Báo Đồng Nai điện tử
En

Thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 2016

10:10, 08/10/2016

Để chuẩn bị các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, sáng 7/10, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể, thẩm tra Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; cho ý kiến về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Để chuẩn bị các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, sáng 7/10, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể, thẩm tra Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; cho ý kiến về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ với một Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, trong sạch và liêm chính, những tháng qua, nền kinh tế Việt Nam đã tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước.

Tính chung chín tháng năm 2016, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%), nhưng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng sáu tháng đầu năm (5,52%). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2016 tăng 3,14% so với tháng 12/2015 chủ yếu do tăng giá dịch vụ công. Dự báo lạm phát cả năm dưới mức 5% do Quốc hội đề ra.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ đã được điều hành chủ động, linh hoạt phối hợp với chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô để ổn định phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ đã tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện ba đột phá lớn, nhất là nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển bền vững nền kinh tế.

Các nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại thu được nhiều kết quả tích cực.

Công tác giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm hơn và đạt kết quả tích cực.

Đặc biệt, Chính phủ đã kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, giải quyết các khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển...

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đó là chất lượng tăng trưởng thấp, vẫn mang nặng mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư theo chiều rộng với hai yếu tố vốn và lao động; tỷ trọng yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng GDP từ 36,2% năm 2015 giảm xuống 34,4% năm 2016. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra; nợ công và nợ Chính phủ nếu không có sự điều chỉnh cơ cấu nợ, đến cuối năm 2016 cũng có thể cao hơn mức đã dự kiến. Việc thực hiện các đột phá lớn và tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực còn chậm...

Qua thảo luận, cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, các ý kiến cho rằng một số nội dung trong Báo cáo còn thể hiện chưa rõ ràng, thiếu thông tin số liệu. Báo cáo chưa nêu bật một số vấn đề bức xúc của xã hội được dư luận quan tâm hiện nay như ô nhiễm môi trường; an toàn thực phẩm; phá rừng; cải cách thủ tục hành chính; xâm nhập mặn; xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhất trí với nhiều nội dung trong các Báo cáo và cho rằng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, mà nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ vững, ổn định và phát triển như hiện nay là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hai chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,3-6,5% so với kế hoạch đề ra là 6,7% và tốc đố tăng tổng kim nghạch xuất khẩu đạt 6-7% so với kế hoạch đề ra là 10%.

Qua thực tế, tình hình xã hội vẫn còn bộc lộ một số vấn đề như giảm nghèo; chính sách cho người có công; các vụ án lớn xảy ra... Bên cạnh đó, hoạt động cải cách hành chính tuy đã rất cố gắng nhưng qua khảo sát mức độ phục vụ hành chính của các cơ quan công quyền với dân vẫn thấy còn chưa tốt.

Cơ bản nhất trí với các Báo cáo, đại biểu Lê Minh Chuẩn (đoàn Quảng Ninh) cho rằng khả năng tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt chỉ tiêu như Quốc hội giao Chính phủ (6,7%) là do nhiều nguyên nhân. Đó là, mặc dù có những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng trong trung hạn, kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn khó có khả năng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao khi những nền tảng cho tăng chưa được thiết lập chắc chắn, cũng như bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực từ các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực.

Một nguyên nhân nữa là dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ xung quanh ở mức dưới 5%. Trong kịch bản thận trọng, lạm phát vào khoảng 4,2% và không loại trừ việc lạm phát năm 2016 sẽ quay lại vượt mức mục tiêu 5% của Chính phủ. Vì, giá cả hàng hóa cơ bản có thể tăng tiếp trở lại; viện phí và học phí dự kiến tăng trong những tháng cuối năm; cung tiền tăng khá mạnh, nhất là trong sáu tháng vừa qua; mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao là 18-20%.

Nguyên nhân tiếp là cơ cấu thu ngân sách có sự thay đổi do thu từ dầu giảm mạnh; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do nhiều lý do; thu từ doanh nghiệp nhà nước giảm. Ngoài ra, một số ngành tăng trưởng kém trong sáu tháng đầu năm chẳng hạn như giá trị sản xuất ngành khai khoáng giảm 2,2%...

Về giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, đại biểu Lê Minh Chuẩn đề nghị đẩy mạnh tiến độ thị trường hóa giá các loại hàng hóa, dịch vụ công như y tế, giáo dục và các mặt hàng thiết yếu (điện, nước...). Chấm dứt sử dụng các biện pháp kiểm soát giá mang tính hành chính, dẫn tới méo mó thị trường, gia tăng thâm hụt ngân sách cũng như giảm hiệu quả điều hành của các công cụ là chính sách tiền tệ và tài khóa.

Kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản. Đặc biệt là thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ. Bên cạnh đó cần xác định lại mối quan hệ giữa nâng cao trình độ lực lượng lao động với việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng của nền kinh tế./.
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều