Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục

08:05, 28/05/2022

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài từ năm 2020 cho đến nay đã khiến nhiều lĩnh vực của cuộc sống bị đảo lộn, trong đó giáo dục cũng rơi vào khó khăn, bị động. Trong giai đoạn này, công nghệ thông tin (CNTT) như cứu cánh rất quan trọng,...

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài từ năm 2020 cho đến nay đã khiến nhiều lĩnh vực của cuộc sống bị đảo lộn, trong đó giáo dục cũng rơi vào khó khăn, bị động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (bìa phải) thăm Phòng Công nghệ thực tế ảo của Trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Ảnh: Hải Yến
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (bìa phải) thăm Phòng Công nghệ thực tế ảo của Trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Ảnh: Hải Yến

Trong giai đoạn này, công nghệ thông tin (CNTT) như cứu cánh rất quan trọng, giúp nhiều cơ sở giáo dục duy trì tốt việc dạy và học, thực hiện phương châm: Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học.

* Thay đổi để thích ứng

Theo Ban giám hiệu Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa), “sống chung” với Covid-19 đã buộc từng thầy cô phải thay đổi. Những cuộc họp của nhà trường trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh Covid-19 và cả hiện nay không nhất thiết phải triệu tập họp trực tiếp, thay vào đó là họp trực tuyến nhưng vẫn hiệu quả. Trong dạy và học, giáo viên của trường đã chủ động trang bị thiết bị và phần mềm dạy trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội. Thậm chí, khi học sinh đi học bình thường trở lại nhưng phát sinh một số ca mắc Covid-19, các em vẫn có thể ngồi tại nhà học trực tuyến.

Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ: GD-ĐT không đứng ngoài xu thế chuyển đổi số

Hơn 5 năm trước, chúng tôi đã triển khai đề án Trường học tiên tiến, hiện đại ở một số trường. Nhờ đề án này, chất lượng quản lý, hoạt động dạy và học của các trường diện thí điểm được nâng lên. Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo đã được ra đời, hoạt động dạy và học đã không còn giới hạn trong khuôn khổ lớp học. Trong xu thế chuyển đổi số, ngành GD-ĐT Đồng Nai sẽ không đứng ngoài xu thế đó, ngành đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên dành nguồn lực để hiện đại hóa hệ thống CNTT, tập huấn bồi dưỡng giáo viên, tuyên truyền về nhận thức chuyển đổi số từ cán bộ quản lý, giáo viên và cả học sinh.

Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) là một trong những trường đầu tiên của tỉnh mới đây đã đưa vào sử dụng thư viện số với trang thiết bị và không gian hiện đại. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, trong không gian của thư viện số, giáo viên có thể sáng tạo nội dung bài giảng, trao đổi chuyên môn, tổ chức dạy học.

Em Lê Thị Thu Hà, học sinh lớp 9 của trường, cho biết: “Đến với thư viện số của trường, em được tiếp cận với internet tốc độ truy cập nhanh và ổn định, các học liệu rất phong phú, từ đó tạo cảm hứng cho em học tập tốt hơn”.

Cô Hồ Thị Lâm, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa) chia sẻ, hơn 2 năm qua, nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ mà trường đảm bảo khá tốt việc dạy và học với số lượng học sinh duy trì học trực tuyến ở các bậc học đạt gần 100%. Tinh thần sẵn sàng chuyển trạng thái dạy và học của thầy và trò đã được rèn luyện. Chúng tôi tin tưởng rằng, có thể sống chung với Covid-19 nhưng việc dạy và học cơ bản vẫn diễn ra bình thường.

Nói về quá trình chuyển đổi số của trường mình, vị hiệu trưởng này khẳng định, CNTT thực sự trở thành trụ cột cốt lõi không thể thiếu trong quản lý, tổ chức dạy và học của trường. Nhà trường đã “phủ” internet tốc độ cao đến tận các lớp học và mỗi giáo viên đều phải có kỹ năng CNTT thuần thục trong dạy học.

* Khi thầy cô thay đổi

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, từ nhiều năm trước, ngành GD-ĐT Đồng Nai đã đi sâu vào ứng dụng CNTT, ngày nay gọi theo cách mới là chuyển đổi số. Cụ thể, ngành đã được trang bị nhiều trang thiết bị như: bảng tương tác điện tử, thí điểm xây dựng trường học tiên tiến, hiện đại tại một số trường trên địa bàn tỉnh. Với địa bàn rộng, đi lại tốn nhiều thời gian và chi phí nên nhiều cuộc họp, chương trình tập huấn… của ngành đã được tổ chức trực tuyến và nay đã thành hình thức họp công nghệ phổ biến nhưng vẫn không kém phần hiệu quả, nghiêm túc.

Giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) giới thiệu với lãnh đạo Bộ GD-ĐT và lãnh đạo tỉnh về mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho thí sinh F0 tại nhà. Ảnh: C.Nghĩa
Giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) giới thiệu với lãnh đạo Bộ GD-ĐT và lãnh đạo tỉnh về mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho thí sinh F0 tại nhà. Ảnh: C.Nghĩa

Thầy Thạch cho biết, trong những năm qua, Sở GD-ĐT phối hợp với nhiều đối tác trang bị các kỹ năng về dạy học trực tuyến như lựa chọn các phần mềm trực tuyến, kỹ năng soạn bài giảng trực tuyến. Đơn cử việc phối hợp với Microsoft Việt Nam đã giúp hàng ngàn giáo viên “cứng” về CNTT ứng dụng trong dạy và học, thậm chí là ngồi tại một trường ở Đồng Nai nhưng có thể dạy một trường khác ở đâu đó trên lãnh thổ Việt Nam nhờ kết nối internet.

Còn cô Bùi Thị Hạnh, giáo viên Trường THCS Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết, Covid-19 đã khiến nhiều giáo viên phải thay đổi, từ đó làm thay đổi học sinh trong việc học tập. Không ít giáo viên trước kia chỉ quen dạy học với phấn trắng bảng đen trên lớp, nhất là những giáo viên lớn tuổi, nay đã quen, thậm chí khá rành với hình thức dạy trực tuyến. Có được điều này là nhờ tinh thần chia sẻ, giáo viên biết CNTT chỉ cho giáo viên chưa biết, thực hành nhiều thành quen. Khi có sáng kiến hay lập tức chia sẻ cho nhau, biến hội đồng sư phạm thành cộng đồng chia sẻ.

* Cần quyết liệt từ hành động

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó GD-ĐT là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trước tiên. Giáo dục là lĩnh vực có tác động xã hội liên quan trực tiếp và hằng ngày tới người dân. Giáo dục chuyển đổi số thành công sẽ giúp thay đổi nhận thức của con người một cách nhanh nhất, mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho nhiều hoạt động trong đời sống xã hội, tạo động lực chuyển đổi số cho các ngành nghề khác.

Giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) ghi lại bài thí nghiệm hóa học bằng điện thoại di động
Giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) ghi lại bài thí nghiệm hóa học bằng điện thoại di động

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho biết, UBND TP.Biên Hòa đang chỉ đạo ngành GD-ĐT thành phố chuyển đổi số trong giáo dục theo hướng ứng dụng CNTT vào quản lý toàn diện và bồi dưỡng sâu cho đội ngũ giáo viên về nhận thức và kỹ năng CNTT. Khi xây dựng Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của thành phố, lĩnh vực GD-ĐT cũng được đưa vào quản lý điều hành tại trung tâm. Số liệu về trường lớp, về kết quả học tập của từng trường, từng lớp cũng được cập nhật. Từ đó, lãnh đạo UBND thành phố sẽ có được cái nhìn tổng thể hơn về quy mô, chất lượng dạy và học của từng bậc học, từng trường.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh chia sẻ, để có thể thích ứng với những dịch bệnh tương tự như Covid-19 trong tương lai, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên các nguồn lực cho chuyển đổi số hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh. Một trong những giải pháp cụ thể là tiếp tục nhân rộng mô hình trường học tiên tiến hiện đại giai đoạn 2 sau khi đã thí điểm tương đối hiệu quả ở một số trường ở các bậc học từ mầm non đến THPT thời gian qua. Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục chú trọng bồi dưỡng kỹ năng CNTT cho đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên trực tiếp đứng lớp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, dạy và học.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, UBND tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi số ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, trong đó có y tế và giáo dục. Đối với ngành Giáo dục, đây là một trong những lĩnh vực trọng tâm nên rất cần được ưu tiên. Ngay từ bây giờ, tầm quan trọng của chuyển đổi số cần được từng cán bộ quản lý và giáo viên nhận thức một cách đầy đủ, từ đó có hành động cụ thể là không ngừng học tập và ứng dụng CNTT vào quản lý và dạy học. Tinh thần chuyển đổi số cần được đưa vào giáo dục trong trường học để xây dựng trong các em tư duy về chuyển đổi số. Đây được coi là một trong những giải pháp để hình thành nên những công dân số, xã hội số và quốc gia số.


Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG: Chuyển đổi số hướng đến lợi ích lâu dài

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp đang từng bước tiến lên hiện đại. Tỉnh có dân số đông, trên 3 triệu người, trong đó giáo viên là hơn 32 ngàn người, còn học sinh lên tới gần 750 ngàn em. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển của tỉnh và đất nước, việc nâng cao chất lượng GD-ĐT là vô cùng quan trọng. Xét trong xu thế phát triển mới, đặc biệt là sau khi trải qua một đại dịch lớn chưa từng có thì vấn đề chuyển đổi số là rất cấp thiết, nhưng cũng cần làm bài bản và khoa học. Chuyển đổi số sẽ phải thực hiện một cách quyết liệt, đặc biệt với GD-ĐT rất cần ưu tiên đầu tư chuyển đổi số để hướng đến lợi ích lâu dài.

TS LÂM THÀNH HIỂN, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng: Xây dựng trường học số là xu thế tất yếu

Chuyển đổi số đã giúp cho một trường đại học tư thục như Trường đại học Lạc Hồng tránh được những rủi ro từ dịch bệnh Covid-19 trong suốt hơn 2 năm qua. Nhờ chuyển đổi số toàn diện nên công tác đào tạo đã không bị gián đoạn. Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, tuy nhiên dịch bệnh đã tạo thêm động lực giúp chúng tôi quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ hơn để tránh được những rủi ro cho tương lai trước mắt cũng như lâu dài. Việc chuyển đổi số thành công sẽ giúp chúng tôi tạo ra được những đột phá mới mạnh mẽ về hiệu quả quản lý, chất lượng đào tạo, uy tín với sinh viên và doanh nghiệp.       

Thành Nam (ghi)


Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích