Báo Đồng Nai điện tử
En

Công khai xin lỗi lái tàu bị truy tố oan trong vụ tai nạn cầu Ghềnh năm 2011

02:08, 30/08/2017

(ĐN)-  Sáng 30-8, tại Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh), Viện kiểm sát nhân dân (KSND) TP.Biên Hoà tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với lái tàu Nguyễn Văn Túy (49 tuổi, ngụ TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) - người đã bị bắt tạm giam và truy tố oan trong vụ tai nạn trên cầu Ghềnh xảy ra năm 2011.

(ĐN)-  Sáng 30-8, tại Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh), Viện kiểm sát nhân dân (KSND) TP.Biên Hoà tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với lái tàu Nguyễn Văn Túy (49 tuổi, ngụ TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) - người đã bị bắt tạm giam và truy tố oan trong vụ tai nạn trên cầu Ghềnh xảy ra năm 2011.

Ông Danh Huệ (bên trái) bắt tay và tặng hoa cho ông Nguyễn Văn Túy
Ông Danh Huệ (bên trái) bắt tay và tặng hoa cho ông Nguyễn Văn Túy

Tại buổi xin lỗi, ông Danh Huệ, Phó viện trưởng Viện KSND TP.Biên Hoà thừa nhận những sai sót, khuyết điểm trong quá trình điều tra, dẫn đến hậu quả ông Túy bị bắt oan, gây thiệt hại về vật chất, tinh thần và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ông. Viện KSND TP.Biên Hòa nhận trách nhiệm và mong ông Túy, cũng như người thân chấp nhận lời xin lỗi của Viện KSND TP.Biên Hòa.

Cũng theo ông Huệ, đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình công tác, phải thận trọng hơn để không còn người nào, gia đình nào phải chịu cảnh mất mát do bị khởi tố, điều tra, truy tố oan sai. Ông Huệ cho biết, Viện KSND TP.Biên Hòa sẽ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức đã để xảy ra việc khởi tố, truy tố oan sai đối với ông Túy theo đúng pháp luật.

Đáp lời vị lãnh đạo Viện KSND TP.Biên Hòa, ông Túy nói: “Những tổn thất với tôi không thể bù đắp được. Việc xin lỗi lẽ ra phải diễn ra từ hơn một năm trước. Các cán bộ làm sai trong việc bắt giữ tôi tới nay chưa biết sẽ bị xử lý trách nhiệm như thế nào?”.

Ngoài ra, ông Túy cũng thắc mắc việc tại sao là lái tàu bị bắt giữ, khởi tố, truy tố và đình chỉ như nhau, nhưng ông Nguyễn Xuân Phú (phụ lái tàu) lại được bồi thường 500 triệu đồng, còn bản thân ông chỉ được 320 triệu đồng?

Theo hồ sơ vụ án, tối ngày 6-2-2011, ông Túy cùng phụ lái là Nguyễn Xuân Phú được phân công lái tàu SE2 từ ga Sài Sòn đến ga Mường Mán (tỉnh Bình Thuận). Khi gần đến cầu Ghềnh, lái tàu Túy vẫn nhận được tín hiệu cho tàu chạy, nên ông đã cho tàu vào cầu. Tuy nhiên, lúc này trên cầu có chiếc xe ô tô đang kẹt lại nên xảy ra va chạm, khiến 2 người chết và 22 người bị thương.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, 4 nhân viên gác chắn, 1 nhân viên thông tin tín hiệu, 1 tài xế taxi, cùng ông Túy và ông Phú bị cơ quan chức năng bắt giữ để điều tra. Sau đó, ông Túy bị khởi tố vì tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và bị tạm giam 278 ngày. Đến tháng 2-2015, Viện KSND TP.Biên Hòa mới ra quyết định đình chỉ đối với ông Túy và ông Phú vì do “chuyển biến tình hình”.

Không đồng tình với quyết định trên, ông Túy và ông Phú yêu cầu Viện KSND TP.Biên Hòa xin lỗi và bồi thường oan. Tuy nhiên, do thương lượng không thành, nên ông Túy khởi kiện Viện KSND TP.Biên Hòa ra tòa.

Ngày 22-2, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm tuyên Viện KSND TP.Biên Hòa phải bồi thường tổng số tiền hơn 322 triệu đồng (tăng 48 triệu đồng so với tòa sơ thẩm). Riêng lái tàu phụ ông Nguyễn Xuân Phú, ngày 29-8, Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã xử phúc thẩm tuyên Viện KSND TP.Biên Hòa phải bồi thường số tiền hơn 500 triệu đồng.

Liên quan đến vụ án, ngày 23-11-2015, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên phạt các bị cáo Trần Minh Châu (lái xe taxi) 5 năm tù giam; Trần Văn Thời, Bùi Văn Thuấn, Nguyễn Văn Lương, Trần Viết Hải (đều là nhân viên gác chắn) từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tố Tâm

 

Tin xem nhiều