Báo Đồng Nai điện tử
En

Sử dụng hiệu quả kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường

08:04, 23/04/2022

Những năm qua, vấn đề quản lý chất thải sinh hoạt được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm bởi chi phí vận chuyển và xử lý loại chất thải này là tiền ngân sách, người dân chỉ đóng phí thu gom. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, đồng thời bảo vệ môi trường và cuộc sống người dân là nhiệm vụ quan trọng.

Những năm qua, vấn đề quản lý chất thải sinh hoạt được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm bởi chi phí vận chuyển và xử lý loại chất thải này là tiền ngân sách, người dân chỉ đóng phí thu gom. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, đồng thời bảo vệ môi trường và cuộc sống người dân là nhiệm vụ quan trọng.

Xử lý chất thải sinh hoạt thành mùn vi sinh tại Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Ảnh: H.Lộc
Xử lý chất thải sinh hoạt thành mùn vi sinh tại Khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Ảnh: H.Lộc

Hiện nhiều doanh nghiệp dịch vụ môi trường chưa được trả đúng, trả đủ từ nguồn này.

* Nợ tiền xử lý chất thải

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình xử lý chất thải sinh hoạt, bà Lý Minh Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Tài Tiến, chủ đầu tư Khu xử lý (KXL) chất thải ở xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) cho biết, công ty đã hoàn thành xử lý rác tồn lưu tại bãi rác tạm theo hợp đồng ký kết từ năm 2016, nhưng đến nay chưa được thanh, quyết toán số tiền 65 tỷ đồng. Thêm vào đó, kinh phí xử lý chất thải sinh hoạt của H.Trảng Bom trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 là 32 tỷ đồng cũng chưa được thanh toán. Tổng số tiền công ty bị nợ là 97 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, năm 2018, công ty vẫn đầu tư dây chuyền phân loại và lò đốt chất thải sinh hoạt trị giá hơn 80 tỷ đồng để giảm tỷ lệ chôn lấp theo yêu cầu của tỉnh. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhà xưởng hơn 10 ngàn m2, dây chuyền và lò đốt để trống vì đơn giá trần UBND tỉnh phê duyệt là 496 ngàn đồng/tấn, trong khi chi phí theo tính toán của công ty là 1,2 triệu đồng/tấn. Công ty kiến nghị các ngành chức năng, địa phương thanh toán tiền nợ cho công ty, tính toán lại giá trần xử lý bằng phương pháp đốt.

Công ty CP Dịch vụ môi trường Sonadezi, chủ đầu tư KXL chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) cũng bị nợ tiền xử lý chất thải. Ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc công ty cho biết, năm 2021, H.Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa mới cho công ty ứng 70% phí xử lý chất thải sinh hoạt. Số tiền TP.Biên Hòa còn nợ là 25,6 tỷ đồng, H.Vĩnh Cửu còn nợ gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, từ tháng 7-2021 đến nay, công ty xử lý chất thải y tế lây nhiễm và chất thải sinh hoạt từ các khu cách ly y tế, khu vực phong tỏa trên toàn tỉnh nhưng chưa được thanh toán số tiền hơn 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp dịch vụ môi trường bị nợ tiền nên gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phúc Thiên Long kiến nghị thanh toán 30,7 tỷ đồng tiền xử lý rác tồn lưu trên địa bàn H.Long Thành từ năm 2016. Công ty TNHH Cù Lao Xanh kiến nghị H.Xuân Lộc thanh toán chi phí xử lý chất thải sinh hoạt từ năm 2019 đến nay là hơn 42 tỷ đồng; Công ty CP Dịch vụ môi trường Sonadezi kiến nghị UBND H.Vĩnh Cửu và UBND TP.Biên Hòa thanh toán tiền vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt hơn 111 tỷ đồng.

* Thanh, quyết toán cho doanh nghiệp

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho rằng, hiện có 3 khoản nợ chủ đầu tư KXL chất thải là: chi phí xử lý rác tồn lưu, chậm thanh toán tiền xử lý chất thải giai đoạn 2013-2018, chậm thanh toán chi phí xử lý chất thải hằng năm.

Về nợ chi phí xử lý rác tồn lưu, năm 2015, tỉnh triển khai dự án Xử lý bãi rác sinh hoạt tồn lưu trên địa bàn các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Nhơn Trạch và Long Thành. UBND tỉnh giao Sở TN-MT đấu thầu và ký hợp đồng với các công ty Tài Tiến, Phúc Thiên Long; trong đó, đơn giá là tạm tính và khối lượng theo thực tế. Do quá trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt đơn giá mất nhiều thời gian dẫn đến thanh toán chậm. Năm 2017, Thanh tra tỉnh có kết luận thanh tra toàn diện đối với chất thải rắn trên địa bàn Đồng Nai, đơn giá và khối lượng có sự điều chỉnh, các công ty không chấp thuận nên tỉnh dừng thanh toán. Số tiền nợ khoảng 62 tỷ đồng.

Về chậm thanh toán chi phí xử lý chất thải sinh hoạt giai đoạn 2013-2018, H.Long Thành hiện còn nợ hơn 3 tỷ đồng, H.Trảng Bom còn nợ 32,2 tỷ đồng. Nguyên nhân là do có sự điều chỉnh giá theo kết luận của Thanh tra tỉnh. Nội dung này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Tài chính rà soát định mức kỹ thuật, phương pháp xác định khối lượng, chi phí để có cơ sở thanh quyết toán cho các chủ đầu tư trong tháng 5-2022.

Về chậm thanh toán chi phí xử lý chất thải hằng năm, hiện các địa phương còn nợ hơn 180 tỷ đồng. Một số địa phương nợ nhiều là: Biên Hòa, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu.

Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, tỉnh tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng với các nhà đầu tư nhưng không rốt ráo thanh quyết toán phần việc họ đã làm, dẫn đến nợ tiền là không được. “Kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường có thiếu không? Tỉnh yêu cầu các KXL chất thải phải đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại để giảm chôn lấp chất thải, nhưng nợ, chậm thanh toán vài chục đến hàng trăm tỷ đồng thì doanh nghiệp còn đâu vốn hoạt động?” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, tiền xử lý chất thải nhà đầu tư không thể “treo” thêm nữa. Tỉnh phải xây dựng lộ trình chuyển sang đốt rác, định hướng công nghệ, xây dựng chu kỳ và mức giá đấu thầu phù hợp. Trên cơ sở đó mới yêu cầu KXL chuyển đổi công nghệ. Khi tổ chức đấu thầu lưu ý cùng loại công nghệ, cùng mức giá trần. Dự án rác xử lý chất thải là dự án mang tính chất lâu dài, do đó lựa chọn nhà đầu tư ban đầu phải chuẩn.

Ban Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích