Báo Đồng Nai điện tử
En

Người hùng tử, anh hùng bất tử!

01:10, 19/10/2016

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Bá Ước thanh thản tắt nghỉ lúc 13h55 ngày 18/10/2016. Tin ấy làm đau lòng, nhưng không quá bất ngờ, vì sự việc đã được tiên lượng, tâm thế đã sẵn sàng...

Huỳnh Văn Tới

Đồng chí Đại tá Lê Bá Ước
Đại tá Lê Bá Ước

[links()]Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Bá Ước thanh thản tắt nghỉ lúc 13h55 ngày 18/10/2016. Tin ấy làm đau lòng, nhưng không quá bất ngờ, vì sự việc đã được tiên lượng, tâm thế đã sẵn sàng.

Hôm đến thăm ông ở bệnh viện, bác sĩ nói: tình thế như ngọn đèn cạn dầu. Ông mệt nhiều, khó nói, nhưng vẫn minh mẫn, bên tay luôn có cây bút và mảnh giấy để bút đàm. Tôi nói vui, đề nghị ông để lại cho đời bốn câu thơ. Ông làm thinh, tưởng là bất lực. Hổng dè, khi tôi quay đi, ông ra hiệu gọi lại, nắn nót từng chữ, qua phiên dịch Bá Thành mới hiểu: “Trên đời, mọi người hùng đều tử. Chỉ anh hùng bất tử!”. Ông xin nợ lại hai câu.

Nghĩ mà thấm thía triết lý sâu lắng ấy: Mọi người dù là người hùng, thân đều về cát bụi, chỉ có phẩm chất anh hùng là bất tử, còn mãi với đời. Nghiệm cuộc đời của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân  Lê Bá Ước, quả đúng như vậy.

Lê Bá Ước có nguồn cội ở Quảng Bình, sinh quán ở Gò Quao, Rạch Giá, năm 1931; tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, góp sức thiếu niên trong Cách mạng Tháng 8 1945, tham gia kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc, rồi vượt Trường Sơn về Nam. Từng là Chính ủy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác anh hùng; tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh với cương vị Chính ủy Sư đoàn 2 Đặc công.

đồng chí Nguyễn Minh Triết, Nguyên Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thăm hỏi sức khỏe Đại tá Lê Bá Ước, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Nguyên Chủ tịch nước thăm hỏi sức khỏe Đại tá Lê Bá Ước, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (ảnh: Tư liệu)

Từ năm 1976, ông được giao nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Đồng Nai, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy Đồng Nai khóa III và  IV. Năm 1994, ông hưởng chế độ nghỉ hưu, nhưng hoạt động vẫn còn “máu lửa” với tâm huyết của một cựu chiến binh, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai.

Cuộc đời của Lê Bá Ước có thể cô đọng trong hai chữ “người lính”. Nhưng là người lính đời thường ở cung bậc phi thường. Phi thường không phải ở thành tích nhiều huân, huy chương chiến công rộn ràng ngực áo, ở huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (được phong tặng từ năm 2012); mà ở phẩm giá của một người lính – bộ đội Cụ Hồ với ý chí, tấm lòng và nghĩa cử được đồng chí, động đội và nhân dân yêu quí.

    Đại tá Lê Bá Ước (đứng giữa) vui mừng gặp lại đồng đội
Đại tá Lê Bá Ước (đứng giữa) vui mừng gặp lại đồng đội (ảnh: Tư liệu)

Đời lính của Lê Bá Ước như huyền thoại: Chiến công nối chiến công, vào sinh ra tử; tiếp nối sự sống của liệt sĩ; hạnh phúc riêng gắn với nỗi đau chung; chan hòa rượu lạt tình nồng; giặc sợ, dân tin; tên gọi “Bảy Rừng Sác” thân thương, nồng ấm.

Tâm tình của một cựu chiến binh thời bình: Son sắt, thủy chung, nặng nghĩa tình đồng đội; lập bàn thờ hương khói cho hơn 800 liệt sĩ đặc công Rừng Sác, bôn ba khắp nơi tìm hài cốt liệt sĩ, kết nối nghĩa tình, chăm lo đời sống cho gia đình đồng đội đã hy sinh. Niềm thương nhớ và lòng tự hào về đơn vị, về đồng đội thôi thúc ông đúc kết kinh nghiệm, kết tinh giá trị để giáo dục truyền thống cho đời sau.

Đại tá Lê Bá Ước gặp gỡ các cơ sở cách mạng ở xã Phú Thạnh, đã hỗ trợ các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 đánh kho bom Thành Tuy Hạ năm 1972. Ảnh: T.Thúy
Đại tá Lê Bá Ước gặp gỡ các cơ sở cách mạng ở xã Phú Thạnh, đã hỗ trợ các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 đánh kho bom Thành Tuy Hạ năm 1972. (ảnh: Tư liệu)

Các công trình Đền liệt sĩ Nhơn Trạch, Di tích Căn cứ Cần Giờ, Di tích địa đạo Phước An và nhiều công trình đền ơn đáp nghĩa khác đều in đậm dấu ấn của Đại tá Lê Bá Ước. Hình ảnh cựu binh Đặc công Rừng Sác Lê Bá Ước với bộ quân phục rực rỡ huân, huy chương và chất giọng Nam bộ hào sảng đã gieo hạt, đốt lửa truyền thống trong lòng biết bao lớp người, nhất là với thanh thiếu niên.

Có thể nói, Đại tá Lê Bá Ước là nhân chứng sống của lịch sử; một thứ sử đậm chất văn, giàu chất thơ, lung linh tình người. Biết bao thước phim tư liệu đã cho thấy điều ấy. Rõ nhất là trong bộ sách “Một thời Rừng Sác” do ông lưu bút, tái bản nhiều lần, lưu truyền nhiều nơi. Đó là những trang viết tâm huyết về nỗi niềm của người chỉ huy, người lính đặc công thủy năm xưa, nhớ và nghĩ về đồng bào, đồng đội ở chiến trường Rừng Sác; được xem là “sử”, là “truyện”, đồng thời là “thơ”, bởi vì nó thể hiện những chiến công đậm chất anh hùng ca, những mẫu chuyện ly kỳ và những cung bậc tình cảm giàu chất thơ.

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước ký tặng sách Trái tim người lính của ông cho những người đến dự lễ ra mắt tác phẩm mới do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh giới thiệu.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Bá Ước ký tặng sách Trái tim người lính của ông cho những người đến dự lễ ra mắt tác phẩm mới do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh giới thiệu (ảnh: Tư liệu).

Có lúc, Lê Bá Ước dựng tượng đài đồng đội bằng văn thơ không kém tài hoa của nhà văn chuyên nghiệp:

Bâng khuâng tấc dạ niềm thương nhớ

Lộng gió trên sông một bóng cờ

Mãi mãi hiên ngang Rừng Sác đứng

Mỗi người ngã xuống một bài thơ…

                                                  (1997)

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước cùng đoàn viên thanh niên về thăm lại Di tích lịch sử “Căn cứ Sở chỉ huy đặc khu quân sự Rừng Sác và đoàn 10 đặc công Rừng Sác” (Ảnh: Công Nghĩa)
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước cùng đoàn viên thanh niên về thăm lại Di tích lịch sử “Căn cứ Sở chỉ huy đặc khu quân sự Rừng Sác và đoàn 10 đặc công Rừng Sác” (ảnh: Tư liệu)

Trong gia đình, Lê Bá Ước là một tấm gương sáng về nếp sống mực thước của người lính, bình dị của thường dân, cầu tiến của thời đổi mới. Gia hệ của Lê Bá Ước như một cây nhiều nhánh, một suối nhiều dòng, chung một nguồn mạch đoàn kết, thương yêu, lấy Lê Bá Ước làm “hột nhưn” kết nối. Nhờ vậy, toàn gia đình có 6 người ở 3 thế hệ tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam, 16 đảng viên với tổng số 296 tuổi đảng, 38 người ở 3 thế hệ đều tự hào, sống xứng đáng với truyền thống của gia đình. Cái tính lạc quan, hóm hỉnh của ông hình như cũng là đặc sản, là bảo dược động viên con cháu vượt qua khó khăn để sống tốt. Còn nhớ, có lần ông vẽ đường biểu diễn của đời mình: “Kinh qua chống Pháp, chống Mỹ; không sợ chống nạnh, chẳng thèm chống gậy, tiến thẳng đến nghĩa trang”.

Hôm về thăm lại vùng kháng chiến xã Phú Thạnh, mới thấu hiểu thế nào là anh hùng nhân dân. Các má, các cô - những người thầm lặng giúp bộ đội đặc công chiến thắng Thành Tuy Hạ năm xưa đón ông như người anh trở về, kính trọng, thân thiết, ân tình. Dáng gầy yếu của ông bổng dưng trở nên mạnh mẽ, sinh động. Đó là lý do vì sao càng về cuối đời, ông càng thích về lại chiến trường xưa, thăm lại người quen cũ, tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa.

Đại tá Lê Bá Ước nói chuyện với các cán bộ, giáo viên về chiến khu Rừng Sác.
Đại tá Lê Bá Ước nói chuyện với các cán bộ, giáo viên về chiến khu Rừng Sác (ảnh: Tư liệu).

Biết mình không qua khỏi, ông tỉnh táo dặn dò người nhà: Hỏa táng, tro cốt về Nhơn Trạch, về với đồng đội chiến trường xưa. Đến đây mới nhớ tâm niệm của ông qua 4 câu thơ ứng tác đã lâu:

Chen chúc làm chi chốn nghĩa trang

Trở về Rừng Sác rộng thênh thang

Tro tàn hòa máu bao đồng đội

Sừng sững hiên ngang đước bạt ngàn.

Vậy là, người lính Lê Bá Ước trở về, về với Rừng Sác và đồng đội anh hùng. Thân anh hùng về với đất. Phẩm chất anh hùng còn lại, kết tinh giá trị văn hóa ở đời.

Lòng thương tiếc Đại tá, Anh hùng Lê Bá Ước tự dưng đọng lại mấy dòng:

Người hùng tử, anh hùng bất tử

Chốn thiêng liêng đồng đội hẹn về

Đặc công nước, chết không rời nước

Người ra đi, nhân nghĩa còn đây!.

H.V.T

Tin xem nhiều