Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có chính sách thu hút lao động chất lượng cao

02:05, 04/05/2022

Theo khảo sát của Bộ LĐ-TBXH tại các vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, các doanh nghiệp (DN) sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700 ngàn lao động và nhu cầu này sẽ tăng cao từ quý II, khi các DN bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất.

Theo khảo sát của Bộ LĐ-TBXH tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, các doanh nghiệp (DN) sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700 ngàn lao động. Nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao kể từ quý II-2022, khi các DN bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất.

Công nhân kỹ thuật cao vận hành máy tại Công ty TNHH Topbank Việt Nam (H.Long Thành). Ảnh: N.HÒA
Công nhân kỹ thuật cao vận hành máy tại Công ty TNHH Topbank Việt Nam (H.Long Thành). Ảnh: N.HÒA

Tuy nhiên, thị trường lao động tại một số địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được dự báo sẽ ngày càng khan hiếm, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này khiến nhiều DN đang gặp khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án lớn, đầu tư máy móc hiện đại để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

* Tuyển dụng khó khăn

Với việc ký kết các đơn hàng với đối tác nước ngoài đến năm 2023, Công ty Hữu hạn cơ khí động lực Toàn Cầu (H.Trảng Bom) đang liên tục tuyển dụng lao động tay nghề, lao động chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất tại DN. Từ đầu năm đến nay, mặc dù DN đã tuyển dụng được 600 lao động, song số lao động có tay nghề vẫn rất hạn chế. DN phải thực hiện một quá trình đào tạo nghề chuyên sâu cho người lao động (NLĐ) mới thích ứng với công việc.

Theo các chuyên gia về lao động, nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng hàng đầu trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế cần hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhân lực; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo những ngành nghề có nhu cầu cao và cấp thiết. Do đó, Chính phủ cần sớm có những giải pháp để ổn định và thu hút nguồn nhân lực cho các DN.

Đại diện công ty cho biết, với đặc thù DN chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp chính xác như khung, sườn xe cho các thương hiệu xe 2 bánh, xe đua công thức nổi tiếng nên đòi hỏi NLĐ có kỹ thuật rất cao. Ngoài ra, trong những năm qua, DN đã đầu tư nhiều loại máy hiện đại vào sản xuất nên rất cần đội ngũ lao động có tay nghề, có chất lượng. Song việc tuyển dụng rất khó khăn. Một số lao động có tay nghề thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh đã nghỉ việc nên gây nhiều khó khăn cho DN trong việc đào tạo lại lao động mới. Trong khi đối với lao động phổ thông, chưa qua học nghề việc vận hành các loại máy không hề dễ dàng.

Tương tự, Công ty TNHH Bosch Việt Nam Đồng Nai (H.Long Thành)  cũng đang tăng cường tuyển dụng lao động kỹ thuật cao bằng nhiều hình thức nhưng lao động rất khan hiếm. Là DN hàng đầu thế giới về công nghệ, kỹ thuật công nghiệp, hàng tiêu dùng và kỹ thuật xây dựng, lao động làm việc tại đây cũng đạt tay nghề giỏi mới có thể thích ứng nhanh với công việc và vận hành những cỗ máy hiện đại trong sản xuất.

Hiện hầu hết các DN tuyển công nhân chưa qua đào tạo, sau đó tổ chức đào tạo một số ngày ngay tại dây chuyền sản xuất theo kiểu cầm tay chỉ việc và tiếp tục vừa làm, vừa học. Mặt khác, kỹ năng làm việc của lao động đã qua đào tạo cũng không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đa số lao động có chuyên môn kỹ thuật khi được tuyển dụng đều được DN đào tạo lại, bổ sung kỹ năng mới.

Ông Đinh Văn Khoa, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Temuro BCT Việt Nam (H.Long Thành) cho hay, tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao ở các DN đang ngày một gia tăng, ảnh hưởng rất lớn đến sự đổi mới, phục hồi sản xuất của các DN và sự phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như tăng trưởng của các địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm ổn định và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DN. Điều này cần chính sách đào tạo nghề của tỉnh phù hợp với ngành nghề sản xuất thịnh hành hiện nay và thực tế sản xuất của các DN mới đảm bảo nguồn lực cho các doanh nghiệp.

* Quan tâm đào tạo nghề cho NLĐ

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, trong những năm gần đây, các DN trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến việc tăng cường nhân lực khoa học và kỹ thuật để có thể tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng nhu cầu nhân lực và sản xuất hàng hóa. Do đó, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu về khoa học kỹ thuật càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động chất lượng cao không hề dễ dàng, nhất là thời điểm dịch bệnh phức tạp trong 2 năm qua.

Công nhân Công ty TNHH Harada Việt Nam (TP.Biên Hòa) trong giờ sản xuất
Công nhân Công ty TNHH Harada Việt Nam (TP.Biên Hòa) trong giờ sản xuất

Thời gian qua, cùng với những chính sách đào tạo nghề của tỉnh, các DN tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để thu hút lao động có trình độ cao và lao động có tay nghề theo tiêu chuẩn, ngành nghề đang cần; đồng thời, trả lương và có các chế độ đãi ngộ tương xứng với vị trí việc làm, đài thọ chi phí và tạo điều kiện về thời gian để NLĐ tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Thế nhưng, nguồn lao động có trình độ, tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của DN. Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của thị trường lao động, nhiều DN đã bắt tay với cơ sở dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây được coi là phương thức nâng cao tay nghề hiệu quả nhất, đáp ứng chất lượng nguồn lực ổn định, đúng chuyên môn theo yêu cầu của từng DN.

Theo Bộ LĐ-TBXH, giai đoạn 2021-2030, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh triển khai đồng bộ các cơ chế, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho NLĐ. Riêng năm 2021, cả nước ước tuyển mới giáo dục nghề nghiệp gần 1,9 triệu người, tốt nghiệp học nghề theo trình độ đào tạo khoảng 1,66 triệu người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ trên 26%.

Đại diện Công ty TNHH Soltec Việt Nam (H.Nhơn Trạch) cho biết, từ đầu năm 2022, DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 40 lao động có trình độ, tay nghề cao chuyên về cơ khí để sản xuất ở các xưởng chủ chốt, xưởng làm các dự án quan trọng. Dù đưa ra các chính sách đãi ngộ rất tốt, mức lương cao nhưng vẫn chưa tuyển đủ số lượng lao động như mong muốn, ngay cả khi phải nhờ các đơn vị giới thiệu việc làm và đăng tuyển bằng nhiều hình thức. Hiện công ty có trên 200 lao động tay nghề kỹ thuật cao. Những lao động trẻ, chuyên cần sẽ cho qua công ty mẹ tại Nhật Bản học tập thêm kinh nghiệm, phục vụ việc sản xuất những dự án lớn của DN.

Bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao đang khiến các DN loay hoay không có lời giải. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, trong năm 2022, dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN ở tỉnh là hơn 130 ngàn người, trong đó cần khoảng 30 ngàn lao động có tay nghề, trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nghề… Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm, trung tâm đã tổ chức 6 sàn giao dịch việc làm với số lượng tuyển dụng lớn nhưng vẫn khan hiếm, các DN vẫn phải tìm lao động hoặc kết nối các trường nghề để cung cứng lao động.

Để nâng cao tay nghề cho NLĐ, Trung tâm Dịch việc làm Đồng Nai đã hỗ trợ NLĐ học nghề từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ được nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm cho biết, các lớp dạy nghề được mở vào buổi tối và các ngày cuối tuần với các nghề chủ yếu: sửa chữa thiết bị may, cơ khí hàn, cắt gọt kim loại, tin học, điện công nghiệp, ô tô và điện gia dụng, tiếng Anh, tiếng Nhật… Tuy nhiên, số lao động đăng ký học nghề rất hạn chế.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đang được Sở LĐ-TBXH triển khai từ năm 2021 đến nay. Sở LĐ-TBXH đã tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể về thủ tục, hồ sơ để DN nắm chắc các quy định về chính sách, tạo điều kiện cho NLĐ đi học, nâng cao tay nghề. Vì thực tế, khi DN chuyển đổi ngành nghề phù hợp sau dịch rất cần có đội ngũ lao động tay nghề giỏi, thích ứng nhanh. Tuy nhiên, để chính sách này mang lại hiệu quả, các DN phải có phương án phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề phù hợp từng vị trí công việc để duy trì việc làm cho NLĐ, đáp ứng nhu cầu nhân lực của DN.

Đầu năm 2022, Bộ LĐ-TBXH đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022. Theo Bộ LĐ-TBXH, khó khăn lớn nhất hiện nay với các DN là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Những ngành nghề có công nghệ thấp, không cần lao động chất lượng cao thì có được ngay nguồn lao động nhưng với các ngành nghề công nghệ cao, kỹ thuật cao đòi hỏi thời gian phục hồi và cần lực lượng lao động chất lượng cao.

Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và hội nhập; tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ cho phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN, bảo đảm thích ứng với điều kiện sản xuất mới.

