Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng bồi thường cho hành khách bị chậm, hủy chuyến bay

09:10, 24/10/2014

 Tại dự thảo Thông tư quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất nâng mức bồi thường cho hành khách khi bị chậm, hủy chuyến bay nội địa.

 Tại dự thảo Thông tư quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất nâng mức bồi thường cho hành khách khi bị chậm, hủy chuyến bay nội địa.
 
Ảnh minh họa

Theo quy định tại Quyết định 10/2007/QĐ-BGTVT, mức bồi thường đối với hành khách bị chậm, hủy chuyến bay nội địa được quy định từ 100.000 – 300.000 đồng.

Tại dự thảo, mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay nội địa bị chậm, hủy chuyến được đề xuất tăng lên thành từ 200.000 – 400.000 đồng. Cụ thể: Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km thì mức bồi thường là 200.000 đồng; chuyến bay có độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km thì mức bồi thường là 300.000 đồng; chuyến bay có độ dài đường bay  từ 1.000 km trở lên thì mức bồi thường là 400.000 đồng.

Mức bồi thường đối với chuyến bay quốc tế vẫn được đề xuất giữ nguyên. Cụ thể: Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 1.000 km: 25 USD; chuyến bay có độ dài đường bay  từ 1.000 km đến dưới 2.500 km: 50 USD; chuyến bay có độ dài đường bay từ 2.500 km đến dưới 5.000 km: 80 USD; chuyến bay có độ dài đường bay từ 5.000 km trở lên: 150 USD.

Theo Bộ Giao thông vận tải, "bồi thường ứng trước không hoàn lại" là việc bồi thường bằng tiền hoặc các hình thức khác mà người vận chuyển phải trả cho hành khách trong các trường hợp theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào việc xác định mức thiệt hại thực tế của hành khách.

Tuy nhiên, hãng hàng không khai thác thực tế chuyến bay được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại trong trường hợp hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài vì một trong các lý do như: Điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay; nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay; chuyến bay không thể thực hiện hoặc bị chậm kéo dài theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sự cố kỹ thuật xảy ra trong quá trình khai thác tàu bay tính từ thời điểm người chỉ huy tàu bay ký tiếp nhận tàu bay sẵn sàng thực hiện chuyến bay cho đến khi kết thúc chuyến bay…

Ngoài ra, các hãng hàng không cũng được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại nếu đã thông báo cho hành khách về việc hủy chuyến bay ít nhất 24 giờ trước giờ khởi hành dự kiến.

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), trong tháng 9 vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện gần 13.200 chuyến bay, trong đó tỷ lệ chậm chuyến chiếm 9,9% (giảm 3,9% so với tháng 8); tỷ lệ hủy chuyến là 0,4%.

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.

Chinhphu.vn

Tin xem nhiều