Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội

10:10, 23/10/2014

Chiều 22-10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng quy định trong dự thảo luật về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội còn chung chung, gần giống với tiêu chuẩn của cán bộ, công chức.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phát biểu tại hội trường vào chiều 22-10. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phát biểu tại hội trường vào chiều 22-10. Ảnh: TTXVN

Chiều 22-10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng quy định trong dự thảo luật về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội còn chung chung, gần giống với tiêu chuẩn của cán bộ, công chức.

Nhấn mạnh đến việc đại biểu Quốc hội cần chịu sự giám sát của cử tri, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) kiên trì nhắc lại một kiến nghị ông đã nêu nhiều lần: biểu quyết công khai. Ông Quốc phân tích, trừ một số ít trường hợp bỏ phiếu kín, còn lại, nên quy định Quốc hội biểu quyết công khai để cử tri có thể biết được người đại diện cho mình có thể hiện đúng quan điểm, nguyện vọng của mình hay không. Điều này rất dễ thực hiện bằng một phần mềm điện toán hiển thị rõ ý kiến biểu quyết của từng đại biểu.

Theo dự thảo luật, chức danh Tổng Thư ký Quốc hội là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, cách chức. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng)  đồng tình với quy định lập chức danh này và cho rằng Tổng Thư ký Quốc hội không nhất thiết phải bầu trong số đại biểu Quốc hội mà nên để Quốc hội phê chuẩn như phê chuẩn một công chức thực hiện chức năng đứng đầu bộ máy giúp việc Quốc hội.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) đề nghị, cần quy định rõ trường hợp nào được kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm, trường hợp nào là bỏ phiếu bất tín nhiệm để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng đề nghị với người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp thì người này được quyền từ chức. Trường hợp họ không từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội tiến hành việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Sáng cùng ngày, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận các dự án Luật Tài nguyên - môi trường biển và hải đảo; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Lâm Viên (tổng hợp)

[links()]

Tin xem nhiều