Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều ý kiến khác nhau về yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích

10:05, 24/05/2015

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật tố tụng dân sự (sửa đổi).

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật tố tụng dân sự (sửa đổi).
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đắk Lắk thảo luận tại tổ. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đắk Lắk thảo luận tại tổ. (Ảnh: TTXVN)
Các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), tuy nhiên có ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu, chỉ sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cần thiết, làm rõ lý do của việc sửa đổi, bổ sung; khắc phục được những bất cập, tồn tại, hạn chế của các quy định hiện hành, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các loại án dân sự hiện nay ở Việt Nam. Vấn đề nào không thật sự cần thiết thì sẽ không sửa để tránh gây khó khăn cho tòa án và người dân trong thực thi pháp luật.

Quan điểm khác nhau về quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”

Vấn đề về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4 dự thảo) được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận tại phiên thảo luận tổ sáng nay.

Khoản 2, Điều 4 dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.” Một số ý kiến cho rằng đây là vấn đề mới, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu hết sức thận trọng do ở Việt Nam án lệ không phải là nguồn luật, tòa án nhân dân xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, quy định như dự thảo không phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng nếu quy định như dự thảo: “ Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” thì tòa án sẽ căn cứ vào đâu để giải quyết vụ việc. Theo đại biểu không nên có quy định này trong dự thảo vì nếu không sẽ rất tuỳ nghi, gây bế tắc trong giải quyết. 

“Chúng tôi cho rằng đặt vấn đề này ra nghe rất là hay, rất là vì dân, bất kể cái gì chúng ta đều giải quyết, kể cả không có pháp luật quy định thì phải căn cứ vào lẽ công bằng. Nhưng lẽ công bằng ở đây là gì?,” đại biểu Lê Thị Nga đặt vấn đề. 

Cũng tán thành với quan điểm này, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đặt vấn đề nếu người dân đề nghị tòa ra quyết định ly thân thì không thể giải quyết được vì pháp luật không có quy định. Đại biểu đề nghị nếu pháp luật chưa có quy định thì không có căn cứ để tòa thụ lý giải quyết vụ việc dân sự.

Tuy nhiên, cũng có những đại biểu có quan điểm khác, tán thành với quy định này trong dự thảo Luật. Các ý kiến này cho rằng quy định này là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì đối với những tranh chấp dân sự mà luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giải quyết thì Tòa án phải giải quyết. 

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đánh giá quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người dân và nâng cao trách nhiệm của người thẩm phán phải tìm mọi biện pháp giải quyết, nếu không thẩm phán sẽ rất dễ “buông xuôi,” còn người dân bị thiệt thòi, ấm ức.

Theo đại biểu khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng, thì Tòa án áp dụng tinh thần của Hiến pháp, tập quán, áp dụng nguyên tắc chung của luật, áp dụng án lệ, áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng thống nhất với quan điểm này. 

Theo đại biểu, tòa án sẽ gặp khó khăn vì dân sự là “mênh mông” nhưng phải giải quyết, không thể vì thế mà từ chối yêu cầu của dân. Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng không có lý do nào để tòa từ chối thụ lý, còn có rào cản thì phải tính toán để giải quyết. Đại biểu cho rằng thực hiện quy định này cũng sẽ củng cố năng lực cho ngành tòa án.

Có nên quy định áp dụng án lệ trong xét xử án dân sự?

Về sự tham gia của Viện Kiểm sát Nhân dân đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự (Điều 22 dự thảo), nhiều ý kiến cho rằng trong tố tụng dân sự, Viện Kiểm sát Nhân dân không phải là cơ quan công tố (đây là điểm khác biệt cơ bản với tố tụng hình sự) mà chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp. 

Do đó, trong tố tụng dân sự, Viện Kiểm sát Nhân dân không phải là cơ quan tiến hành tố tụng mà là cơ quan tham gia tố tụng, vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại các quy định tại các Điều 42, 48, 49 và 50 của dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) để quy định cho phù hợp.

Nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Quy định này nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn nhằm bao quát hết các vụ án dân sự...

Thảo luận về áp dụng án lệ trong xét xử án dân sự (Điều 21), nhiều ý kiến đánh giá áp dụng án lệ trong tố tụng dân sự mới chỉ được quy định là nguyên tắc tại Điều 21 của dự thảo Bộ luật. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về thủ tục, trình tự công nhận án lệ. 

Trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) cũng chưa làm rõ được trong quá trình giải quyết vụ án dân sự thì tòa án nhân dân áp dụng án lệ như thế nào; chưa có tiêu chí, điều kiện để áp dụng án lệ trong tố tụng dân sự… 

Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) cho rằng nếu chỉ quy định nguyên tắc chung thì chưa bảo đảm thẩm phán áp dụng án lệ một cách dễ dàng. Vì vậy. để bảo đảm hoạt động xét xử, dự thảo luật cần bổ sung những quy định về quy tắc, trình tự, thủ tục, giá trị án lệ…

Có quan điểm án lệ chỉ có tính chất tham khảo, chứ không mang tính chất áp dụng, đại biểu Phạm Đức Châu đề nghị hiện nay chưa nên quy định áp dụng án lệ.

Tại phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung: thẩm quyền của Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn với việc khởi kiện...

Theo Chương trình, chiều nay, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật tạm giữ, tạm giam và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thú y./.
 

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều