Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển bền vững nhìn từ Triết lý kinh tế vừa đủ

08:03, 16/03/2023

Lễ khánh thành và triển lãm Phòng trưng bày Triết ký kinh tế vừa đủ vừa diễn ra tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Lễ khánh thành và triển lãm Phòng trưng bày Triết ký kinh tế vừa đủ vừa diễn ra tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Tham quan triển lãm. Ảnh: L.Viên
Tham quan triển lãm. Ảnh: L.Viên

Đây là hoạt động do Vụ Hợp tác quốc tế Thái Lan (TICA) - Bộ Ngoại giao Thái Lan và Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp thực hiện nhằm phổ biến sáng kiến của cố Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej (vua Rama IX).

* Nhân tố quan trọng là vận dụng tài nguyên, nguồn lực sẵn có

Theo thông tin tại triển lãm, Triết lý kinh tế vừa đủ là kim chỉ nam trong đời sống và cách ứng xử của con người ở mọi cấp độ: từ gia đình, cộng đồng cho đến cấp nhà nước. Đồng thời, sáng kiến này cũng được ứng dụng cả trong việc phát triển và điều hành đất nước đi theo con đường trung lập, phát triển kinh tế để tiến đến toàn cầu hóa thông qua sự tiết chế, sự hợp lý và khả năng tự miễn dịch cũng như dùng tri thức và đạo đức làm nền tảng cho cuộc sống để có thể tồn tại một cách bền vững, vượt qua khủng hoảng và dễ dàng tiếp nhận những biến đổi về các khía cạnh vật chất, xã hội, môi trường và văn hóa từ thế giới bên ngoài.

Triết lý kinh tế vừa đủ là nguyên tắc sống và thực hành hướng đến sự cân bằng, từ đó mang lại hạnh phúc bền vững.

Các nguyên tắc của Triết lý kinh tế vừa đủ xoay quanh 3 vòng tròn. Thứ nhất là sự tiết chế, sự vừa đủ đối với các nhu cầu thiết yếu và phù hợp với tình trạng của bản thân, xã hội, môi trường cũng như văn hóa ở mỗi địa phương. Không quá ít cũng không quá nhiều. Không tự làm tổn hại mình và người khác. Sống giản dị, không xa hoa hay phung phí quá mức so với khả năng của bản thân. Biết giúp đỡ người khác bằng cách san sẻ những gì mình làm ra mà bản thân chưa cần dùng đến cho những người kém may mắn trong xã hội. Thứ hai là sự hợp lý trong các quyết định dựa trên chuẩn mực chuyên môn, nguyên tắc pháp lý, quy chuẩn đạo đức và văn hóa tốt đẹp thông qua việc cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố liên quan, “biết điểm yếu, điểm mạnh, cơ hội và trở ngại”; đồng thời phải suy xét đến những kết quả có thể xảy ra từ những hành động đó, ứng dụng việc “biết người, biết ta, biết lựa chọn điều tốt và phù hợp”. Tính hợp lý trong Triết lý kinh tế vừa đủ nhấn mạnh vào việc ra quyết định và hành động dựa trên kiến thức và kinh nghiệm. Thứ ba là tự miễn dịch, có nghĩa là chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những tác động và sự biến đổi về: kinh tế, xã hội và môi trường trong và ngoài nước, từ đó có thể quản lý rủi ro, thích ứng và chuẩn bị đón nhận những tác động và những biến đổi có thể xảy ra trong tương lai.

Muốn thực hiện được 3 nguyên tắc trên, cần có 2 điều kiện là có kiến thức và có đạo đức. Kiến thức và đạo đức phải cân bằng với nhau. Bởi lẽ, nếu thiếu mất một trong 2 yếu tố có thể sẽ khiến cho quá trình đưa ra quyết định phạm sai lầm và không tạo ra lợi ích tối đa và bền vững. Chẳng hạn, nếu chỉ có mỗi kiến thức nhưng lại dùng theo hướng không tốt thì kết quả của việc ra quyết định có thể gây thiệt hại cho bản thân và xã hội. Tương tự, nếu chỉ có đạo đức nhưng thiếu kiến thức thì có thể khiến cho quá trình ra quyết định diễn ra một cách hời hợt, có thể sẽ gây ra thiệt hại.

