Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệ phóng để doanh nghiệp vươn xa

03:04, 15/04/2022

Với nhiều doanh nghiệp (DN), để phát triển lớn mạnh, nhảy vọt cùng một lúc là điều rất khó khăn. Gầy dựng thương hiệu ở thị trường trong nước để vươn ra thế giới là giải pháp chung của nhiều DN.

Với nhiều doanh nghiệp (DN), để phát triển lớn mạnh, nhảy vọt cùng một lúc là điều rất khó khăn. Gầy dựng thương hiệu ở thị trường trong nước để vươn ra thế giới là giải pháp chung của nhiều DN.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh coi thị trường nội địa là bệ phóng để doanh nghiệp lớn mạnh
Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh coi thị trường nội địa là bệ phóng để doanh nghiệp lớn mạnh. Ảnh: Đ.LÊ

Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh (TP.Biên Hòa) luôn giữ tâm niệm “tiến chậm mà chắc”. Làm tốt việc cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa là cơ sở để DN này xây dựng tiềm lực trước khi sẵn sàng xuất khẩu trực tiếp.

Theo chị Trịnh Thị Uyên Phương, Giám đốc công ty, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đối tác và thị trường, DN đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng cho hệ thống máy móc hiện đại; đồng thời, có nhu cầu tuyển thêm khoảng 200 lao động sản xuất các sản phẩm gỗ. Chị Phương nhận định rằng, muốn bán hàng trực tiếp ra nước ngoài đạt hiệu quả thì cần phải làm tốt thị trường nội địa. Trước mắt, DN vẫn thực hiện phương châm “tiến chậm mà chắc”, gia công sản phẩm cho các đối tác lớn chuyên về xuất khẩu cũng là cách để học hỏi thêm kinh nghiệm, gia tăng thực lực trước khi vươn mình, trực tiếp xuất hàng đi nước ngoài.

“Làm ăn với đối tác nước ngoài rất phức tạp nên phải cẩn trọng. DN cần có người am hiểu các quy định, thông lệ kinh doanh quốc tế. Đã từng có những trường hợp DN Việt làm ăn trực tiếp với nước ngoài khi có sự cố thì DN Việt luôn chịu phần thiệt. Để phát triển lớn mạnh, trong tương lai chúng tôi sẽ từng bước khắc phục điều này” - chị Phương chia sẻ”.

Trong thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh vừa qua, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thiên Triều An, DN chuyên sản xuất đồ uống ở Đồng Nai, có những khó khăn nhất định. Nhưng trong khó khăn, Giám đốc công ty Đặng Trần Hoàng Thụy chia sẻ, DN đã có những nỗ lực để trụ vững và phát triển. Là đơn vị địa phương nên địa phương cũng là thị trường tiêu thụ đầu tiên. DN đã trực tiếp mở rộng khâu phân phối đến đông đảo công nhân lao động tại các khu công nghiệp và xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho họ; đầu tư sản phẩm mới, trong đó có các sản phẩm nâng cao sức đề kháng, miễn dịch cho cơ thể.

“Công ty luôn chú trọng đầu tư hệ thống trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại làm cơ sở để tạo ra những sản phẩm thức uống bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe, được người tiêu dùng đón nhận như: nước ép Ever, yến Ever, Ever mật ong chanh sả gừng, nước suối Ever...” - ông Đặng Trần Hoàng Thụy cho biết.

Cũng theo ông Thụy, từ nhu cầu thị trường nội địa, DN đã hợp tác với một đơn vị cùng ngành từ Thái Lan để cung ứng sản phẩm mới. Từ đó có các kế hoạch phát triển dài hơi cho giai đoạn sau.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển, có thể bổ sung một phần, thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Hiện gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD/ngày. Với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu mới nổi sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn mà còn chất lượng hơn. Sản xuất hàng hóa chất lượng hơn cho thị trường trong nước chính là bệ phóng để các DN tiến ra thị trường quốc tế.

Đào Lê

Tin xem nhiều