Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo khuôn khổ pháp lý để ban hành văn bản pháp luật

03:10, 28/10/2014

Sáng 28/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hộ tịch.

Sáng 28/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hộ tịch.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. (Ảnh: TTXVN)
Hoàn thiện và vận hành hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch

Tờ trình dự án Luật ban hành văn bản pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ việc xây dựng dự án luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất cho việc ban hành văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương với nhiều đổi mới về nội dung nhằm góp phần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và vận hành hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả.

Luật mới quy định về xây dựng, ban hành văn bản pháp luật và tổ chức thi hành văn bản pháp luật thống nhất từ Trung ương tới địa phương; không quy định việc làm, sửa đổi Hiến pháp; không quy định việc ban hành văn bản có chứa quy tắc xử sự, nhưng chỉ áp dụng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị.

Việc ban hành quyết định hành chính của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương tuân theo Luật ban hành văn bản hành chính đang được xây dựng và trình Quốc hội năm 2015.

Việc ban hành quyết định, bản án của Tòa án nhân dân tuân theo các luật, bộ luật tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính).

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 159 điều (tăng 4 chương, 64 điều so với Luật năm 2007, ít hơn 2 chương, tăng 8 điều so với tổng số chương, điều của cả hai Luật về ban hành văn bản pháp luật hiện hành).

Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra dự án Luật cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Ban hành văn bản pháp luật trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004.

Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để đề xuất các quy định mới trong dự thảo Luật có tính khả thi cao thì việc đánh giá các hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành, đặc biệt là phân tích nguyên nhân của các hạn chế, bất cập cần được cụ thể, sâu sắc hơn. Trong đó, cần phân biệt giữa hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành và hạn chế do việc tổ chức thực hiện, để từ đó đưa ra các kiến nghị trong dự thảo Luật chính xác hơn, phù hợp và khả thi hơn.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, thì dự kiến Chính phủ chuẩn bị dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014), nhưng nay Chính phủ đổi tên thành Luật Ban hành văn bản pháp luật để phù hợp với các quy định của Hiến pháp.

Vấn đề này, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc ban hành văn bản pháp luật và các văn bản pháp luật phải phù hợp với Hiến pháp. Vì vậy, việc đổi tên Luật thành Luật Ban hành văn bản pháp luật là cần thiết để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật vẫn còn ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định về ban hành các văn bản pháp luật có chứa quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần đối với mọi cá nhân, tổ chức.

Đối với các loại văn bản pháp luật khác, như việc ban hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện theo luật; các văn bản pháp luật là quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ được điều chỉnh cụ thể trong Luật Ban hành quyết định hành chính đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015.

Một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật cho phù hợp với tên gọi, bao gồm cả việc ban hành văn bản pháp luật chung và văn bản pháp luật là các quyết định hành chính, trừ văn bản pháp luật trong lĩnh vực tố tụng. Theo đó, nên sáp nhập nội dung điều chỉnh trong dự án Luật Ban hành quyết định hành chính vào dự án Luật này với tên gọi chung là “Luật Ban hành văn bản pháp luật.”

Các ý kiến này cho rằng, quy định như vậy bảo đảm sự thống nhất điều chỉnh các văn bản pháp luật (cả văn bản pháp luật chung và văn bản pháp luật cá biệt) trong một đạo luật. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là do trình tự, thủ tục ban hành văn bản và cơ chế tổ chức thực hiện của mỗi loại văn bản pháp luật là khác nhau, nên rất khó cho việc quy định chung trong một đạo luật.

Mặt khác, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật này đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ trình, thông qua Dự án Luật.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, để bảo đảm tính khả thi trong tình hình hiện nay, dự án Luật này chỉ nên điều chỉnh đối với việc ban hành văn bản pháp luật như loại ý kiến thứ nhất; đối với các văn bản pháp luật là quyết định hành chính thì sẽ điều chỉnh trong dự án Luật ban hành quyết định hành chính.

Đề nghị tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch. Thảo luận về việc cấp Giấy khai sinh và Thẻ căn cước công dân, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành, bởi vì đây là nhu cầu và là quyền của người dân được sử dụng thuận lợi từ nhiều năm nay để bảo vệ lợi ích của mình.

Các ý kiến cho rằng đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc một cá nhân ra đời và bắt đầu được hưởng quyền con người, quyền công dân. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp Giấy khai sinh trong đó có ghi những thông tin cơ bản của trẻ em, Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước có giá trị sử dụng trong nước và ở nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hơn nữa, việc cấp Giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em là cần thiết, phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, phù hợp với Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Hơn nữa, theo đại biểu giấy khai sinh là văn bản pháp lý đầu tiên nhà nước cấp cho công dân, là căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác sau này của quản lý nhà nước, bao gồm cả việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi như quy định của dự thảo Luật Căn cước công dân.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) phân tích quyền được khai sinh là quyền dân sự của cá nhân được nhà nước tôn trọng, bảo vệ theo Hiến pháp. Trẻ em có quyền được đăng ký khai sinh là quy định được nội luật hóa theo các công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia ký kết.

Đại biểu nêu theo quy định của luật hiện hành và dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội, khi đăng ký khai sinh, trẻ em được cấp giấy khai sinh, thủ tục đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh cho trẻ em có quốc tịch Việt Nam do ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.

Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật Căn cước công dân, sau khi đăng ký khai sinh, ủy ban nhân dân cấp xã chuyển thông tin cho cơ quan nhà nước.

Dự thảo Luật Căn cước công dân cũng chưa nêu rõ chuyển thông tin cho cơ quan nào. Hơn nữa giấy khai sinh có giá trị suốt đời, không có hạn sử dụng và phải đổi như thẻ căn cước công dân theo điểm a, khoản 2, Điều 40 dự thảo Luật Căn cước công dân. Như vậy, việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi gây tốn kém hơn cho cả nhà nước và người dân vì giá thành làm thẻ tốn kém hơn làm giấy khai sinh, đại biểu Tính nhấn mạnh.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thể hiện sự tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh.

Nội dung này được thể hiện tại Điều 16 và Điều 36 của dự thảo Luật; đồng thời đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng gây phiền hà cho người dân trong việc yêu cầu nộp hoặc xuất trình Giấy khai sinh khi thực hiện một số thủ tục hành chính.

Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch, một số ý kiến tán thành với đề nghị quy định ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền đăng ký đối với một số việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới đất liền để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân (khoản 1 Điều 5); còn các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài khác thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp huyện (khoản 2 Điều 5).

Đại biểu Hồ Thị Thủy đánh giá việc quy định và phân cấp về thẩm quyền như dự thảo luật sẽ phát huy tối đa năng lực trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tăng cường thống nhất vai trò quản lý nhà nước của cơ quan Trung ương và của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Việc phân cấp này sẽ giúp ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động về thời gian, tập trung nhân lực để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch tại địa phương, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra với việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới.

Tuy nhiên, theo đại biểu việc chuyển giao thẩm quyền cho ủy ban nhân dân cấp huyện theo thực hiện đăng ký hộ tịch trong các trường hợp có yếu tố nước ngoài như khoản 2, điều 5, cần nghĩ đến việc thực hiện theo lộ trình, theo vùng miền.

Để quy định của luật có tính khả thi cao, Chính phủ cần có phương án, giải pháp phù hợp về con người cũng như cơ sở vật chất, vì hiện năng lực, trình độ chuyên môn về công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài của đội ngũ cán bộ tư pháp ở đa số cấp huyện còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng núi, vùng xa.

Việc thành lập đội ngũ cộng tác viên dịch thuật cấp huyện còn khó khăn.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Hộ tịch; lệ phí hộ tịch; thủ tục, thời hạn đăng ký hộ tịch; công chức tư pháp-hộ tịch./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều