Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ "nút thắt" đối với thu phí tự động không dừng

03:04, 25/04/2022

Mặc dù có nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động thu phí tự động không dừng (ETC) nhưng đến nay dịch vụ này vẫn còn những "nút thắt". Trong đó, trở ngại lớn nhất chính là tỷ lệ phương tiện dán thẻ và nạp tiền vào tài khoản ETC vẫn đang còn thấp...

Mặc dù có nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động thu phí tự động không dừng (ETC) nhưng đến nay dịch vụ này vẫn còn những “nút thắt”. Trong đó, trở ngại lớn nhất chính là tỷ lệ phương tiện dán thẻ và nạp tiền vào tài khoản ETC vẫn đang thấp hơn kỳ vọng.

Đồ họa thể hiện thông tin số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí không dừng trên địa bàn tỉnh. (Đồ họa: Hải Dương)
Đồ họa thể hiện thông tin số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí không dừng trên địa bàn tỉnh. (Đồ họa: Hải Dương)

Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến tháng 6-2022, tối thiểu 90% phương tiện trong cả nước được dán thẻ và sử dụng dịch vụ ETC.

* Chưa thuận lợi, nhiều người e ngại

Hiện trên thị trường có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ ETC là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (cung cấp thẻ Etag) và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (Viettel cung cấp thẻ ePass). Thời gian qua, Bộ GT-VT đã có nhiều giải pháp như đưa vào sử dụng hệ thống ETC tại tất cả các trạm thu phí BOT trong toàn quốc, nhưng đến nay tỷ lệ người dân dán thẻ và sử dụng dịch vụ này vẫn còn thấp.

Theo thống kê của Sở GT-VT trong tổng số gần 195 ngàn phương tiện trên địa bàn tỉnh thì mới có hơn 94 ngàn xe đã dán thẻ ETC. Trong đó, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC dán thẻ cho 41 ngàn phương tiện và Công ty CP Giao thông số Việt Nam dán thẻ cho 53 ngàn phương tiện.

Nói về nguyên nhân khiến chủ phương tiện chưa mặn mà với việc sử dụng dịch vụ ETC, ông Lê Văn Toại (ngụ xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) cho biết, đầu năm 2022, ông đăng ký trực tuyến trên hệ thống của Công ty CP Giao thông số Việt Nam để mở tài khoản cho dịch vụ này. Đến nay, ông vẫn chưa được phía công ty liên hệ lại để hướng dẫn. Sau đó, ông được nhiều người chỉ ra các cửa hàng, đại lý của Viettel làm nhưng khi đến nơi thì được thông báo hết thẻ.

Ông Toại cho biết thêm, muốn sử dụng dịch vụ ETC của doanh nghiệp (DN) này, chủ phương tiện phải đến Trạm thu phí BOT đường tránh TP.Biên Hòa (quốc lộ 1, đoạn qua xã Trung Hòa, H.Trảng Bom) để được hỗ trợ. Điều này rất bất tiện bởi quãng đường đi lại xa xôi, trong khi quy định trên chưa bắt buộc tất cả các chủ xe ô tô phải thực hiện nên người dân còn ngần ngại.

“Khi khách hàng đã đăng ký, nếu DN cung cấp dịch vụ cử nhân viên đến tận nhà dân để làm thì sẽ thuận lợi hơn. Từ đó, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ETC ngày một nhiều. Như hiện nay, chúng tôi tìm địa điểm để đăng ký, dán thẻ rất khó, nhất là ở khu vực nông thôn” - ông Toại nói.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, chủ một DN vận tải ở TP.Biên Hòa cho rằng, việc chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản giao thông sau đó trừ dần cũng chưa thực sự khuyến khích người dân sử dụng. Đối với DN vận tải có nhiều đầu xe, muốn sử dụng dịch vụ ETC phải đóng trước một số tiền không nhỏ trong khi hoạt động vận tải đang gặp khó khăn.

Theo ông Nam, khoảng 30% số phương tiện của DN đang sử dụng dịch vụ ETC của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC. Hiện tại, để tăng thêm đầu xe sử dụng dịch vụ ETC, DN rất khó tìm nơi mở tài khoản để dán thẻ. Trong quá trình di chuyển, nhiều lái xe phản ảnh, dù xe đã được dán thẻ đúng vị trí, di chuyển qua các trạm bằng ETC bình thường nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp lỗi không nhận thẻ Etag tại một số trạm BOT khác. Chưa kể, khi lưu thông qua một số tuyến đường cao tốc thì không thể sử dụng được do DN cung cấp dịch vụ không đồng bộ.

