Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần tính toán hợp lý tăng lương tối thiểu vùng

09:04, 03/04/2022

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa có phiên họp đầu tiên về lương tối thiểu vùng. Trong phiên họp này, đại diện người lao động và đại diện của chủ sử dụng lao động đã thảo luận, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho các phương án tăng lương tối thiểu.

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa có phiên họp đầu tiên về lương tối thiểu vùng. Trong phiên họp này, đại diện người lao động (NLĐ) là Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thảo luận, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho các phương án tăng lương tối thiểu. Theo đó, Tổng liên đoàn đã đưa ra đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ từ ngày 1-7-2022.

Công nhân Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc
Công nhân Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: L.MAI

Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong năm nay đang được NLĐ trong cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng quan tâm và chờ đợi. Bởi theo nhiều NLĐ, mức lương hiện tại còn thấp, trong khi giá cả thị trường ngày càng leo thang khiến cuộc sống NLĐ khá khó khăn.

* Lương phải đảm bảo mức sống của NLĐ

Theo thông lệ, lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 1-1 hằng năm, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, 2 năm qua, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN), NLĐ không được tăng lương. Đến thời điểm này, khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, việc tăng lương tối thiểu vùng không nên tiếp tục trì hoãn. Việc tăng lương sẽ có lợi cho cả đôi bên, lao động có thêm tiền trang trải sinh hoạt và DN dù có tăng chi phí song lại giữ được nguồn nhân lực ổn định.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách - pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, 2 năm qua, lương tối thiểu vùng vẫn áp dụng theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, áp dụng bắt đầu từ ngày 1-1-2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, lương tối thiểu vùng vẫn có thể điều chỉnh trước mốc thời gian trên, vì tình hình dịch bệnh đã có những diễn biến tích cực. Ngoài ra, trong lịch sử, đã có nhiều lần tiền lương tối thiểu được điều chỉnh và áp dụng vào giữa năm nên cần điều chỉnh sớm lương tối thiểu vùng để áp dụng cho cả 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Công nhân Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc
Công nhân Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: L.MAI

Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn trong năm 2021 cho thấy, 21% NLĐ phải ăn nhiều mì tôm, hơn 48% lao động phải giảm lượng thịt hằng ngày, 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp, 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa, 60% tiết kiệm các khoản chi, 11% phải vay mượn tiền của người thân và 0,3% lao động vay lãi suất cao, “tín dụng đen” hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp với trên 1,2 triệu lao động làm việc trong và ngoài khu công nghiệp. Những năm qua, công nhân lao động Đồng Nai đã đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với các chính sách chăm lo của tỉnh, của tổ chức Công đoàn, DN, đa số NLĐ đều mong lương tối thiểu vùng trong năm nay nhanh chóng được điều chỉnh, áp dụng để NLĐ an tâm làm việc, gắn bó với địa phương. Ngoài ra, NLĐ mong muốn tỉnh sẽ có thêm các chính sách về nhà ở, nơi gửi trẻ, thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu cấp thiết của NLĐ.

Chia sẻ khó khăn với NLĐ, song đại diện VCCI cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng cần phải tính toán kỹ trong bối cảnh DN vẫn cần phục hồi sau đại dịch. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho biết, các DN đang tập trung ưu tiên khôi phục sản xuất, phục hồi sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh. Hai năm qua, lương tối thiểu vùng không tăng, vì vậy, việc tăng lương là nguyện vọng chính đáng của NLĐ. Song nếu tăng lương cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng, hợp lý và lâu dài.

Để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023, từ ngày 1-4, Bộ LĐ-TBXH bắt đầu điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu tại 18 địa phương, trong đó có Đồng Nai. Theo đó, sẽ có 2 ngàn DN được chọn điều tra lần này thuộc nhóm ngành nghề sản xuất kinh doanh như: nông lâm ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ… DN được điều tra có quy mô từ dưới 100 lao động đến trên 300 lao động. Các nội dung chính được tìm hiểu ở DN là quỹ tiền lương theo công việc hoặc chức danh, quỹ phụ cấp lương, quỹ tiền thưởng, chi phí tuyển dụng đào tạo...

* Nhiều NLĐ mong chờ

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều lao động phải ngừng việc, nghỉ việc và giảm thu nhập dẫn đến đời sống gặp rất khó khăn. Nhiều lao động dù đã quay lại thị trường lao động nhưng vẫn phải mất một quá trình lao động tích cực lâu dài mới có thể cải thiện cuộc sống như trước đây. Do đó, nhiều NLĐ rất mong chờ được tăng lương trong thời gian tới. Theo nhiều công nhân và cán bộ Công đoàn, do 2 năm qua chưa được tăng lương tối thiểu vùng nên ảnh hưởng nhiều đến tiền lương, thu nhập của NLĐ vì mức lương hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Nhiều lao động phải tăng ca thường xuyên mới đảm bảo nhu cầu cuộc sống xa quê.

Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của Covid-19 nên lương tối thiểu vùng đã lỡ hẹn với NLĐ và được thực hiện theo mức lương cũ. Cụ thể, mức 4,42 triệu đồng/tháng đối DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; mức 3,92 triệu đồng/tháng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; mức 3,43 triệu đồng/tháng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III và mức 3,07 triệu đồng/tháng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. Nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở đang đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng phải từ 10-25% để bù đắp cho 2 năm qua không được tăng và đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Anh Lê Văn Thiện, làm việc tại Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu) cho biết, anh và vợ đều làm cho công ty này đã trên 4 năm. Thu nhập của hai vợ chồng được gần 13 triệu đồng/tháng kể cả tiền tăng ca. Với mức thu nhập này, vợ chồng anh phải chi tiêu rất tiết kiệm để đảm bảo được cuộc sống của gia đình 4 người.

“Chỉ riêng tiền đóng học cho hai con nhỏ đã gần 3 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhà trọ và điện nước 1,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền chi tiêu hàng ngằy, tiền sữa cho con và các khoản phát sinh khác. Hơn 4 năm đi làm, vợ chồng tôi không tích lũy được gì. Nay giá cả thị trường gia tăng, vợ chồng tôi còn phải tính toán chi li hơn. Do đó, gia đình tôi rất trông chờ vào việc tăng lương tối thiểu vùng sớm” - anh Thiện chia sẻ.

Tương tự, công nhân Lê Thị Ngọc, làm việc tại Công ty TNHH Quadrille Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho hay, gia đình chị đang thuê phòng trọ giá rẻ tại KP.4, P.Long Bình với mức 900 ngàn đồng/phòng. Mặc dù phòng trọ nhỏ hẹp và rất nóng bức nhưng nếu muốn thuê phòng rộng rãi hơn thì thu nhập không đủ chi trả.

“NLĐ nếu muốn đủ chi tiêu phải tăng ca hằng tuần, nhưng không phải lúc nào cũng đủ sức khỏe để tăng ca. Chưa kể, hiện mọi thứ đều tăng giá nhưng lương không tăng khiến đời sống NLĐ ngày càng khó khăn hơn. Tôi chỉ mong Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng để chia sẻ bớt khó khăn của NLĐ” - chị Ngọc bày tỏ.

Thực tế, thời gian qua, nhiều NLĐ đã bỏ làm công nhân để về quê lập nghiệp. Đó là một trong những lý do khiến nhiều DN đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất.

* Nhanh chóng điều chỉnh lương cho NLĐ

Mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ tỉnh đã tổ chức khảo sát, đánh giá về tình hình lao động tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của NLĐ trong các DN trên địa bàn tỉnh. Việc khảo sát nhằm nắm bắt các thông tin, số liệu chuẩn bị cho phương án đề xuất để thương lượng, đàm phán tại Hội đồng Tiền lương quốc gia về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2022. Bên cạnh đó, đánh giá tình hình lao động, tiền lương, chi tiêu, đời sống NLĐ và tác động của việc thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các DN năm 2022.

Công nhân Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss (H.Trảng Bom) chuyên tâm với công việc
Công nhân Công ty hữu hạn Công nghiệp Boss (H.Trảng Bom) chuyên tâm với công việc

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc khảo sát được thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố có đông lực lượng lao động công nghiệp làm việc trong các loại hình DN đại diện 4 vùng lương tối thiểu trong cả nước.

Là một trong những DN được Tổng LĐLĐ Việt Nam về khảo sát, đại diện Công đoàn Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho biết, công ty hiện có trên 1,3 ngàn lao động. Thời gian qua, DN và Công đoàn luôn quan tâm cải thiện đời sống NLĐ như thưởng hằng năm và các chính sách hỗ trợ khác. Tuy nhiên, qua khảo sát NLĐ cho thấy, hiện lương tối thiểu vùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Chẳng hạn như ở TP.Biên Hòa, lương tối thiểu vùng hiện nay chỉ 4,42 triệu đồng/người/tháng thì không thể đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Để giữ chân lao động, thời gian qua, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tăng lương cho NLĐ hằng năm dựa trên doanh thu và lợi nhuận của các DN. Song con số này hiện vẫn còn ít so với số đông NLĐ đang sống và làm việc tại Đồng Nai.

Nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở cho rằng hiện mức lương bình quân của NLĐ chỉ được khoảng trên 7 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này, NLĐ không thể đủ chi tiêu cho chính mình trong tháng chứ đừng nói đến chuyện nuôi con hay tích lũy. Vì thế, NLĐ phải làm thêm rất nhiều để tăng thu nhập. Từ thực tế đó cho thấy, đa phần NLĐ đều mong muốn Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng vì hiện các DN đều xây dựng thang, bảng lương dựa trên mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định.

 Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhận định, công nhân lao động là nhân tố quan trọng cho việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm qua, đại dịch đã có tác động rất lớn đến tính mạng, sức khỏe, việc làm, thu nhập, đời sống của NLĐ. Lương tối thiểu vùng của NLĐ không tăng khi chỉ số giá tiêu dùng tăng dẫn đến thu nhập thực tế của NLĐ giảm khoảng 10% so với năm 2019. NLĐ đã phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu, sử dụng đến khoản tiền tích lũy ít ỏi để đương đầu với những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống hằng ngày. Cùng với những lo lắng về bữa cơm, NLĐ còn lo lắng, bất an, sợ hãi trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi phải sống trong những khu nhà trọ chật chội, không đảm bảo điều kiện sống, an ninh, lo lắng về việc học hành, an toàn, chăm sóc con cái…

Cũng theo ông Nguyễn Đình Khang, những nỗ lực chăm lo của tổ chức Công đoàn đã giúp đoàn viên, NLĐ vượt qua khó khăn của đại dịch, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực duy trì chuỗi cung ứng, phục hồi sản xuất, kinh doanh DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch, đã xuất hiện trường hợp NLĐ buộc phải chọn các hành vi tiêu cực như: tham gia vào “tín dụng đen”, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội hoặc chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần… Nhiều NLĐ sau khi về quê tránh dịch đã không trở lại thành phố, khu công nghiệp. Tất cả những lý do trên đã tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực, gián tiếp ảnh hưởng đến việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Lan Mai 


Ông NGUYỄN ĐÌNH KHANG, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Giải quyết thật thuận lợi những chính sách trực tiếp hỗ trợ NLĐ

Để phục hồi và phát triển kinh tế theo chủ chương của Đảng, Nhà nước, bên cạnh các chính sách, gói hỗ trợ, các chính sách tài khóa, rất cần các giải pháp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, trực tiếp là chăm lo, hỗ trợ NLĐ. Ngoài ra, tập trung giải quyết thật thuận lợi những chính sách trực tiếp hỗ trợ NLĐ đã được ban hành như: chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, chi trả các chế độ, quyền lợi cho NLĐ liên quan đến Covid-19…

Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế bắt đầu hồi phục, Hội đồng Tiền lương quốc gia cần sớm thống nhất, đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng; đồng thời, có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và NLĐ. Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi nghề nhằm bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt cho thị trường lao động.

Luật sư VŨ NGỌC HÀ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (LĐLĐ tỉnh):

Tăng lương tối thiểu vùng là nhu cầu hết sức cấp thiết của NLĐ

Có hai vấn đề NLĐ hiện nay quan tâm đó là tăng lương và tăng giờ thêm. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, mức lương tối thiểu vùng chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu cuộc sống NLĐ. Vì vậy, NLĐ cần tăng ca nhiều để bù đắp những khoản thu nhập chưa đủ đáp ứng cuộc sống hằng ngày. Giai đoạn hiện nay, đời sống của NLĐ càng khó khăn hơn khi chi phí sinh hoạt tăng lên. Do đó, việc tăng lương tối thiểu vùng hiện nay là nhu cầu hết sức cấp thiết của những NLĐ làm việc tại các đơn vị, DN.

Trong thời gian tới, Chính phủ nên khảo sát cụ thể nhu cầu của NLĐ từng địa bàn cụ thể để điều chỉnh mức lương cho phù hợp. Còn mức lương tối thiểu vùng hiện nay rất lạc hậu so với nhu cầu tối thiểu của NLĐ.

Ông LÊ ĐỨC THỤY, Phó chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom:

Tăng lương bù đắp cho cuộc sống của NLĐ sau đại dịch

Tiền lương tối thiểu vùng là mức sàn thấp nhất để bảo vệ NLĐ yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ quan trọng để thỏa thuận tiền lương. Tuy nhiên, hiện nay thu nhập bình quân của NLĐ trong DN còn thấp, từ 7-8 triệu đồng/tháng/ người, trong đó tiền lương cơ bản DN trả cho NLĐ được tính dựa trên lương tối thiểu vùng chỉ khoảng 50% so với thu nhập. Để có thu nhập như trên NLĐ phải tăng ca rất nhiều.

Từ thực tế cuộc sống và thu nhập NLĐ, Nhà nước cần sớm tăng lương tối thiểu vùng và nếu có tăng thì phải tăng xứng đáng để bù đắp cho cuộc sống của NLĐ sau những ảnh hưởng của đại dịch.

Công nhân BÙI THỊ KIM LOAN (quê Hà Tĩnh) đang trọ tại KP.5, P.An Bình (TP.Biên Hòa):

Tăng lương để giảm bớt khó khăn cho NLĐ

Hơn 7 năm gắn bó và làm việc tại mảnh đất Đồng Nai nhưng đến nay, tôi vẫn chưa thể tích lũy được một số tiền phòng thân hay cuốn sổ tiết kiệm. Lý do là mức lương của NLĐ còn quá thấp. Nhiều lao động than thở, với giá cả leo thang như hiện nay, nếu cầm 300 ngàn đồng ra chợ cũng chỉ mua đồ ăn được vài ngày là hết.

Thực ra, mức lương của NLĐ nếu cả tăng ca cũng được hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng nếu tăng ca thường xuyên, sức khỏe của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ thời gian này là hợp lý để NLĐ giảm bớt khó khăn từ đại dịch. Thực tế, NLĐ muốn chia sẻ với DN nhưng nếu nhu cầu sống không đảm bảo, NLĐ khó có thể gắn bó với DN và bám trụ lâu dài với địa phương.

Thảo My(ghi)


 

Tin xem nhiều