Báo Đồng Nai điện tử
En

Chìa khóa để hội nhập

08:12, 13/12/2021

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, nguồn gốc bất hợp pháp... là những vấn đề mà các nước nhập khẩu hàng hóa thường áp dụng,...

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, nguồn gốc bất hợp pháp... là những vấn đề mà các nước nhập khẩu hàng hóa thường áp dụng, có những điều khoản ràng buộc tại các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Do đó, doanh nghiệp (DN) cần chủ động tìm hiểu, nắm vững và tuân thủ các quy định về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ... để hội nhập và ứng phó kịp thời khi có tranh chấp thương mại xảy ra. Hiện nay, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu... đang là những thị trường xuất khẩu chính của Đồng Nai.

Trong đó, các nhóm hàng, mặt hàng chủ lực của tỉnh xuất khẩu vào những thị trường nói trên như: giày dép, dệt may, xơ sợi, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng, máy tính, điện tử và linh kiện, sản phẩm gỗ…

Khi ngày càng tiếp cận với các thị trường xuất khẩu lớn, tham gia hội nhập sâu rộng thì đi kèm với những lợi thế, cơ hội trong xuất khẩu, các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa ở địa phương sẽ đối mặt nhiều hơn với các vụ điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Trên thực tế, những năm gần đây, vấn đề phòng vệ thương mại đã được “nhắc đi nhắc lại” khá nhiều, đặc biệt là giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện số lượng DN quan tâm, tìm hiểu và nhận thức kỹ về vấn đề này vẫn còn khá khiêm tốn.

Các quy định, quy tắc về phòng vệ thương mại, xuất xứ hàng hóa được ví như chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa cho hàng hóa trong nước thâm nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, cũng như cạnh tranh sòng phẳng khi tham gia các FTA như: FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Vì vậy, bên cạnh việc các DN phải chủ động hơn trong tiếp cận và tuân thủ các quy định về phòng vệ thương mại, xuất xứ hàng hóa thì các ngành chức năng và địa phương cũng cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình kết nối, tập huấn DN, nhất là các DN nhỏ và vừa nắm bắt, hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại.

Từ đó, sẽ giúp các DN tự bảo vệ được mình trên sân chơi hội nhập, chú trọng tính minh bạch, chuyên nghiệp và sòng phẳng trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ từ nguồn nguyên vật liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra… Đồng thời, giảm thiểu các nguy cơ, vi phạm liên quan đến phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ có thể gây cản trở hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng xuất khẩu trong nước nói chung và ở địa phương nói riêng…       

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều