Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà thầu xây dựng cần trợ lực để vượt khó

11:07, 13/07/2022

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng khó khăn mà ngành Xây dựng đang phải đối mặt nhưng chưa có biện pháp giải quyết. Điều đáng nói, trong năm 2021, VACC cũng đã có văn bản kiến nghị về tình hình tương tự, nhưng những khó khăn đó đến nay vẫn chưa được cải thiện.

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng khó khăn mà ngành Xây dựng đang phải đối mặt nhưng chưa có biện pháp giải quyết. Điều đáng nói, trong năm 2021, VACC cũng đã có văn bản kiến nghị về tình hình tương tự, nhưng những khó khăn đó đến nay vẫn chưa được cải thiện.

Trong các vấn đề khó khăn mà VACC nêu ra, tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng nhiều lần trong thời gian qua thực sự là vấn đề nan giải, khiến các nhà thầu gặp khó khăn nhiều nhất. Bởi chi phí vật liệu thường chiếm từ 40-70% tổng dự toán của công trình. Từ đầu năm 2021 đến nay, tính trung bình theo từng thời điểm, giá các loại vật liệu như: thép xây dựng, xi măng, nhựa đường… tăng từ 20-60%, dẫn đến giá thành gói thầu tăng lên từ 18-30%.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua cũng đã tác động làm chi phí vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao. Cùng với đó, sự khan hiếm lao động trong thời hậu Covid-19 khiến tiền công lao động tăng, việc chủ đầu tư chậm thanh quyết toán công trình khiến nhà thầu bị nợ đọng, trong khi nhiều nhà thầu phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, ngân hàng siết room tín dụng cho vay làm các nhà thầu đã khó lại càng thêm khó...

Một số nhà thầu cho biết, các công trình xây dựng thường được ký kết từ đầu năm (thậm chí nhiều công trình thực hiện trong nhiều năm mới hoàn thành) và triển khai với cam kết không phát sinh chi phí so với hợp đồng nên khi giá vật liệu xây dựng tăng, nhà thầu buộc phải chấp nhận.

Tất cả điều đó khiến cho các nhà thầu xây dựng lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Điều đó cũng khiến tiến độ thi công các công trình và giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án cũng bị ảnh hưởng.

Để thực hiện đúng hợp đồng, đảm bảo tiến độ công trình, giữ chữ tín trong kinh doanh và đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, thời gian qua, các nhà thầu xây dựng đã nỗ lực tìm cách khắc phục khó khăn, nhất là mua các loại vật liệu xây dựng dự trữ nhằm tiết giảm chi phí khi giá cả tăng cao, đảm bảo nguồn vật liệu cung cấp cho các công trình. Tuy nhiên, biện pháp này cũng không hề dễ dàng, bởi không phải nhà thầu nào cũng đảm bảo được nguồn vốn lớn để mua dự trữ sẵn nguồn vật liệu xây dựng để phục vụ công trình, nhất là với các nhà thầu phải thực hiện thi công nhiều công trình cùng lúc.

Do đó, điều mà các nhà thầu đang mong mỏi là Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp cụ thể tháo gỡ cho các doanh nghiệp ngành Xây dựng vượt qua khó khăn. Trong đó, có các biện pháp cải cách hành chính; kiềm chế lạm phát; kiểm soát, bình ổn thị trường, nhất là đối với mặt hàng vật liệu xây dựng, xăng, dầu; nhập khẩu và cung ứng các mặt hàng khan hiếm để phục vụ sản xuất, kinh doanh đặc thù. Đặc biệt, sự hỗ trợ, đồng hành của ngân hàng với những gói vay ưu đãi thiết thực sẽ là động lực giúp các nhà thầu xây dựng tăng khả năng cạnh tranh và không bị động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phạm Mai

Tin xem nhiều