* Lan tỏa, vận dụng trong phát triển kinh tế

TS Nguyễn Thị Kim Châu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thái Lan, Đại học Khoa học xã hội nhân văn, Đại học quốc gia TP.HCM, nhấn mạnh: “Nhân tố quan trọng của triết lý này là vận dụng những tài nguyên và nguồn lực có sẵn nên sẽ tạo ra yếu tố bền vững, không phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài trong phát triển kinh tế. Các cơ quan, đơn vị của Thái Lan đã hướng dẫn nông dân tỉnh Thái Nguyên thực hiện thành công dự án trồng chè, nông dân tỉnh Bến Tre được học tập, tham quan mô hình kinh tế này và làm rất thành công, nên cần nhân rộng mô hình này ở Việt Nam”.

Theo đó, ở Việt Nam, từ năm 2019-2023, Cơ quan Hợp tác quốc tế (TICA) - Bộ Ngoại giao Thái Lan, Trường đại học Maejo và UBND tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện dự án Phát triển cộng đồng kiểu mẫu bền vững trên cơ sở ứng dụng Triết lý kinh tế vừa đủ tại tỉnh Thái Nguyên. Dự án nhằm nâng cao thu nhập và sự ổn định lương thực về lâu dài cho người dân thôn Đồng Bông và thôn Đồng Tiền, xã Yên Lạc, H.Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên bằng cách nâng cao khả năng quản lý cộng đồng; đẩy mạnh và phát triển việc canh tác, nâng cao giá trị và phát triển sản phẩm từ chè để đáp ứng nhu cầu của thị trường; phát triển và quảng bá du lịch cộng đồng, phát triển và thúc đẩy hệ thống nông - lâm kết hợp để đảm bảo sự ổn định lương thực, bảo vệ môi trường và quản lý rừng cộng đồng. Đồng thời, dự án cũng cung cấp kiến thức về Triết lý kinh tế vừa đủ cho nhóm đối tượng mục tiêu để có thể áp dụng triết lý này vào việc thực hiện phát triển các hoạt động kể trên nhằm tạo ra sự phát triển bền vững.

Tại tỉnh Bến Tre, mô hình Triết ký kinh tế vừa đủ được triển khai thông qua các hoạt động như: tổ chức cho đoàn lãnh đạo và đoàn nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Bến Tre tham quan các mô hình kinh tế nông nghiệp ở Thái Lan; phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Bến Tre triển khai các mô hình nông nghiệp tại địa phương theo Triết ký kinh tế vừa đủ; thành lập các CLB nông dân tỷ phú để chia sẻ cho các hộ nông dân khác các kỹ thuật, cách sản xuất để tăng sản lượng và chất lượng cho nông sản; triển khai các mô hình nông nghiệp tại địa phương theo Triết lý kinh tế vừa đủ.

Theo PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy tiếng Thái, nhà trường nhận thấy Triết lý kinh tế vừa đủ của cố Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej là triết lý quan trọng hướng đến sự phát triển bền vững, do vậy nhà trường phối hợp với TICA - Bộ Ngoại giao Thái Lan để lan tỏa hơn nữa tinh thần, triết lý này trong bối cảnh phát triển của Việt Nam hiện nay. Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia có nền tảng chung về nông nghiệp, có nhiều nông dân. Hiện nay, điều rất được xã hội quan tâm là đời sống của người nông dân và đạo đức trong sản xuất nông nghiệp, người ta nói nhiều đến sản xuất sạch. Qua nghiên cứu, triết lý này thể hiện đầy đủ các yếu tố đó. Thái Lan đã áp dụng theo triết lý nền tảng này và thành công trong phát triển nông nghiệp. Một điều rất quan trọng là nông dân ứng dụng triết lý này để có một cuộc sống vừa đủ để cân bằng mối quan hệ giữa con người - môi trường và phát triển kinh tế.


Bà UREERAT CHAREONTOH, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Thái Lan:

Triết lý kinh tế vừa đủ là kim chỉ nam phát triển của nền kinh tế Thái Lan và được vận dụng trong thời gian dài rất hiệu quả. Cho nên, Thái Lan muốn chia sẻ kinh nghiệm, triết lý này đối với những nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, một nước có sự phát triển tương đối ngang bằng và phát triển về nông nghiệp, phù hợp với triết lý này.

PGS-TS NGÔ THỊ PHƯƠNG LAN, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM:

“Chúng tôi mong muốn Phòng trưng bày Triết lý kinh tế vừa đủ đặt tại cơ sở Thủ Đức của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ thu hút đông đảo học sinh - sinh viên và tất cả những ai quan tâm đến Triết lý kinh tế vừa đủ để từ đó chúng ta lan tỏa hơn nữa triết lý này trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay”.


Lâm Viên

Tin xem nhiều