Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội tiếp tục thêm nhiều ý kiến bàn về đầu tư và nợ công

10:10, 30/10/2014

Chiều 30/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII ghi nhận thêm nhiều kiến nghị của các đại biểu hiến kế về việc hoạch định chính sách nhằm kiểm soát nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp...

[links()]Tiếp tục phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và các mục tiêu phát triển năm 2015, buổi làm việc chiều 30/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII ghi nhận thêm nhiều kiến nghị của các đại biểu hiến kế về việc hoạch định chính sách nhằm kiểm soát nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp; tháo gỡ những khó khăn cho nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất.
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Đỗ Thị Huyền Tâm phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Đỗ Thị Huyền Tâm phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. (Ảnh: TTXVN)

Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên đầu tư

Dẫn chứng dự báo của cơ quan chức năng, đến năm 2015 nợ công sẽ ở mức kịch trần, đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đặt vấn đề, hiện chúng ta có quá nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng hiệu quả còn chưa tương xứng với mức đầu tư. 

Đại biểu kiến nghị cần đẩy mạnh tiết kiệm chi tiêu, tránh dàn trải, lãng phí, nhất trong chi tiêu công; tăng cường kỷ cương trong hoạt động đầu tư, xác định rõ trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư, người đầu tư. 

Chính phủ cần tính toán, sáp nhập lại các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang quá nhiều, để dành vốn tăng cường đầu tư cho phát triển giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, nhất là ở các khu vực vùng sâu vùng xa.

Ghi nhận những thành tích phát triển kinh tế xã hội năm 2014, song đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh) cho rằng nhiều cơ chế tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế còn chưa thực sự hiệu quả. 

Năm 2015 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2011-2015, nhất trí với các giải pháp của Chính phủ, đại biểu đề nghị cùng với tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô cần đẩy mạnh các đột phá chiến lược.

Lưu ý mục tiêu đến 2020 trở thành nước công nghiệp, đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) cho rằng Nhà nước cần ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ. “Ưu tiên phát triển hạ tầng công nghiệp, hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tạo điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước,” đại biểu khẳng định.

Khắc phục tồn tại trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Phiên thảo luận chiều 30/10 cũng ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa đến định hướng đầu tư, khắc phục tồn tại trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân.

Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) nhận định, khái quát điệp khúc “được mùa, mất giá” vẫn lặp đi lặp lại nhiều lần, thiếu sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, không tận dụng được những yếu tố thuận lợi về giá. 

Đại biểu kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần có các giải pháp căn cơ hơn nữa nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh từng địa phương; trong đó, chú ý nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình và dưới trung bình so với các quốc gia trên thế giới. 

Chính phủ cần dành ngân sách cho ứng dụng và chuyển giao công nghệ sau thu hoạch, khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời xây dựng mô hình thí điểm nông dân tham gia vào công ty cổ phần nông nghiệp.

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) phân tích cần xác định nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, đầu tư nhiều hơn và có trọng điểm trong lĩnh vực này. 

Đại biểu Khanh mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung nghiên cứu đủ các loại cây trồng, vật nuôi nhằm giảm chi phí nhập khẩu cây, giống; tăng cường ngân sách hỗ trợ quy hoạch chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản; sớm tổng kết, thúc đẩy liên kết 4 nhà trong đó Nhà nước đóng vai trò chính; kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi hàng giả, hàng nhái vật tư nông nghiệp; hỗ trợ các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để hỗ trợ người nông dân.

Điểm lại những chủ trương quan trọng của Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ ngư dân, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị cần đẩy mạnh việc triển khai chủ trương dành 16 nghìn tỷ đồng đầu tư cho cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân. 

Cho rằng thực trạng phương tiện và tầm hoạt động của ngư dân ta còn nhiều hạn chế, đại biểu Lê Nam đề nghị Quốc hội và Chính phủ tích cực hơn, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp hỗ trợ ngư dân đánh bắt, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Thúc đẩy xử lý nợ xấu, kiểm soát tốt hơn nữa nợ công

Vấn đề xử lý nợ xấu, kiểm soát nợ công cũng nhận được nhiều ý kiến quan ngại của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 30/10.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhận định nợ xấu vẫn là vấn đề nóng - cục máu đông của nền kinh tế thời gian qua. 

Hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra, tình hình nợ xấu của ngân hàng thương mại lại có xu hướng tăng trở lại là những dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế. 

Đại biểu đề nghị cần đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động của VAMC, từ đó xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho đơn vị này hoạt động hiệu quả hơn.

Lo lắng về vấn đề này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) đề nghị cần cân nhắc, đánh giá chính xác về nợ công, nợ xấu và hiệu quả xử lý nợ xấu của ngân hàng để có giải pháp phù hợp hơn.

Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) nêu ý kiến cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các ngân hàng cho vay các dự án đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông; tránh làm tăng nợ xấu cho những năm sau.

Lo ngại trước tình hình kinh tế chậm được cải thiện, các giải pháp mạnh tháo gỡ điểm nghẽn của nền kinh tế chưa được triển khai, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề nghị giảm chỉ tiêu bội chi năm 2015 ở 4% thay vì 5% theo đề xuất của Chính phủ.

Giải trình thêm với các đại biểu về liên quan đến tình hình nợ công và an toàn nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết hiện các chỉ số nợ công vẫn trong giới hạn cho phép nhưng cũng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trước năm 2010 Việt Nam chưa có quy định pháp lý về nợ công. Các chỉ số về nợ ở mức thấp phù hợp với định hướng của Chính phủ. Nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. 

Từ năm 2010 đến nay, Luật quản lý nợ công có hiệu lực thi hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, công tác quản lý nợ có nhiều chuyển biến tích cực. 

Song trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại; cân đối ngân sách Nhà nước cùng lúc phải sắp xếp, cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều giải pháp quan trọng; dẫn đến tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong ngân sách Nhà nước giảm so với các giai đoạn trước.

Từ năm 2010, Việt Nam đã phải huy động trái phiếu Chính phủ cho đầu tư lớn. Bội chi ngân sách cao, cùng với việc thúc đẩy nhanh giải ngân ODA, dư nợ công tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP. Ước tính năm 2014 nợ công là 60,3% GDP (tăng 23,3%); dự kiến năm 2015 là 64% GDP (tăng 19,9%). 

Việt Nam đảm bảo trả đủ, kịp thời nợ đến hạn; không làm phát sinh nợ xấu. Cơ cấu các khoản nợ vay trong nước tăng góp phần giảm tỷ lệ vay nước ngoài và rủi ro về tỷ giá, đồng thời cho thấy sự tự chủ của kinh tế trong nước.

Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung này./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều