Hòa trong giờ học online. Ảnh minh họa: HUY ANH
Một học sinh lớp 6 ở TP.Biên Hòa trong giờ học online. Ảnh minh họa: HUY ANH

Tùy theo tình hình thực tế, mỗi trường có cách thức tổ chức kiểm tra khác nhau, trong đó hình thức kiểm tra trắc nghiệm được ưu tiên lựa chọn.

* Chủ động lựa chọn nền tảng hỗ trợ kiểm tra online

Thực hiện theo đúng tiến độ năm học, trong tuần học thứ 9, 10 (từ ngày 8-11), Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) tổ chức kiểm tra giữa học kỳ 1. Thầy Nguyễn Thế Mạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc kiểm tra được thực hiện theo Thông tư  09/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 30-3-2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên và theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế của trường.

Theo đó, Trường THPT Trấn Biên ra đề kiểm tra chung 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh cho cả 3 khối lớp. Đề kiểm tra các môn còn lại do giáo viên chủ động nhưng phải tổ chức thi cùng thời điểm. Ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Cán bộ quản lý, giáo viên các trường đều cho rằng, việc kiểm tra online khó có thể đảm bảo tính trung thực. Do đó, điểm số của bài kiểm tra online sẽ không thể hiện đúng chất lượng của quá trình dạy học trực tuyến. Vì vậy, để bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá được chính xác, công bằng, khách quan, trung thực phải trông chờ chủ yếu vào tinh thần tự giác của học sinh.

Trường THPT Trấn Biên chọn ứng dụng Azota để tổ chức kiểm tra online. Học sinh làm bài và nộp bài trực tiếp trên ứng dụng này. Ưu điểm của ứng dụng là trang web có thể chạy được trên cả điện thoại thông minh, máy tính. Khi học sinh đang làm bài trong ứng dụng Azota để làm bài thi mà mở 1 trang web khác (trên cùng thiết bị) thì hệ thống sẽ ghi nhận lại được. Điều này có thể làm giảm khả năng “quay cóp” của học sinh.

Trong khi đó, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) đã chuẩn bị phương án kiểm tra online trên nhiều ứng dụng, tùy theo giáo viên và tùy theo đặc thù môn học. Theo đó, giáo viên có thể lựa chọn kiểm tra trên các ứng dụng: Azota, Google Forms, Quizizz. Hình thức kiểm tra cũng đa dạng, có hình thức tự luận, trắc nghiệm và kết hợp vừa tự luận, vừa trắc nghiệm.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng còn yêu cầu học sinh phải có thêm thiết bị có kết nối camera để giám sát quá trình làm bài kiểm tra. Như vậy, ngoài 1 camera trên thiết bị làm bài quay rõ hình ảnh học sinh và bài kiểm tra (đối với tự luận trên giấy), học sinh còn phải có 1 thiết bị có camera khác để quay rõ toàn cảnh, trong đó phải thấy được màn hình thiết bị thi (điện thoại hoặc máy tính). Đây là giải pháp nhằm đảm bảo kết quả bài thi là trung thực, khách quan, công bằng, chính xác. Đối với những học sinh không có đủ 2 thiết bị có camera, nhà trường tổ chức đợt kiểm tra sau, thậm chí có thể kiểm tra vào buổi tối để học sinh mượn thêm thiết bị.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) trong giờ học online. Ảnh: H.Yến
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) trong giờ học online. Ảnh: H.Yến

“Mặc dù lên phương án như vậy nhưng nhà trường chưa thực hiện vì còn nhiều khó khăn. Hiện nay, học sinh THPT đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 và có khả năng được quay trở lại trường học. Vì vậy, chúng tôi sẽ dời lại, đợi các em đi học tại trường rồi sẽ ôn tập, củng cố kiến thức cho các em sau đó mới tổ chức kiểm tra” - thầy Nguyễn Quang Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ.

* Tìm cách giảm áp lực cho học sinh

Học online, kiểm tra online đã trở thành áp lực với không ít học sinh. Điều này càng đúng đối với học sinh lớp 6 khi đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới với rất nhiều thay đổi.

Nội dung kiến thức lớp 6 theo chương trình GDPT mới nặng hơn chương trình cũ. Đó là nhận định của nhiều giáo viên đang trực tiếp dạy học lớp 6, đặc biệt là môn Ngữ văn.

Để giảm áp lực cho học sinh, Trường THCS Quang Trung (TT.Tân Phú, H.Tân Phú) quyết định cho học sinh kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm ở tất cả các môn. Trong đó, thời gian làm bài kiểm tra rút ngắn còn 60 phút thay vì 90 phút như thông thường. Đề kiểm tra môn Ngữ văn sẽ gồm 40 câu, đảm bảo chia làm 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng sáng tạo.

Trong khi đó, tại Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), nhà trường yêu cầu giáo viên soạn giảng phải đảm bảo 60-70% lượng kiến thức trọng tâm để không tạo áp lực cho học sinh trong quá trình học. Trên cơ sở đó, việc kiểm tra cũng sẽ nhẹ nhàng.

