Báo Đồng Nai điện tử
En

Gần 500 cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm máy bay rơi tại núi Dinh

09:10, 19/10/2016

(ĐN)- Sáng nay 19-10, lực lượng chức năng bắt đầu luồn rừng, trèo núi, tiếp cận hiện trường - nơi máy bay EC 130-T2 bị rơi vào sáng ngày 18-10. Tất cả mọi người hy vọng, ba phi công vẫn còn sống sót...

[links()](ĐN)- Sáng nay 19-10, lực lượng chức năng bắt đầu luồn rừng, trèo núi, tiếp cận hiện trường - nơi máy bay EC 130-T2 bị rơi vào sáng ngày 18-10. Tất cả mọi người trong lực lượng tìm kiếm vẫn hy vọng ba phi công sẽ sống sót, mặc dù đó là điều hiếm xảy ra...

Máy bay trinh sát của công ty bay Trực thăng miền Nam quần thảo trên núi Dinh tìm kiếm máy bay EC 130-T2 rơi
Máy bay trinh sát của công ty bay Trực thăng miền Nam quần thảo trên núi Dinh tìm kiếm máy bay EC 130-T2 rơi

Tại hiện trường khu vực Núi Dinh phần tiếp giáp giữa phường Kim Dinh (Tp.Bà Rịa) với huyện Tân Thành, sáng 19-10, dưới sự chỉ huy của Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, các lực lượng Quân đội, với gần 500 cán bộ, chiến sĩ đội tìm kiếm cứu nạn chuyên biệt trên cạn bắt đầu luồn rừng, trèo núi vào khu vực có máy bay rơi. Nhiều phóng viên, báo đài cũng đã có mặt theo hiện trường tác nghiệp

Đại tá Phạm Phú Ý, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đường lên địa điểm nghi máy bay rơi ngoằn ngoèo, núi non hiểm trở, độ dốc cao, việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn. Một số đoạn đường trơn trượt do cơn mưa lớn chiều 18-10. Mặc dù vậy, việc tìm kiếm cứu nạn vẫn diễn ra khẩn trương, bằng mọi cách tiếp cận máy bay sớm nhất.

Máy bay EC 130-T2 cất cánh tại sân bay Vũng Tàu
Máy bay EC 130-T2 cất cánh tại sân bay Vũng Tàu

Được biết trước đó, sau nhiều giờ tìm kiếm, đến tối 18-10, lực lượng chức năng phối hợp với 2 trực thăng trinh thám của Công ty Bay dịch vụ miền Nam đã khoanh vùng được khu vực máy bay rơi là núi Bao Quan, hoặc khe núi Bạch Vân (phía sau Thiền viện Viên Không). Nhà sư trụ trì ở Thiền viện Viên Không cho biết, khu vực khe Bạch Vân thường xuyên có mây mù, tầm nhìn rất hạn chế. Ngay chính các nhà sư ở đây lâu năm cũng ít khi nào nhìn sáng tỏ trên đỉnh núi này

Như Báo Đồng Nai điện tử đã đưa tin, trực thăng EC 130-T2 mang số hiệu VN 8632 của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Vietnam Helicopters - VNH, Binh đoàn 18) mất liên lạc sau khi cất cánh được khoảng 15 phút từ sân bay Vũng Tàu vào 7 giờ 40 phút sáng 18-10.

, Thượng Tướng Võ Văn Tuấn, tổng chỉ huy lực lượng cứu hộ
Thượng Tướng Võ Văn Tuấn, Tổng chỉ huy lực lượng tìm kiếm, cứu hộ

Khu vực trước khi máy bay mất liên lạc là núi Dinh, đoạn giáp giữa huyện Tân Thành và TP.Bà Rịa. Nhiều người dân sống ở khu vực núi Dinh (phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa) cho biết, vào thời điểm nói trên, họ có nghe tiếng máy bay trực thăng rất gần, liền sau là tiếng “ầm” lớn. Một số người khác cho biết, có nhìn thấy đám cháy trên núi. Ngay sau khi trực thăng mất liên lạc, cơ quan chức năng đã nhanh chóng tổ chức công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Trước đó, trưa 18-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có công điện chỉ đạo tìm kiếm máy bay trực thăng EC 130 T2. Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng tập trung mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm cứu nạn phi công.

Khu vực đỉnh núi Dinh được xác định địa điểm máy bay tai nạn
Khu vực đỉnh núi Dinh được xác định địa điểm máy bay tai nạn

Cũng ngay trong chiều 18-10, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có mặt tại khu vực núi Dinh trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn. Ba phi công được xác định là Đại úy Dương Lê Minh - giáo viên, Trung úy Đặng Đình Duy - học viên, Trung úy Nguyễn Văn Tùng - học viên.

Lúc 8 giờ sáng 19-10, anh Trần Văn Hồng, nguyên Thiếu tá làm việc trong Công ty bay Trực thăng miền Nam cho biết, Đại úy Dương Lê Minh là giảng viên bay của Trung tâm Huấn luyện bay (Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam). Bố anh là Thượng tá, nguyên Phó trung đoàn Trưởng Trung đoàn 910, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đã hy sinh cách đây hơn 10 năm (ngày 29-4-2005) khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện bay, ông tên là Dương Văn Thanh.

Nhiều thanh niên địa phương phường Kim Dinh cũng tham gia tìm kiếm
Nhiều thanh niên địa phương phường Kim Dinh cũng tham gia tìm kiếm

Cũng theo Thiếu tá Hồng, Đại úy Dương Lê Minh đã có lần kể chuyện bố anh hy sinh. Khi đó Đại úy Minh đang là học viên phi công tại Trường Sĩ quan Không quân. Ngày nghe tin bố anh hy sinh, cả nhà suy sụp. Lúc đó, mẹ Đại úy Minh không muốn cho con trai theo nghiệp bố, nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ, vì anh thích làm phi công. Mặt khác, anh nghĩ bố anh đã làm phi công nên anh muốn theo nghiệp bố để bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Tin và ảnh: Mai Thắng - Đình Thìn

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích