Báo Đồng Nai điện tử
En

Giao thông kết nối sẽ quyết định thành công

08:05, 03/05/2022

Hạ tầng giao thông kết nối chính là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công trong việc xây dựng thành phố sân bay cũng như vùng đô thị sân bay Long Thành.

Hạ tầng giao thông kết nối chính là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công trong việc xây dựng thành phố sân bay cũng như vùng đô thị sân bay Long Thành.

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông kết nối quan trọng từ sân bay Long Thành đi TP.HCM và ngược lại. Ảnh: Quỳnh Nhi
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông kết nối quan trọng từ sân bay Long Thành đi TP.HCM và ngược lại. Ảnh: Quỳnh Nhi

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, để có thể khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của sân bay Long Thành, hạ tầng giao thông kết nối đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi khi có sân bay mà không có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đủ tốt, tình trạng “đi vào sân bay kẹt xe, đi ra sân bay kẹt xe” xảy ra thì cũng rất khó để phát triển.

Tương ứng, hạ tầng giao thông kết nối cũng được xem là yếu tố quyết định thành công trong việc phát triển thành phố sân bay cũng như vùng đô thị sân bay Long Thành. “Việc thiết lập quy hoạch một khu đô thị, một khu kinh tế thì việc đầu tiên cần làm là cải thiện và xây dựng hệ thống mạng lưới giao thông kết nối. Vì vậy, tôi đánh giá sân bay Long Thành cũng như vùng kinh tế phụ cận có phát triển thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào mạng lưới giao thông liên kết giữa khu vực này với các địa phương khác” - GS Ha Hun Koo chia sẻ quan điểm.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối, GS Ha Hun Koo, nguyên Trưởng khoa Logistics, Trường Logistics châu Á Thái Bình Dương, Đại học Inha, thành viên Ủy ban Cố vấn về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ Đất đai và giao thông Hàn Quốc, cho rằng để có thể phát triển thành công, thời gian di chuyển từ sân bay Long Thành đến TP.HCM, các cảng biển và ngược lại phải đảm bảo yêu cầu trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, thời gian di chuyển từ sân bay Long Thành đến các khu công nghiệp phải đảm bảo được rút ngắn trong vòng từ 20-30 phút. “Phải đảm bảo được yêu cầu về thời gian như trên. Khi xây dựng sân bay Incheon và thành phố sân bay, tôi cũng kiến nghị mục tiêu như vậy và hiện Hàn Quốc đã thực hiện theo mục tiêu này” - GS Ha Hun Koo cho biết.

Về các loại hình giao thông kết nối, GS Ha Hun Koo chia sẻ, không chỉ các tuyến đường cao tốc mà để kết nối sân bay cần có hệ thống đường sắt tốc độ cao. Để chia sẻ gánh nặng ngân sách trong việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cho sân bay Long Thành, GS Ha Hun Koo cho rằng, cần thu hút các nguồn lực xã hội, kể cả nguồn vốn đầu tư nước ngoài. “Hệ thống đường cao tốc từ sân bay Incheon đến thủ đô Seoul là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đường cao tốc nối sân bay Incheon với TP.Song Do cũng là dự án PPP. Trong khi đó, dự án đường sắt kết nối sân bay Incheon là dự án thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ” - GS Ha Hun Koo cho hay.

“Tôi muốn nhấn mạnh đến hệ thống đường cao tốc chuyên dụng cho sân bay, tức hệ thống đường cao tốc chỉ chuyên nối với sân bay. Đối với sân bay Long Thành, tôi muốn đề xuất xây dựng hệ thống giao thông kết nối chuyên dụng từ sân bay đến TP.Biên Hòa và đến TP.HCM” - GS HA HUN KOO.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều