Báo Đồng Nai điện tử
En

'Trải thảm' mời doanh nghiệp đầu tư cảng

07:03, 16/03/2022

Nhìn một cách tổng thể, giai đoạn 5 năm tới có lẽ sẽ là giai đoạn Đồng Nai phát triển mạnh mẽ và có sự thu hút đầu tư sôi động nhất trên lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Nhìn một cách tổng thể, giai đoạn 5 năm tới có lẽ sẽ là giai đoạn Đồng Nai phát triển mạnh mẽ và có sự thu hút đầu tư sôi động nhất trên lĩnh vực hạ tầng giao thông. Sức lan tỏa của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã cho thấy tiềm năng lớn về nhu cầu dịch vụ trong các vùng đô thị xung quanh sân bay: dịch vụ kho bãi, logistics, xuất nhập khẩu, công nghiệp, tài chính, bảo hiểm, khu dân cư...

Để khai thác được tất cả những tiềm năng đó, ngoài hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt (đã và đang được Chính phủ lẫn tỉnh Đồng Nai triển khai lần lượt), thì vận tải đường thủy cũng cần được đầu tư xứng đáng. Vì vậy, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ để “trải thảm” mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cảng biển, mở rộng giao thông đường thủy, tạo đột phá cho kinh tế - xã hội.

Điều này cũng xuất phát từ một thực tế là với nguồn vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD, ngân sách nhà nước khó có “gồng gánh” việc đầu tư hệ thống cảng. Do đó, nhiều năm nay, việc tìm cách thu hút và huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực này rất được quan tâm.

Theo tính toán, trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần khoảng 313 ngàn tỷ đồng để đầu tư cảng biển, trong đó 95% vốn đầu tư huy động từ các doanh nghiệp. Vốn ngân sách nhà nước sẽ chỉ tập trung vào hạ tầng công cộng, những công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn để thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trên.

Theo Bộ GT-VT, thời gian qua, hầu hết các cảng biển đều được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Nguồn vốn huy động ngoài ngân sách để đầu tư cho hệ thống cảng biển tại Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ, lên đến hàng tỷ USD. Với sự tham gia của các hãng tàu lớn trên thế giới, hàng loạt cảng liên doanh ra đời đã làm thay đổi bộ mặt hệ thống cảng biển Việt Nam, điển hình là các cảng biển trên khu vực sông Cái Mép - Thị Vải…  Hệ thống cảng biển chuyên dùng cũng thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách đáng kể so với việc hình thành cảng cụm công nghiệp hiện đại, có quy mô lớn (Vũng Áng - Sơn Dương, Dung Quất, Trà Vinh…).

Để thu hút được nguồn vốn này, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn xã hội khác, ban hành chính sách ưu đãi trong hoạt động kinh doanh, khai thác cảng biển. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế thới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển (nguồn: Bộ GT-VT).

Là địa phương có nhiều tiềm năng lớn, Đồng Nai đã cho rà soát lại các dự án về cảng biển tại H.Long Thành, H.Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa và với những chủ đầu tư không đủ khả năng thực hiện hoặc cố tình kéo dài, quá thời hạn quy định sẽ bị thu hồi dự án để giao cho các nhà đầu tư khác đủ năng lực triển khai. Ngược lại, các nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án sẽ được tạo mọi điều kiện tốt để đầu tư. Điều này thể hiện quyết tâm lớn trong việc hình thành và phát triển hệ thống cảng nói riêng và đồng bộ hạ tầng giao thông nói chung mà tỉnh đang hướng tới trong tương lai gần.

 Vi Lâm

Tin xem nhiều