Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều diện tích thanh long ruột đỏ có nguy cơ chặt bỏ

11:09, 13/09/2017

(ĐN)- Là cây trồng tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân ở huyện Trảng Bom, thế nhưng gần đây hàng trăm hécta thanh long ruột đỏ cho thu nhập tiền tỷ có nguy cơ phải chặt bỏ vì dịch bệnh, khiến người dân nơi đây lo lắng.

(ĐN)- Là cây trồng tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân ở huyện Trảng Bom, thế nhưng gần đây hàng trăm hécta thanh long ruột đỏ cho thu nhập tiền tỷ có nguy cơ phải chặt bỏ vì dịch bệnh, khiến người dân nơi đây lo lắng.

Tham gia vào dự án hỗ trợ trồng cây thanh long ruột đỏ vào năm 2009, gia đình anh Nguyễn Trọng Đại (ngụ ấp 5, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) đã đầu tư trồng hơn 1 hécta thanh long ruột đỏ. Những năm đầu năng suất thanh long ruột đỏ tăng, với giá bán có thời điểm lên đến gần 70 ngàn đồng/kg đã mang lại cho gia đình anh Đại gần 1 tỷ đồng/hécta/năm. Gia đình anh còn cung cấp cho thị trường hàng ngàn “hom giống” với thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay vườn thanh long có hiện tượng bị bệnh nấm. Lúc đầu xuất hiện những đốm nhỏ trên thân cây, rồi sau lan sang đến quả dù đã dùng mọi loại thuốc phun xịt, nhưng bệnh tình trên cây thanh long vẫn không khỏi. Hiện gia đình anh đang cắt bỏ dần vườn thanh long để thay thế loại cây trồng khác, vì không còn cách chữa trị.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Thừa Tường (ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) cũng có 5 sào cây thanh long ruột đỏ. Vừa mới cho thu hoạch được gần 1 năm thì nay cây thanh long cũng bị nhiễm bệnh. Lúc đầu chỉ một vài cây, sau lan ra cả vườn dù đã phun nhiều loại thuốc, nhưng không hiệu quả mà còn chết trụi.

Theo ông Tường, số tiền phân bón, thuốc men không bù lại tiền thu hoạch trái do thương lái không thu mua những quả bị nhiễm bệnh. Vì thế, gia đình ông đành bỏ hoang vườn thanh long để cho cỏ mọc um tùm, chết dần, trơ trụi…

Huyện Trảng Bom hiện có trên 136 hécta thanh long ruột đỏ, tập trung chủ yếu tại các xã: Hưng Thịnh, Tây Hòa, Trung Hòa, Sông Trầu và Sông Thao. Với thời tiết thất thường như hiện nay, việc xuất hiện nhiều loại nấm bệnh trên cây trồng, vật nuôi đang phổ biến, trong đó nấm “tắc kè” là một trong những loại nấm bệnh đang gây thiệt hại lớn trên cây thanh long mà chưa có thuốc đặc trị.

Trước tình trạng bệnh ngày càng lan rộng, người dân rất cần các đơn vị chuyên môn tìm biện pháp xử lý, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Thanh Trà - Hồng Lĩnh

Tin xem nhiều