Báo Đồng Nai điện tử
En

Gắn công tác bảo vệ với phát triển rừng

07:08, 19/08/2017

(ĐN)- Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đặng Hồng Tăng, mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2016 và các tháng đầu năm 2017 có đạt được một số kết quả nhất định, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề rất đáng quan ngại,...

 

(ĐN)- Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đặng Hồng Tăng, mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2016 và các tháng đầu năm 2017 có đạt được một số kết quả nhất định, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề rất đáng quan ngại, nhất là tình trạng các đối tượng "lâm tặc” bất chấp mọi thủ đoạn để săn bắt, khai thác tài nguyên rừng...

Khen thưởng cho các cá nhân đạt thành tích.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đặng Hồng Tăng khen thưởng các cá nhân đạt thành tích trong công tác quản lý bảo vệ rừng

Với vai trò là Phó ban Chỉ đạo phát triển và bảo vệ rừng của tỉnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đặng Hồng Tăng đề nghị các lực lượng chức năng thời gian tới phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác bảo vệ gắn với phát triển rừng; không để xảy ra các điểm “nóng” phức tạp về quản lý và bảo vệ rừng.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong đợt cao điểm kiểm tra, truy quét năm 2015, việc bắt và xử lý nhiều vụ săn bắt động vật hoang dã, quý hiếm; trộm cắp gỗ...đã có những tác động tích cực tới công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, các thủ đoạn săn bắt động vật, khai thác, tàng trữ lâm sản lại diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp và thường tập trung tại các khu vực giáp ranh, khiến việc xử lý gặp khó khăn.

Trước tình hình đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, truy quét, lực lượng chức năng còn tiến hành khảo sát để xác định địa bàn trọng điểm, đối tượng trọng điểm, nhằm tập trung đấu tranh cho có hiệu quả. Trong đó, đã tổ chức hơn 40 buổi tuyên truyền tại các địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, với hơn 850 lượt người tham dự.

Đặc biệt, qua công tác vận động, đã có 4 đối tượng buôn bán động vật hoang dã chuyển sang nghề khác để sinh sống. Bên cạnh đó, người dân cũng đã giao nộp 27 bẩy kẹp, 450 sợi dây cáp dùng làm bẫy, 2 lựu đạn, cùng 16 cá thể như: khỉ, mèo rừng, bìm bịp, tắc kè…để thả về rừng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, xử lý 129 vụ, 138 đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ lâm sản; khởi tố 8 vụ, gồm 13 bị can, xử phạt hành chính 50 vụ, 57 đối tượng; thu giữ hàng trăm mét khối gỗ quý các loại và hàng chục cá thể động vật quý hiếm.

Trần Danh

Tin xem nhiều