Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy định cần thiết thì không thể chần chừ

09:12, 17/12/2021

Quy định bắt buộc lắp camera giám sát hành trình cho xe tải nặng và xe khách từ 9 chỗ trở lên được Chính phủ quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe ô tô.

Quy định bắt buộc lắp camera giám sát hành trình cho xe tải nặng và xe khách từ 9 chỗ trở lên được Chính phủ quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng xe ô tô. Theo đó, yêu cầu trước ngày 1-7-2021, ô tô KDVT hành khách từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera giám sát hành trình vận tải.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân còn thiếu tiêu chuẩn về camera, chi phí lắp camera tăng cao nên Chính phủ đã cho doanh nghiệp (DN) vận tải lùi thời hạn lắp camera đến ngày 31-12-2021. Đến ngày 4-11-2021, Bộ KH-CN cũng đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia về camera, giá lắp đặt camera cũng được kéo giảm đáng kể từ 10-12 triệu đồng/xe, xuống còn 3-5 triệu đồng/xe. Đến nay, chỉ còn hơn 10 ngày nữa là hết hạn bắt buộc lắp đặt camera giám sát đối với xe KDVT, nhưng tại Đồng Nai số phương tiện đã lắp đặt rất thấp, chưa tới 10% trên tổng số 10 ngàn xe thuộc diện phải lắp camera giám sát vận tải. Cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nguy cơ chậm tiến độ lắp camera giám sát hành chính cho các phương tiện KDVT quy định tại Nghị định 10 ở Đồng Nai là rất cao.

Trong khi đó, các ngành chức năng và DN đều thấy rõ lợi ích của việc lắp camera giám sát hành trình đối với phương tiện KDVT như xe tải nặng và xe khách trong việc giúp ngành chức năng và DN giám sát được hình ảnh trên xe bao gồm cả lái xe, cửa lên và xuống, khoang hành khách. Mọi dữ liệu, hình ảnh trong suốt quá trình xe tham gia lưu thông sẽ được truyền về máy chủ của DN kinh doanh và Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định. Hình ảnh ghi lại từ camera giám sát không chỉ giúp DN kiểm soát được hoạt động của tài xế và các nhân viên, mà còn giúp ngành chức năng kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật giao thông đường bộ như: không chấp hành tín hiệu đèn giao thông; chạy lấn làn, vượt ẩu; nghe điện thoại trong khi lái xe; chở khách quá số người quy định…, từ đó có cơ sở để xử lý vi phạm giao thông. Đặc biệt, thông qua hình ảnh camera giám sát ghi lại sẽ giúp cơ quan nhà nước có các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông, giảm thiểu được thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.

Vì vậy, việc lắp camera giám sát hành trình cho xe tải nặng và xe khách từ 9 chỗ trở lên là hết sức cần thiết, không thể chần chừ, nhất là khi tình hình tai nạn giao thông liên quan đến xe tải nặng và xe khách vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi nhiều tỉnh, thành đang tăng tốc phục hồi kinh tế, nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán tăng cao.

Để quy định lắp camera giám sát hành trình cho xe tải nặng và xe khách từ 9 chỗ trở lên được triển khai thực hiện đúng tiến độ thì công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa để DN thấy nhiều lợi ích hơn sự bất tiện và tốn kém mà đồng lòng thực hiện lắp camera theo quy định. Song song đó, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN đẩy nhanh tiến độ gắn camera cho các phương tiện KDVT. Ngoài ra, công tác xử phạt vi phạm hành chính với những trường hợp vi phạm cần được thực hiện nghiêm để ngày càng có nhiều DN chấp hành quy định lắp camera giám sát hành trình vận tải, góp phần tăng cường theo dõi, giám sát lái xe, bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao chất lượng vận tải.  

Đặng Ngọc

 

Tin xem nhiều