Nguyễn Hòa


Ông NGUYỄN VĂN TIẾP, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Hữu hạn cơ khí động lực Toàn Cầu:

Cần nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ

Công ty đang trên đà phát triển mạnh, từ đầu năm 2022 đến nay liên tục tuyển lao động là kỹ sư, nhân lực có tay nghề nhưng không thể tuyển đủ nhu cầu. Riêng năm nay, công ty tuyển dụng gần 30 kỹ sư trong nhóm phát triển sản phẩm, chưa kể các nhân lực có tay nghề khác, nhưng chưa đủ. Việc thiếu nhân lực là các kỹ sư giỏi ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ dự án, kéo theo tiến độ giao hàng sẽ chậm lại, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của công ty. Hiện DN vẫn đang tăng các phúc lợi như: hỗ trợ tiền thuê trọ, tăng lương, tiền chuyên cần để thu hút lao động có tay nghề. Ngoài ra, liên kết với các trường nghề để tìm kiếm nguồn lực có kỹ thuật, tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc. Công ty mong địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ để đáp ứng hoạt động đổi mới sản xuất tại các DN.

Chị VĂN THỊ HIỀN, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Elite Việt Nam (H.Long Thành):

Nhiều chính sách vẫn khó thu hút lao động

Công ty TNHH Elite Việt Nam hiện có trên 3 ngàn lao động. Từ đầu năm đến nay, công ty liên tục tuyển dụng 1.500 lao động cả phổ thông và tay nghề nhưng rất khan hiếm. Công ty đã đưa ra nhiều chính sách để thu hút lao động như: hỗ trợ xe đưa đón, hỗ trợ đào tạo nghề, nhà trọ 0 đồng tháng đầu tiên và cung cấp 3 bữa miễn phí… Tổng giá trị 5 triệu đồng/1 lao động mới cho gói hỗ trợ, nhưng rất khó khăn. Công ty đang tuyển lao động tay nghề về kỹ thuật, quản lý chất lượng với thu nhập từ 7-10 triệu đồng và hỗ trợ thêm 1,1 triệu đồng cho lao động có tay nghề vào làm việc. Dù đã đưa ra nhiều chính sách và trực tiếp tham gia các sàn giao dịch việc làm để tuyển dụng nhưng nguồn nhân lực vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất của DN.

Ông PHAN TỚI THỌ HIỆP, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH TOKIN Electronics Việt Nam (TP.Biên Hòa):

Lao động tay nghề cao là nguồn lực quan trọng đối với DN

Là DN chuyên về sản xuất điện tử, công ty đã áp dụng các dây chuyền hiện đại vào sản xuất từ nhiều năm nay. Ở nhiều chuyền sản xuất, NLĐ đến công ty làm việc đều điều khiển máy hoạt động qua máy tính được cài sẵn và theo dõi công việc hằng ngày qua công cụ này. Do đó, rất cần đội ngũ lao động có tay nghề, nhanh nhạy với công việc. Tuy nhiên, do việc tuyển dụng khó khăn nên hầu như các DN phải tuyển lao động phổ thông vào và tự đào tạo trực tiếp tại xưởng sản xuất. Việc làm này vừa tốn chi phí, vừa tốn thời gian đào tạo và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những giai đoạn hàng hóa cần hoàn thiện gấp rút. Chưa kể, NLĐ sau khi đào tạo nghề xong lại “nhảy việc” qua những DN khác hoặc ra ngoài làm các DN tư nhân với thu nhập cao hơn. Từ đó, dẫn đến tình trạng DN thiếu lao động kỹ thuật trầm trọng, trong khi đây là nguồn lực đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của DN.

Thực tế, các DN đều muốn tuyển được nguồn lực có tay nghề ngay từ đầu để NLĐ có thể thích ứng công việc ngay. DN cũng mong NLĐ được định hướng học nghề đúng thực tế công việc và nhu cầu tuyển dụng vị trí công việc của các DN hiện nay.

Chị NGUYỄN THỊ HOÀI, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu):

Để NLĐ gắn bó, cần đảm bảo an cư lạc nghiệp

Hiện đời sống NLĐ còn khó khăn, nên để họ gắn bó với DN, toàn tâm với công việc rất cần nhiều chính sách hỗ trợ từ tỉnh và DN. Ví dụ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh theo Nghị quyết 68 đến nay vẫn rất ít NLĐ được tiếp cận, trong khi nhu cầu NLĐ mong muốn được đào tạo nghề về máy tính, ngoại ngữ, kỹ thuật, may mặc… rất lớn. Chúng tôi mong tỉnh quan tâm nhiều hơn để tác động DN tạo điều kiện, bố trí thời gian cho NLĐ được đi học và giảm bớt các thủ tục rườm rà, gây khó dễ cho NLĐ. Ngoài ra, NLĐ cần có nhà ở, nơi giải trí để an cư lạc nghiệp. Đối với DN, để thu hút lao động tay nghề cần có mức lương hợp lý với công sức NLĐ bỏ ra.             

Lan Mai (ghi)


 

Tin xem nhiều