“Vị trí dán thẻ hiện chưa được suôn sẻ, nhiều lái xe chọn dán lên kính lái bên trong nên có thể hạn chế được việc bị bóc, bong tróc do thời tiết, hóa chất... Tuy vậy, nhược điểm là nếu xe dán phim cách nhiệt loại tráng phủ kim loại thì dễ bị nhiễu sóng, máy không thể đọc thẻ khi qua trạm. Vì vậy, với những xe dán phim cách nhiệt loại này, bắt buộc dán ở đèn xe nhưng ở đèn xe thì có thể ảnh hưởng đến khả năng quan sát” - ông Nam nói.

* Liệu có đảm bảo đúng tiến độ?

Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, sau 6 năm triển khai dịch vụ ETC, hiện cả nước mới có khoảng 2,7 triệu trên tổng số gần 5 triệu phương tiện được dán thẻ ETC (tính đến tháng 3-2022). Tính riêng trong năm 2022, tới thời điểm này, các nhà cung cấp dịch vụ mới dán thêm thẻ cho khoảng 200 ngàn xe; số phương tiện nạp tiền sử dụng dịch vụ đạt khoảng 60%.

Trạm thu phí BOT trên quốc lộ 51 (đoạn qua TP.Biên Hòa) hiện còn thu phí theo hình thức thủ công
Trạm thu phí BOT trên quốc lộ 51 (đoạn qua TP.Biên Hòa) hiện còn thu phí theo hình thức thủ công

Tại Đồng Nai, theo thống kê của Sở GT-VT, trong tổng số gần 195 ngàn phương tiện trên địa bàn thì có hơn 94 ngàn xe đã dán thẻ ETC, đạt gần 50%. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, đến tháng 6-2022, tối thiểu 90% phương tiện phải được dán thẻ và sử dụng dịch vụ ETC. Mốc thời gian không còn nhiều trong khi lượng phương tiện chưa sử dụng dịch vụ này còn rất lớn.

Ông Cao Hồng Cường, Trạm trưởng Trạm thu phí BOT đường tránh TP.Biên Hòa phân tích, chủ phương tiện chưa mặn mà với việc sử dụng ETC một phần do thói quen sử dụng tiền mặt vẫn phổ biến. Nhiều DN vận tải còn chưa thực sự hiểu rõ lợi ích của dịch vụ ETC nên không mạnh dạn sử dụng dịch vụ này.

Theo ông Cường, nhằm tạo điều kiện cho người dân sử dụng ETC, ngoài đăng ký tại trạm thu phí, hiện Công ty CP Giao thông số Việt Nam phối hợp với các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc để hỗ trợ khách hàng thực hiện các bước mở tài khoản, dán thẻ ePass khi tiến hành đăng kiểm phương tiện. DN đang miễn phí đăng ký tài khoản cho các chủ xe.

Đối với các phương tiện gặp sự cố khi qua trạm thu phí không dừng, ông Cường khuyến cáo, nếu phương tiện lưu thông quá nhanh, xe bám đuôi xe phía trước với khoảng cách quá gần dẫn đến việc cản tầm nhìn của hệ thống, không nhận diện được thẻ của phương tiện, khiến barrier không mở hoặc xe đang di chuyển thì barrier đóng lại. Do đó, lái xe cần chú ý tốc độ di chuyển qua làn ETC.

Đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cũng cho biết, đơn vị sẽ dán thẻ ETC tại các trung tâm đăng kiểm. Tài xế có thể tìm kiếm thông tin các địa điểm dán gần nơi cư trú, làm việc trên website của công ty hoặc qua đường dây nóng để được hỗ trợ.

Trước đó, trong Công điện số 155/CĐ-TTg ngày 22-2-2022 về việc đẩy nhanh tiến độ dán thẻ thu phí giao thông đường bộ điện tử không dừng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trên cả nước chỉ đạo việc dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí. Đồng thời, tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với xe ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1-6-2022.

Liên quan đến vấn đề này, Phó giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Bôn cho hay, Sở GT-VT đã có văn bản đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh và cán bộ có ô tô dán thẻ ETC.

Theo đó, Sở GT-VT đề nghị Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố cùng các cơ quan đoàn thể trên địa bàn chỉ đạo chủ phương tiện ô tô thuộc phạm vi quản lý (kể cả đơn vị trực thuộc) dán thẻ ETC để chở cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi qua các trạm thu phí.

Ngoài ra, Sở GT-VT cũng đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô, các đơn vị kinh doanh vận tải, trung tâm đăng kiểm, bến xe, doanh nghiệp BOT, công ty cung cấp dịch vụ ETC… trên địa bàn tỉnh tổ chức dán thẻ ETC đối với toàn bộ phương tiện thuộc diện thu phí do bộ ngành, địa phương quản lý.

Thanh Hải

Tin xem nhiều