Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng hỗ trợ cho phục hồi kinh tế

08:11, 01/11/2021

Giá xăng hiện đã vượt mốc 24 ngàn đồng/lít, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Và gần như ngay lập tức, thị trường gas đã có phản ứng bằng việc tăng giá theo. Nhiều công ty kinh doanh gas đầu mối vừa thông báo sẽ đồng loạt tăng giá bán lẻ thêm 1.417 đồng/kg, tương đương tăng 17 ngàn đồng/bình loại bình gas 12kg và gần 64 ngàn đồng/bình cho bình gas loại 45kg.

Giá xăng hiện đã vượt mốc 24 ngàn đồng/lít, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Và gần như ngay lập tức, thị trường gas đã có phản ứng bằng việc tăng giá theo. Nhiều công ty kinh doanh gas đầu mối vừa thông báo sẽ đồng loạt tăng giá bán lẻ thêm 1.417 đồng/kg, tương đương tăng 17 ngàn đồng/bình loại bình gas 12kg và gần 64 ngàn đồng/bình cho bình gas loại 45kg.

Như vậy, chỉ riêng với loại nhiên liệu thiết yếu này, người tiêu dùng đã phải chi từ 500-550 ngàn đồng trở lên cho 1 bình gas tùy loại. So với tháng 5-2021, người tiêu dùng phải chi thêm khoảng 120 ngàn đồng/bình gas loại 12kg.

Điều đáng lo ngại là câu chuyện giá xăng hay giá gas chỉ là ví dụ cho những khó khăn của doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng ở thời điểm hiện tại - khi tất cả đang ở trong một áp lực “kép”: vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa lo tái sản xuất và phục hồi kinh tế.

Xăng, gas tăng giá là do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nhiên liệu thế giới, nhưng các loại nguyên vật liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất cũng đang tăng giá rất mạnh và gây sức ép không nhỏ lên doanh nghiệp: thức ăn chăn nuôi, sắt, thép, xi măng, phân bón, nguyên phụ liệu hóa chất… cũng đã và đang tăng giá. Nguyên nhân là do giá nhiều mặt hàng đầu vào trên thế giới tăng cao vì nhiều lý do: chuỗi cung ứng gặp khó, sụt giảm sản xuất dẫn đến nguồn cung yếu ở nhiều mặt hàng, khủng hoảng nhiên liệu tại nhiều quốc gia… Với một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu như Việt Nam thì một thay đổi nhỏ về giá nguyên vật liệu cũng sẽ gây những tác động khá lớn đến chi phí sản xuất và góp phần “đẩy” giá hàng hóa lên cao.

Câu hỏi đặt ra là, với làn sóng tăng giá mà nguyên nhân đến từ thế giới - nghĩa là những nguyên nhân mà Việt Nam không thể kiểm soát được - thì có giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn đủ mọi mặt như hiện nay không? Và Chính phủ đã có những chuẩn bị gì cho thời gian sắp tới nếu lạm phát nguyên liệu đầu vào gây sức ép lên giá hàng hóa đầu ra và càng đẩy mức lạm phát chung tăng lên, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn là một nguy cơ lớn?

Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, giải pháp khả thi nhất hiện tại có lẽ vẫn là những chính sách hỗ trợ sát sườn, trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thông thường, khi gặp khủng hoảng, các Chính phủ sẽ đề ra các gói cứu trợ kinh tế cụ thể cho các ngành bị ảnh hưởng lớn và nếu cần, sẽ có một gói hỗ trợ kinh tế chung có tính “đòn bẩy” giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tồn tại, phát triển. Tùy theo quốc gia, các gói hỗ trợ có thể có độ lớn từ 1-8% so với GDP quốc gia và theo tính toán sơ bộ, tổng quy mô các gói cứu trợ kinh tế của Việt Nam đang nằm ở mức khoảng 3% so với GDP. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan có quy mô gói hỗ trợ dịch bệnh tương đương 11,4% GDP, Malaysia khoảng 5,3% GDP, thì mức hỗ trợ của Việt Nam vẫn ở mức thấp và Chính phủ đang nghiên cứu để sớm có những gói hỗ trợ bổ sung. Hy vọng trong thời gian rất ngắn sắp tới, những gói hỗ trợ này sẽ nhanh chóng được triển khai để cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung được tiếp thêm sức để phục hồi.

 

Kim Ngân

Tin xem nhiều