Báo Đồng Nai điện tử
En

Thừa hàng trong nước, thiếu hàng xuất khẩu

07:05, 12/05/2022

Thời gian qua, xuất khẩu trái cây gặp khó, thậm chí bị đình đốn do những nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lạm phát… Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là trái cây Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của nhiều thị trường xuất khẩu.

Thời gian qua, xuất khẩu trái cây gặp khó, thậm chí bị đình đốn do những nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lạm phát… Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là trái cây Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của nhiều thị trường xuất khẩu.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm trái cây Việt tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Quân
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm trái cây Việt tại Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

Trong đó, thị trường vốn dễ tính như Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát, đặt tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với trước về chất lượng nông sản nhập khẩu.

Tại cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam bộ, Phó cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Hòa cho biết, tháng 3 và 4-2022, sản lượng xuất khẩu rau củ quả đều giảm 18% so với cùng kỳ năm 2021 vì 2 tháng qua Trung Quốc đóng một số cửa khẩu. Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt dịch bệnh Covid-19 trên bao bì, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nhãn gốc bao bì nông sản nhập khẩu vào nước này. Liên minh châu Âu kiểm tra thanh long rốt ráo nên ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long, xoài vào châu Âu.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai (xã Phú Ngọc, H.Định Quán) chia sẻ: “Nhiều siêu thị lớn đặt vấn đề đưa trái cây an toàn của trang trại vào tiêu thụ trong hệ thống. Tôi có một số đối tác ở Hà Nội, thậm chí có khách hàng Nhật Bản đặt vấn đề bao tiêu xuất khẩu trái xoài cát Hòa Lộc. Nhưng trang trại không thể đáp ứng về sản lượng. Sản xuất đạt chuẩn an toàn của thị trường xuất khẩu khó tính ở địa phương còn ít và yếu. Việc liên kết với các nhà vườn khác sản xuất theo chuẩn xuất khẩu không phải dễ, vì đa số nông dân vẫn bị động chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chờ có doanh nghiệp (DN) bao tiêu thì mới chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn”.

Trung Quốc vẫn là thị trường sát sườn và tiêu thụ lớn với trái cây tươi Việt Nam. Ngoài chính sách nói không với Covid-19, Trung Quốc đang áp dụng hàng loạt quy định mới với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước. Trong đó, việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch cũng sẽ ngày càng khó khăn. Theo đó, cả DN, thương lái và nông dân đều phải chủ động thay đổi theo yêu cầu mới của thị trường này từ việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhất là trong việc chuyển đổi sang hướng xuất khẩu theo kênh chính ngạch.

Thu hút DN đầu tư vào ngành chế biến được cho là giải pháp bền vững cho đầu ra nông sản. Nhiều tỉnh, thành quan tâm xúc tiến đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhưng DN vẫn không mặn mà tham gia. Nguyên nhân do các địa phương vẫn lúng túng trước những yêu cầu DN đặt ra là có đủ sản lượng trái cây, nông sản cung cấp quanh năm cho chế biến; nông sản có đạt về chất lượng, an toàn thực phẩm… theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.    

L.Q

Tin xem nhiều