Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ

08:06, 11/06/2022

Để khoa học - công nghệ (KH-CN) phát huy được vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội, cần phải có sự phát triển đồng bộ cả về nguồn nhân lực KH-CN lẫn cơ sở vật chất nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách KH-CN.

Để khoa học - công nghệ (KH-CN) phát huy được vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội, cần phải có sự phát triển đồng bộ cả về nguồn nhân lực KH-CN lẫn cơ sở vật chất nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách KH-CN.

Sở KH-CN Đồng Nai ký kết hợp tác với Trường đại học Công nghệ Đồng Nai liên quan đến phát triển KH-CN
Sở KH-CN Đồng Nai ký kết hợp tác với Trường đại học Công nghệ Đồng Nai liên quan đến phát triển KH-CN. Ảnh: H.Dung

Trong đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa quyết định.

* Tiềm lực lớn

TS Lại Thế Thông, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực KH-CN, hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi là một trong những nhiệm vụ đột phá nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Giai đoạn 2011-2020, tỉnh chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao ở các ngành mũi nhọn, then chốt, nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành ở các lĩnh vực mà tỉnh có nhu cầu nhưng còn thiếu như: khoa học kỹ thuật, điện, điện tử, truyền thông, xây dựng, tự động hóa, công nghệ vật liệu, khoa học nông nghiệp…

Giai đoạn từ năm 2016 đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 3.315 người có trình độ sau đại học, bao gồm 358 tiến sĩ, 2.957 thạc sĩ, chiếm 4,44% tổng số nhân lực xã hội đang lao động trên địa bàn tỉnh. Nhân lực xã hội có trình độ sau đại học đạt 11/10.000 người, vượt mục tiêu của Nghị quyết 20-NQ/TƯ ngày 1-11-2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kế hoạch số 155-KH/TU ngày 11-11-2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một mạng lưới tổ chức KH-CN đa dạng gồm 23 tổ chức (trong đó có 14 tổ chức KH-CN công lập và 9 tổ chức KH-CN ngoài công lập) với 1.224 cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tổ chức KH-CN đã khẳng định nhu cầu thị trường đối với hoạt động nghiên cứu và dịch vụ KH-CN như: chuyển giao công nghệ, tư vấn…, góp phần trong việc thực hiện xã hội hóa hoạt động KH-CN.

Những năm qua, đội ngũ trí thức đã đóng góp công sức, trí tuệ cho yêu cầu tăng trưởng kinh tế, đổi mới cơ cấu kinh tế, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và chế biến. Đồng thời, làm nòng cốt trong việc phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao thu nhập; tham gia nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống.

Với kinh nghiệm 15 năm công tác trong lĩnh vực KH-CN, ThS Nguyễn Văn Liệt, nguyên Phó giám đốc Sở KH-CN, hiện là Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh đánh giá trên địa bàn tỉnh hiện có khá nhiều trường đại học và cao đẳng. Đây là điều kiện cần để nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực KH-CN của tỉnh.

* Thay đổi cơ chế, chính sách thu hút, giữ chân nhân lực

Theo ThS Nguyễn Văn Liệt, chất lượng nguồn nhân lực KH-CN phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: trí lực, thể lực và KH-CN. Hạn chế lớn nhất của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh hiện nay là việc chia sẻ nguồn lực và phối hợp liên kết nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để nghiên cứu các đề tài mang tầm quốc gia và khu vực. Mới chỉ có một số trường xác định được tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển, vẫn còn những trường chưa xác định được thế mạnh của mình để phát triển.

Lãnh đạo Sở KH-CN thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đội ngũ nhân lực KH-CN trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế như: mối liên kết giữa nhà khoa học - nhà quản lý - doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ. Sản phẩm nghiên cứu chưa thực sự bám sát với nhu cầu doanh nghiệp. Chưa thực sự có cơ chế phù hợp để chính sách của Nhà nước và doanh nghiệp gắn kết, hỗ trợ nhau phát triển KH-CN. Đội ngũ cán bộ có trình độ đại học, trên đại học của tỉnh ngày càng tăng nhưng số người có trình độ chuyên môn làm công tác nghiên cứu triển khai, ứng dụng KH-CN chưa nhiều.

Nhân viên y tế thực hiện ca can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: Hạnh Dung
Nhân viên y tế thực hiện ca can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: Hạnh Dung

TS Lại Thế Thông cho hay, tính đến nay, Sở KH-CN đang quản lý 1.995 học viên tham gia chương trình đào tạo sau đại học và 51 học viên tham gia chương trình mục tiêu 2 của tỉnh. Trong số này, có nhiều học viên bị tinh giản biên chế, không được bố trí công việc trong đơn vị của Nhà nước. Số lượng học viên tham gia chương trình lớn, quá trình theo dõi kéo dài (tiến sĩ là 15 năm, thạc sĩ là 10 năm). Diễn biến quá trình công tác của học viên phức tạp do học viên không báo cáo kết quả công tác hằng năm theo quy định hoặc nghỉ việc, chuyển công tác nhưng đơn vị quản lý không báo cáo về Sở.

Hiện nay, công tác quản lý phát triển nguồn nhân lực mới chỉ dừng lại ở việc quản lý đào tạo học viên, chưa tham mưu cơ chế chính sách thu hút để giữ chân nguồn nhân lực khi hoàn thành chương trình dẫn đến việc “chảy máu chất xám”, gây lãng phí ngân sách.

Mặt khác, trong đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, triển khai, ứng dụng KH-CN của tỉnh có nhiều người có kinh nghiệm thực tiễn nhưng rất ít người có trình độ cao, là chuyên gia giỏi. Môi trường để trí thức tham gia hoạt động KH-CN chưa thực sự thuận lợi.

Đồng tình với quan điểm này, TS Phạm Minh Tiến, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học sau đại học và quan hệ quốc tế Trường đại học Đồng Nai chia sẻ, để phát triển nhân lực
KH-CN chất lượng cao không nên đặt nặng vấn đề đào tạo được bao nhiêu tiến sĩ, bao nhiêu thạc sĩ mà vấn đề là phải làm thế nào để giữ chân những người này ở lại, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh sau khi đã hoàn thành các khóa học...

Hạnh Dung


ThS NGUYỄN VĂN LIỆT, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh: Phát triển, bồi dưỡng tài năng trẻ

Thực tế cho thấy, nếu không có chế độ đãi ngộ xứng đáng thì cán bộ KH-CN, đặc biệt là những nhân lực KH-CN chất lượng cao, sẽ rời đi. Nhà khoa học cần có môi trường làm việc tốt chứ không phải chỉ là lương. Làm sao để cán bộ KH-CN được cấp nhà, có đầy đủ tiện nghi, con cái họ được học hành ở những trường tốt, họ an tâm công tác thì khi đó sẽ sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Phát triển nhân lực không chỉ ở người lớn, ở bậc tiến sĩ, thạc sĩ mà ngay từ những học sinh, làm thế nào để nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo KH-CN cho các em, sau này khi lớn lên, các em sẽ tiếp tục đam mê của mình.

TS PHẠM MINH TIẾN, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học sau đại học và quan hệ quốc tế Trường đại học Đồng Nai: Không thể an tâm công tác khi chưa lo đủ trang trải cuộc sống

Sau 10 năm làm việc tại Sở Ngoại vụ, tôi được tỉnh cử đi học tiến sĩ ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi về công tác tại Trường đại học Đồng Nai với mức lương 5,7 triệu đồng/tháng. Với mức lương 5,7 triệu đồng, chúng tôi đi làm nhưng cái đầu lúc nào cũng phải nghĩ làm thế nào để có đủ tiền trang trải cuộc sống. Chúng tôi phải chạy ngược chạy xuôi để lo cho cuộc sống hằng ngày. Một khi phải chân trong, chân ngoài lo kiếm sống thì làm sao những người như chúng tôi có thể an tâm công tác, tập trung tư tưởng để làm việc, đóng góp cho sự phát triển.

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều