Báo Đồng Nai điện tử
En

Vận tải hàng hóa gặp khó với giá xăng dầu

10:11, 05/11/2021

Khoảng 2 tháng trở lại đây, giá bán lẻ xăng dầu liên tục tăng cao. Mới đây nhất, vào cuối tháng 10-2021, giá xăng RON95 được điều chỉnh tăng lên mức 24.338 đồng/lít, dầu diesel là 18.716 đồng/lít đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Khoảng 2 tháng trở lại đây, giá bán lẻ xăng dầu liên tục tăng cao. Mới đây nhất, vào cuối tháng 10-2021, giá xăng RON95 được điều chỉnh tăng lên mức 24.338 đồng/lít, dầu diesel là 18.716 đồng/lít đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng “mất ăn mất ngủ” khi chi phí xăng dầu bị đội lên nhưng không thể tăng cước ngay.

Giá xăng dầu tăng cao khiến ngành vận tải lao đao. Trong ảnh: Xe lưu thông trên quốc lộ 51 đoạn qua khu vực Cổng 11 (TP.Biên Hòa)
Giá xăng dầu tăng cao khiến ngành vận tải lao đao. Trong ảnh: Xe lưu thông trên quốc lộ 51 đoạn qua khu vực Cổng 11 (TP.Biên Hòa)

Có gần 15 xe chuyên chạy chở hàng Nam - Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Quang Phát (TP.Biên Hòa) Bùi Ngọc Quang cho rằng, giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh tác động đến việc kinh doanh của hàng loạt DN vận tải hàng hóa vốn đã rất khó khăn trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải.

Theo lý giải của ông Quang, khi xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít, tỷ lệ này tăng lên khoảng 50% với giá thành vận tải. DN có lượng xe lớn, chạy nhiều sẽ mất khoản chi phí lớn cho nhiên liệu nhưng tăng giá cước vận chuyển không phải là điều dễ dàng khi các hợp đồng đã ký. Chưa kể, nếu tăng giá lên ngay, nhiều khách hàng dễ phản ứng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh.

“DN có thể xin tăng giá cước để bù lỗ nhưng chúng tôi không thể làm thế vì nhiều tháng qua dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng cả DN lẫn khách hàng. Nếu tăng giá cước lúc này thì khả năng mất khách hàng rất lớn, chưa kể giá cước vận chuyển đã được ký kết trước đó nên buộc chúng tôi phải cố gắng chấp nhận” - ông Quang nói.

Nhiều DN cho rằng, giá xăng dầu tăng mạnh tại thời điểm này là cú sốc nặng nề đối với các DN logistics và vận tải. Bên cạnh lỗ chi phí, vấn đề lớn nhất là tiền vay ngân hàng. Trước tình hình như vậy, nếu không giãn nợ được hay có chính sách phù hợp để hỗ trợ thì rất khó để vực dậy ngành vận tải sau thời gian dài hoạt động gián đoạn.

Đại diện một DN vận tải cho biết, ngay cả trong đợt bùng phát dịch Covid-19, DN chịu nhiều chi phí phòng, chống dịch nhưng chủ hàng cũng không đồng ý tăng giá cước. DN đang trong cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh các chi phí đầu vào vẫn phải giữ nguyên, trong khi vẫn phải chịu nhiều chi phí, việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến DN phải tính toán vào cơ cấu giá thành vận tải mới tiếp tục hoạt động.

Hải Dương

 

Tin xem nhiều