Để giảm áp lực thi cử cho học sinh, đa số nhà trường, giáo viên chọn phương án “giới hạn kiến thức trọng tâm”, không bắt học sinh phải ôn quá nhiều bài, giúp các em vượt qua kỳ kiểm tra một cách nhẹ nhàng. Tuy vậy, giáo viên được khuyến khích ra các câu hỏi mới, sáng tạo để hạn chế học sinh tra cứu mạng trong quá trình làm bài kiểm tra.

Bên cạnh đó, tùy theo môn học, nhà trường có thể đưa ra hình thức kiểm tra linh động để đánh giá sát nhất năng lực của học sinh. Chẳng hạn, các môn như: âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, công nghệ thì có thể cho làm các sản phẩm thông qua các dự án học tập.

Đối với bậc tiểu học, theo quy định thì chỉ có học sinh lớp 4, 5 phải làm bài kiểm tra giữa học kỳ đối với 2 môn: Toán, Tiếng Việt. Việc tổ chức kiểm tra do nhà trường chủ động. Do đó, giáo viên có thể linh hoạt về thời gian.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) thì phải tiến hành tập trung trong 1 lần, còn kiểm tra thường xuyên thì có thể kiểm tra nhiều lần để lấy kết quả cao nhất.

Hướng dẫn kỹ cho học sinh trước khi kiểm tra

Để đảm bảo việc kiểm tra online diễn ra suôn sẻ, các trường đều phải phổ biến kỹ hình thức, cách thức kiểm tra; hướng dẫn cách đăng nhập, làm bài, nộp bài online cho học sinh.

Cô Phạm Thị Thanh Thủy, Trường THCS Quang Trung (TT.Tân Phú, H.Tân Phú) cho biết, khi cho lớp kiểm tra thử lần trên ứng dụng Azota, lớp của cô có đến 30% học sinh không vào được do chưa biết cách đăng nhập, do dùng chung tài khoản nên không đăng nhập được… Vì vậy, giáo viên công nghệ thông tin của trường đã làm video hướng dẫn cách tạo tài khoản, đăng nhập để gửi đến toàn thể giáo viên, học sinh trong trường, sẵn sàng cho đợt kiểm tra giữa học kỳ 1.

Hải Yến


Cô ĐỖ CẨM VÂN, Phó hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Đông Hòa, H.Trảng Bom):

Không thể yêu cầu học sinh phải trang bị camera giám sát khi kiểm tra

4a.jpg

Để tổ chức dạy và học online đi vào nề nếp, ổn định như hiện nay, cả nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh đã phải nỗ lực rất nhiều. Trong đó, nhiều học sinh phải được hỗ trợ thiết bị học tập thì trường mới đảm bảo tỷ lệ 100% học sinh tham gia học online. Học sinh có thiết bị để học đã là may mắn. Do đó, việc yêu cầu học sinh phải trang bị thêm thiết bị có kết nối camera để giám sát quá trình làm bài kiểm tra là không thể được. Tất nhiên, điều này cũng dẫn đến thực tế là nhà trường không thể kiểm soát được nếu học sinh có gian lận trong khi kiểm tra. Đối với Trường THCS Phan Chu Trinh, chúng tôi tổ chức kiểm tra môn Ngữ văn theo hình thức tự luận 100% với thời gian 90 phút; môn Toán ở khối 6, 7 và 8 có 30% trắc nghiệm, 70% tự luận (riêng khối 9 thi trắc nghiệm 100%) với thời gian 60 phút; các môn còn lại thi trắc nghiệm 100% trong 45 phút. Học sinh làm bài trực tiếp trên hệ thống Microsoft Teams vào cùng một thời điểm.

Phụ huynh TRẦN VĂN THÀNH (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa):

Mong giảm bớt áp lực học tập, thi cử cho các con

Tôi có con gái năm nay đang học lớp 6. Theo dõi quá trình học online của con, tôi thấy con đang bị quá tải và căng thẳng, rất cần được giảm tải hơn nữa. Cụ thể, con của tôi học buổi chiều. Từ thứ hai đến thứ bảy, con phải “vào lớp” bắt đầu từ 12 giờ 45 cho đến khi “tan lớp” là hơn 17 giờ. Ngoài giờ học online, con còn phải hoàn thành các bài tập mà thầy cô giao. Vì vậy, con phải học cả sáng, cả tối. Có hôm, 21-22 giờ, cô giáo còn nhắn tin lên group phụ huynh để nhắc nhở các con nộp bài tập. Như vậy nghĩa là không chỉ học sinh bị quá tải mà giáo viên cũng đang phải rất vất vả để theo sát quá trình học của các con. Nhất là giai đoạn gần kiểm tra giữa kỳ thì việc học của con càng căng thẳng hơn.

Tôi mong ngành GD-ĐT tiếp tục có phương án giảm tải để phù hợp với bối cảnh học online hiện nay. Ngoài việc học, các con rất cần có thời gian để vui chơi, giải trí.

Tường Vi (ghi)


 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích