Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn, kiểm soát các vụ cháy lớn

03:06, 24/06/2022

Trong 1 năm qua (tính từ ngày 15-4-2021 đến ngày 15-4-2022), mặc dù đã có những nỗ lực trong công tác phòng cháy thực hiện kết luận của lãnh đạo Bộ Công an về triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, tuy nhiên số vụ cháy lớn trên địa bàn Đồng Nai vẫn có chiều hướng gia tăng.

Trong 1 năm qua (tính từ ngày 15-4-2021 đến ngày 15-4-2022), mặc dù đã có những nỗ lực trong công tác phòng cháy thực hiện kết luận của lãnh đạo Bộ Công an về triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, tuy nhiên số vụ cháy lớn trên địa bàn Đồng Nai vẫn có chiều hướng gia tăng.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy dập tắt vụ cháy lớn tại Công ty TNHH Liên doanh hóa chất Arirang (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) vào trưa 28-6-2021.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy dập tắt vụ cháy lớn tại Công ty TNHH Liên doanh hóa chất Arirang (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) vào trưa 28-6-2021.

Để kéo giảm, tiến tới ngăn chặn các vụ cháy và thiệt hại do cháy lớn, Công an tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp mà Bộ Công an đã đề ra.

* Gia tăng số vụ cháy lớn

Trong 1 năm qua, trên địa bàn Đồng Nai có 5 vụ cháy lớn (trong tổng số 45 vụ cả nước), gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng (trong tổng số thiệt hại 225,2 tỷ đồng cả nước). Đáng nói, Đồng Nai là một trong 15 địa phương xảy ra cháy lớn và cũng là một trong 11 địa phương có số vụ cháy lớn tăng. Tất cả các vụ cháy lớn tại Đồng Nai thời gian qua đều ở các công ty, doanh nghiệp (không xảy ra ở loại hình nhà ở riêng lẻ hay nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh).

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN LONG, Thứ trưởng Bộ Công an:

Phát huy hiệu quả các mô hình PCCC

Các địa phương cần rà soát, đánh giá các mô hình phát huy hiệu quả trong công tác PCCC và cứu nạn tại địa phương, tập trung nhân rộng với công thức: Lối thoát hiểm thứ 2 + bình chữa cháy, phương tiện chữa cháy + chuông báo cháy + kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm… Nghiên cứu cập nhật các tình huống mới trong công tác diễn tập chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới. Tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy 24/24, bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị và phương tiện chữa cháy, bảo đảm 100% phương tiện, trang thiết bị trong diện thường trực phải hoạt động tốt, kịp thời tham gia xử lý có hiệu quả các vụ cháy, nổ xảy ra.

Trong đó, có các vụ gây thiệt hại lớn như: vụ cháy vào sáng 14-9-2021 tại nhà xưởng xử lý rác thải y tế, công nghiệp của Công ty CP Môi trường Tân Thiên Nhiên (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) thiêu rụi 1.200m2 nhà xưởng, thiệt hại ước tính 19 tỷ đồng; vụ cháy tại Công ty TNHH United Jumbo (Khu công nghiệp Suối Tre, TP.Long Khánh) vào tối 29-11-2021, thiêu rụi 6 ngàn m2 nhà xưởng, gây thiệt hại hơn 1,1 tỷ đồng…

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, có 3/5 vụ cháy lớn nói trên bắt nguồn từ sự cố điện (2 vụ đang điều tra). Trong 5 vụ cháy trên, thời gian chữa cháy kéo dài trên 4 giờ và phải huy động nhiều lực lượng, tại nhiều địa phương cùng tham gia chữa cháy. Đáng chú ý, có 2 vụ cháy tại cơ sở chuyên xử lý rác thải, có nhiều khói, khí độc nguy hại.

Cũng trong khoảng thời gian nêu trên, toàn tỉnh đã xảy ra một vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người (cả nước có tổng số 46 vụ), làm 1 người chết (cả nước có 79 người chết). Đó là vụ cháy tại Trường tiểu học Phù Đổng (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) vào ngày 14-4 khiến một bé gái tử vong.

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình hình cháy, nổ trên địa bàn phức tạp, gia tăng các vụ cháy lớn còn bắt nguồn từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh phải hỗ trợ chống dịch, tạm ngưng kế hoạch kiểm tra an toàn PCCC định kỳ cũng như đột xuất tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Chính vì vậy, chưa kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để có chấn chỉnh, ngăn ngừa các nguy cơ cháy, nổ. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng doanh thu kéo theo đó chi phí dành cho công tác phòng cháy, việc bảo dưỡng phương tiện PCCC bị ảnh hưởng, làm gia tăng nguy cơ cháy lớn.

 Ngoài ra, theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, lực lượng PCCC tại chỗ nhiều cơ sở còn mỏng, các đám cháy có chất cháy là hóa chất, các vật dễ bắt lửa (vải, giấy, gỗ...) nên bùng phát nhanh, không kịp khống chế ngay khi có cháy, dẫn tới cháy lan, cháy lớn.

* Xác định phương châm “4 tại chỗ” là then chốt

Trước thực tế trên, ngay trong tháng 5-2022, Công an tỉnh đã yêu cầu Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cùng công an các địa phương triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người. Một số giải pháp trọng tâm là xử lý triệt để các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động và các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật về PCCC tại địa phương. Đồng thời, đổi mới về tư duy, nhận thức, xác định lấy người dân là trung tâm và là chủ thể của công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Làm sao để mọi hoạt động lĩnh vực công tác này phải đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy phối hợp với đội phòng cháy, chữa cháy tại chỗ dập tắt vụ cháy lớn ở Công ty TNHH United Jumbo (Khu công nghiệp Suối Tre, TP.Long Khánh) vào tối 29-11-2021. Ảnh: CTV.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy phối hợp với đội phòng cháy, chữa cháy tại chỗ dập tắt vụ cháy lớn ở Công ty TNHH United Jumbo (Khu công nghiệp Suối Tre, TP.Long Khánh) vào tối 29-11-2021. Ảnh: CTV.

Lãnh đạo Công an tỉnh cũng yêu cầu làm tốt công tác phòng cháy để hạn chế phải chữa cháy, hạn chế hậu quả, thiệt hại cho người dân và cho xã hội. Các lực lượng phải xác định phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ) là then chốt, xuyên suốt.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh nhận định, người dân vừa là động lực, vừa là lực lượng trực tiếp, tại chỗ, ban đầu tham gia chữa cháy; đồng thời, kết hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, dân phòng, bảo vệ dân phố, khu dân cư… để khi có cháy nhanh chóng chớp lấy “thời điểm vàng” (dưới 5 phút bắt đầu thời điểm cháy), kịp thời huy động người dân tham gia chữa cháy.

Riêng tại 11 huyện, thành phố, Công an tỉnh yêu cầu địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua. Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Công an tỉnh nếu để xảy ra các vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại địa bàn quản lý.

Lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu sau tất cả các vụ cháy phải tổ chức họp rút kinh nghiệm trong thời gian 12 ngày từ khi vụ cháy xảy ra, thực hiện nghiêm túc việc rút kinh nghiệm, xác định cụ thể trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan để kiểm điểm, xử lý, kiến nghị xử lý theo quy định.

Đăng Tùng


Anh PHẠM ĐÌNH TRIỀU, đội viên Đội Dân phòng xã Bàu Cạn (H.Long Thành):

Cần tăng cường trang bị cho lực lượng tại chỗ

Là lực lượng có mặt tại địa phương, sâu sát với địa bàn nên dân phòng và bảo vệ dân phố sẽ có mặt sớm, kịp thời khi sự cố cháy, nổ vừa phát sinh. Đồng thời, qua nhiều đợt huấn luyện cơ bản, chúng tôi có thêm kỹ năng, kiến thức khống chế bước đầu các sự cố cháy, đưa người dân đến khu vực an toàn.

Tuy nhiên, để phương châm “4 tại chỗ” trong PCCC đạt hiệu quả, tôi nghĩ cần trang bị thêm các phương tiện chữa cháy, bảo hộ cho lực lượng tại chỗ. Nhất là với các địa phương vùng sâu, vùng xa, khoảng cách giữa các khu dân cư lớn, ngăn cách bởi nhiều vườn, rẫy. Vì nếu được trang bị đầy đủ, có thêm các phương tiện chữa cháy nhỏ gọn, cơ động sẽ giúp lực lượng tại chỗ dễ dàng tiếp cận các đám cháy cỏ, vườn tràm, rác…, là các sự cố cháy thường gặp ở vùng nông thôn, có nguy cơ lan nhanh.

Ông TRẦN VINH QUANG, đại diện Công ty TNHH Thương mại - xây dựng Quang Phúc (H.Cẩm Mỹ):

Thêm các lớp huấn luyện PCCC cho công nhân

Tôi cho rằng cần có thêm các lớp tập huấn về PCCC cho công nhân các doanh nghiệp có trụ sở hoặc cơ sở sản xuất trong khu dân cư. Vì đặc thù các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có lượng công nhân ít, mà họ lại là người trực tiếp làm việc tại chỗ. Nếu họ có kiến thức phòng ngừa cháy, nổ, cũng như kỹ năng chữa cháy tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn PCCC, ngăn ngừa các vụ cháy lớn trong doanh nghiệp, hạn chế cháy lan, cháy lớn, ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh.

Đông Hồ (ghi)


 

 

Tin xem nhiều