Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông

10:01, 27/01/2023

UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt 6 đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Đồng Nai.

UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt 6 đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Đồng Nai.

Dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 là một trong những dự án được phê duyệt thực hiện khai thác quỹ đất vùng phụ cận. Ảnh: P.TÙNG
Dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 là một trong những dự án được phê duyệt thực hiện khai thác quỹ đất vùng phụ cận. Ảnh: P.TÙNG

Số tiền thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất được khai thác sẽ được tái sử dụng cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu đầu tư rất lớn.

Thu hơn 42,5 ngàn tỷ đồng từ đấu giá quỹ đất

Hiện nay, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường vành đai 3 - TP.HCM. Các dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá phát triển đối với Đồng Nai nói riêng và cả vùng Đông Nam bộ nói chung.

Tuy nhiên, để có thể phát huy hết lợi thế từ các tuyến trục chính giao thông do Trung ương đầu tư, Đồng Nai phải hoàn thiện được hệ thống hạ tầng giao thông kết nối. Điều này đòi hỏi nguồn lực rất lớn của tỉnh. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn eo hẹp, đòi hỏi Đồng Nai phải tìm kiếm thêm các nguồn lực khác để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của địa phương.

Để có cơ sở tổ chức đấu giá quyền sử dụng các khu đất được khai thác, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tham mưu để thực hiện điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.

Một trong những giải pháp được đánh giá có nhiều ưu điểm trong việc tạo nguồn lực đầu tư chính là việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông của tỉnh sẽ được triển khai thời gian tới. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông sẽ giúp tạo ra nguồn vốn để tái đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Cuối tháng 12-2022, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt 6 đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh gồm: dự án Nâng cấp, mở rộng đường Ngô Quyền, TP.Long Khánh; dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 trên địa bàn H.Long Thành và H.Thống Nhất; các dự án giao thông trên địa bàn H.Vĩnh Cửu; các dự án giao thông trên địa bàn H.Cẩm Mỹ; dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 trên địa bàn 2 huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và dự án Đầu tư xây dựng đường tỉnh 770B trên địa bàn các huyện: Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Thành và TP.Long Khánh.

Với 6 đề án được phê duyệt, dự kiến sẽ có 21 khu đất vùng phụ cận được khai thác với diện tích hơn 1,5 ngàn ha. Dự kiến chi phí giải phóng mặt bằng các khu đất vùng phụ cận của 6 đề án khai thác quỹ đất hơn 8,3 ngàn tỷ đồng; số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất được khai thác hơn 42,5 ngàn tỷ đồng.

Giải bài toán tái định cư cho người dân

Lâu nay, các dự án hạ tầng giao thông luôn gặp “điểm nghẽn” lớn là công tác giải phóng mặt bằng. Với đặc điểm hướng tuyến kéo dài, số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án hạ tầng giao thông rất lớn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến công tác giải phóng mặt bằng thường bị chậm trễ, kéo dài.

Chính vì vậy, với việc thực hiện khai thác các khu đất vùng phụ cận các dự án giao thông, số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng sẽ tăng lên rất nhiều.

Với 6 đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông đã được phê duyệt, ước tính sẽ có thêm hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất. Do đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân cũng đứng trước những áp lực rất lớn.

Tại các đề án đã được phê duyệt, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương phải đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng các khu tái định cư phục vụ công tác thu hồi đất. Do đó, các địa phương có các dự án đi qua hiện nay cũng đang tăng tốc trong quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư để bố trí cho người dân có đất bị thu hồi.

Trong 6 đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông, trên địa bàn TP.Long Khánh có 2 dự án liên quan gồm dự án Nâng cấp, mở rộng đường Ngô Quyền và dự án Đầu tư xây dựng đường tỉnh 770B. Theo dự kiến, với các dự án này, sẽ có 2 khu đất được khai thác để tạo vốn.

Trưởng phòng TN-MT TP.Long Khánh Nguyễn Minh Tuấn cho biết, với dự án Đầu tư xây dựng đường tỉnh 770B, khu đất khai thác có diện tích khoảng 29ha thuộc địa bàn P.Suối Tre. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích này là đất trồng cây cao su nên địa phương không phải thực hiện công tác tái định cư. Trong khi đó, đối với đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận dự án Nâng cấp, mở rộng đường Ngô Quyền, khu đất khai thác có diện tích khoảng 38ha. Đối với dự án này, các hộ dân cần bố trí tái định cư sẽ được bố trí tái định cư tại khu tái định cư đã xây dựng sẵn ở  P.Bảo Vinh.

Với H.Cẩm Mỹ, địa phương sẽ có 7 khu đất với diện tích hơn 530ha được khai thác thuộc các dự án giao thông trên địa bàn huyện, dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 và dự án Đầu tư xây dựng đường tỉnh 770B.

Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng cho biết, để phục vụ cho công tác thu hồi đất các dự án giao thông và các đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông trên địa bàn, địa phương đã thực hiện rà soát nhu cầu tái định cư cũng như số lượng các khu đất tại các khu tái định cư đã đầu tư xây dựng. Theo đó, nhu cầu cần bố trí tái định cư hơn 304 hộ dân, trong khi số lượng các lô đất tái định cư còn trống trên địa bàn là 72 lô.

“Với số lượng còn thiếu, hiện nay địa phương cũng đã có quy hoạch xây dựng các khu tái định cư và sẽ triển khai xây dựng hạ tầng của các khu tái định cư này phục vụ người dân trong thời gian tới” - ông Tưởng chia sẻ.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều